Biểu tình ở Dublin (Ireland) ngày 23/02/2025 nhân kỷ niệm ba năm Nga xâm lược Ukraine. REUTERS - Clodagh Kilcoyne
Libération ngày 24/02/2025 nhận định ba năm sau Nga, đến lượt người Mỹ mở « chiến dịch đặc biệt » với Ukraine để chiếm hữu tài nguyên. Người ta hiểu rằng Donald Trump và các cộng sự đang kề dao vào cổ Ukraine. Theo Le Figaro, Âu châu thiếu những nhà lãnh đạo có tầm vóc và lòng dũng cảm như Churchill hay De Gaulle. Chỉ có một người duy nhất nhìn thẳng vào Lịch sử, đó là Volodymyr Zelenskyy. Hoa Kỳ rút lui, ai có thể cứu được Ukraine?
Phía sau cuộc gặp Macron-Trump là mặt trận chung Âu châu
Đúng ba năm sau khi Nga xua quân sang nước láng giềng, tấn công Ukraine từ trên không lẫn trên bộ, cuộc chiến chuyển sang một bước ngoặt mới. Le Monde chạy tựa « Hoa Kỳ, từ ủng hộ đến bỏ rơi ». Libération ra số đặc biệt với ảnh trang nhất là tổng thống Ukraine mặc áo giáp, mắt nhìn thẳng phía trước, chạy tít « Ai có thể cứu Ukraine? ». Les Echos nhận định « Âu Châu đang tìm cách trợ giúp Ukraine », La Croix quan tâm đến giới trẻ với hàng tựa « Ukraine, ba năm chiến tranh : Tuổi trẻ mất mát ».
Hôm 24/02, nhiều nhà lãnh đạo Âu châu, có cả thủ tướng Canada đến thăm Kiev để bày tỏ « sự ủng hộ không gì lay chuyển », nhân kỷ niệm ba năm bị xâm lăng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bận rộn trên một mặt trận khác, ông đến gặp ông Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc trong ngày 24/02. Đến thứ Năm sẽ đến lượt thủ tướng Anh, Keir Starmer. Anh quốc và Pháp dẫn đầu trong việc chuẩn bị đưa ra đề nghị của Âu châu với Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh cho Ukraine trong khuôn khổ một kế hoạch hòa bình.
Một nhiệm vụ phức tạp trong lúc chiếc xe ủi Mỹ-Nga chừng như làm ngơ trước Âu châu và ngay cả người Ukraine. Ông Macron cho biết sẽ cố gắng thuyết phục Trump là không thể tỏ ra yếu đuối trước Putin, vì lợi ích của chính Hoa Kỳ. Theo Le Figaro, Anh và Pháp dự kiến điều 30.000 quân sang bảo vệ các thành phố và hạ tầng cơ sở của Ukraine. Ngay cả Thụy Sĩ cũng sẵn sàng gởi 200 quân, Đan Mạch và các nước Baltic sẽ tham gia. Cũng trong hôm nay, Pháp và Estonia tổ chức hội nghị trực tuyến khoảng mười mấy bộ trưởng quốc phòng Âu châu để phối hợp về quân sự.
Ai cứu được Ukraine khỏi móng vuốt gấu Nga?
Trong bài xã luận « Ba năm sau, ai còn có thể cứu Ukraine? », Libération ghi nhận chính Volodymyr Zelenskyy là người đầu tiên đã báo động rằng « chiến dịch quân sự đặc biệt » thực ra nhắm vào toàn Âu châu, nếu không giúp đỡ Ukraine, các nước trong châu lục sẽ là mục tiêu sắp tới.
Đúng ba năm sau cái ngày kinh hoàng 24/02/2022, nhiều người Âu châu chắc hẳn đang tua lại cuốn phim, cho thấy lẽ ra đã phải không nhân nhượng trước Nga, và nhất là phải hỗ trợ Ukraine hiệu quả hơn. Phải nhanh chóng gia tăng trừng phạt chế độ Putin, gởi kịp thời chiến đấu cơ và các loại vũ khí mà Kiev đang cần. Âu Châu quá chậm chạp, và sau ba năm, giờ đây « đang tiến đến Thế chiến III » - như đánh giá của nhà văn Andreï Kourkov. Cách đây ba năm, Hoa Kỳ được lãnh đạo bởi một tổng thống dân chủ, ít ai nghĩ rằng người kế nhiệm lại có thể quy phục dưới chân Vladimir Putin, trao trọn tất cả những gì ông ta đòi hỏi. Và đáng xấu hổ nhất là đòi Ukraine phải trả tiền cho sự hỗ trợ, mặc cả như một người bán hàng rẻ tiền.
Tân tổng thống Mỹ chỉ thấy những gì tức thời, và những xấp tiền ve vẩy trước mắt, không nhận ra trận hồng thủy tự tạo ra cũng sẽ cuốn trôi luôn mình nếu để cho Putin ca khúc khải hoàn. Ba năm sau, liệu có thể còn cứu Ukraine khỏi móng vuốt của gấu Nga?
Theo Libération, không có chọn lựa nào khác, cần phải nghĩ đến mấy chục ngàn người Ukraine đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc và những người khác đang tiếp tục chiến đấu dù đã kiệt sức. Nghĩ đến Volodymyr Zelenskyy - vốn chưa bao giờ tỏ ra sợ hãi dù biết rằng luôn trong tầm ngắm của Kremlin, và hôm qua không ngần ngại khẳng định sẽ từ chức tổng thống để đổi lấy hòa bình hoặc tư cách thành viên NATO cho Ukraine.
Bầu cử Ukraine? Chỉ một ông cụ 85 tuổi chịu sang làm quan sát viên!
Trên trang Ý kiến của Libération, chuyên gia nghiên cứu Oksana Mitrofanova cho rằng một nền hòa bình bền vững và sự hòa giải giữa hai dân tộc chỉ có được một khi các tội ác của quân Nga được đem ra xét xử. Một người bạn cũ là đại tá Ba Lan về hưu, từng nghiên cứu về Ukraine hơn hai thập niên buồn rầu nhận xét, những người con ưu tú của Ukraine đều đã yên nghỉ trong nghĩa trang. Đến thăm đất nước này 16 lần từ 2022, nhìn rừng cờ trên mộ những người lính, ông tự hỏi có bao nhiêu trong số họ lẽ ra sống sót nếu những vũ khí cần thiết được giao sớm hơn.
Bà Mitrofanova cho biết tại Pháp, với những người đặt ra vấn đề tổ chức bầu cử tổng thống, khi bà hỏi lại có chịu đến Ukraine với tư cách quan sát viên quốc tế hay không, họ đều rút lại ý kiến, chỉ có duy nhất một ông cụ 85 tuổi chịu đi. Chính phủ Ukraine có thể bảo đảm với cử tri là không một hỏa tiễn Nga nào sẽ rơi xuống giết chết họ tại phòng phiếu hay không ? Làm thế nào tổ chức cho các quân nhân trong chiến hào đi bỏ phiếu ? Và còn hàng triệu công dân đang tị nạn tại nhiều nước khác nhau thì sao ?
Không có Hoa Kỳ, làm thế nào đương cự ?
Theo Học Viện Kiel, Âu châu phải đầu tư lớn vào quốc phòng và gia tăng quân số. Mối đe dọa Nga giờ đây không giống như thời điểm lúc đầu cuộc xâm lược Ukraine. Quân Nga nay có kinh nghiệm chiến trường hơn tất cả quân đội khác trên thế giới - trừ Ukraine, có đến 700.000 lính trên lãnh thổ Ukraine, đông đảo hơn năm 2022. Về sản xuất vũ khí, chỉ trong năm 2024 đã đại tu được 1.550 xe tăng, 5.700 thiết giáp và 450 khẩu pháo đủ loại, nói chung tăng gần gấp đôi, khai triển 1.800 hỏa tiễn tầm xa Lancet, tăng gấp bốn. Như vậy ít nhất 3 đến 10 năm nữa Nga có thể tấn công một quốc gia NATO.
Les Echos cho biết về tài chánh, Âu châu có thể tiếp tục viện trợ Kiev thay cho Mỹ. Từ 2022, viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine là 64 tỉ euro trong khi Âu châu là 62 tỉ. Nếu Mỹ và Nga thỏa thuận về Ukraine sẽ mở đường cho Moscow tăng cường quân đội, như vậy Âu châu phải có thêm 50 sư đoàn, nhưng vẫn thiếu các phương tiện hỗ trợ như phi cơ, liên lạc vệ tinh, tình báo... Cũng theo Viện Kiel, cần tối thiểu 1.400 xe tăng, 2.000 chiến xa và 700 khẩu pháo ; lớn hơn số trang bị hiện có của lục quân bốn nước Pháp, Đức, Ý, Anh cộng lại.
Đất hiếm : Mỹ đang kề dao vào cổ Kyiv
Libération nhận định, chịu áp lực lớn trên chiến trường, Kyiv nay còn bị sức ép nặng nề không kém từ Washington. Những gì diễn ra trong những ngày vừa qua rõ ràng là một vụ làm săng-ta (tiếng Pháp là “chantage”, tương đương với từ “blackmail” của tiếng Anh – Danviet), trấn lột chưa từng thấy trong thời hiện đại. Ông Donald Trump như vậy đã thêm Ukraine vào « wishlist » gồm Greenland, Canada, Mexico, kênh đào Panama.
Mỹ muốn buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận về khoáng sản, đòi 500 tỉ đô-la đất hiếm để « bồi thường » viện trợ Mỹ, vì « đã chi 350 tỉ đô-la cho một cuộc chiến mà chưa chắc thắng ». Nhưng mấy ngày qua, tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhắc nhở, Ukraine chỉ nhận được 100 tỉ đô-la từ Hoa Kỳ, trong khi Liên Hiệp Âu Châu (EU) viện trợ tài chánh và quân sự gấp hai lần rưỡi.
Ba năm sau Nga, đến lượt người Mỹ mở « chiến dịch đặc biệt » với Ukraine để chiếm hữu tài nguyên. Bộ trưởng tài chánh Scott Bessent đến Kyiv hôm 12/02 với bản ghi nhớ, đã bị người Ukraine lịch sự từ chối. Tại hội nghị an ninh Munich, phó tổng thống J.D. Vance, một lần nữa đặt cây bút lên bàn của Volodymyr Zelenskyy nhưng ông không ký, và sau đó trở thành mục tiêu bị Trump và ê-kíp đả kích. Hôm qua, có tin đôi bên đang tiến gần một thỏa thuận. Zelenskyy nói rằng sẽ không ký kết một thứ gì « mà mười thế hệ người Ukraine sau đó phải trả nợ ».
Nhưng trong hậu trường, người ta hiểu rằng Trump và các cộng sự đang kề dao vào cổ Ukraine. Một thành viên chính phủ hàm ý áp lực đã đến mức tối đa : Mỹ có thể ngưng lập tức viện trợ quân sự và tài chánh. Nhiều nhân vật quan sát còn lo rằng Elon Musk sẽ ngắt kết nối Starlink, như vậy không còn liên lạc được trên mặt trận. Bộ trưởng quốc phòng Rustem Umerov cho biết đang tìm giải pháp thay thế. Giám đốc tình báo quân sự Ukraine, Kyrylo Boudanov khẳng định tuy tình hình trên tuyến đầu khó khăn nhưng phía quân Nga cũng không khá hơn, nếu không họ chẳng phải tìm cách xúc tiến ngưng bắn.
Volodymyr Zelenskyy, vị tổng thống « nhìn thẳng vào lịch sử »
Le Figaro nhận xét, dù cho những đám mây đen chiến tranh đang bao trùm lên biên giới, Âu châu thiếu những nhà lãnh đạo có tầm vóc và lòng dũng cảm như Churchill hay De Gaulle. Quốc hội Pháp đang bị chia rẽ bởi những cuộc tranh cãi nội bộ, những cuộc chiến chính trị nho nhỏ khiến hai quốc gia Âu châu vĩ đại của Đệ nhị Thế chiến phải xấu hổ. Đức từ lâu đã khom lưng trước nước Nga của Putin, Anh quốc từ chối buông tay Mỹ, các nước Nam phương vùi đầu vào cát, Hungary đứng về phía kẻ thù...
Chỉ có một người trên châu lục này chừng như đủ khả năng đương đầu với những thách thức to lớn của thế kỷ, đó là Volodymyr Zelenskyy. Ông là người duy nhất nhìn thẳng vào Lịch sử, không run rẩy, không chớp mắt. Nhà văn Pháp Iegor Gran bình luận trên mạng X : « Người đàn ông này là một huyền thoại sống, là chính trị gia vĩ đại nhất Âu châu hiện nay ».
Trong khi Âu châu chậm chạp ra khỏi tình trạng dễ chịu của « cổ tức hòa bình » và chiếc dù bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ, do dự không muốn hỗ trợ Ukraine quá nhiều, Volodymyr Zelenskyy đã một mình đối đầu với Vladimir Putin từ tháng Hai năm 2022. Đành rằng có thể ông không có lựa chọn nào khác khi đất nước bị xâm lược, nhưng Zelenskyy đã từ chối chuyến « taxi » mà người Mỹ đề nghị để giúp ông thoát khỏi Kiev trước khi quân Nga tiến vào. Le Figaro lưu ý, ngược lại Vladimir Putin đã tẩu thoát khỏi Moscow bằng máy bay vào tháng 6/2023 khi lực lượng Wagner của Prigozhin trên đường đến thủ đô.
Phát biểu trong đêm trước cuộc xâm lược, Zelenskyy đã đưa ra lời hứa mà cả ông lẫn người dân Ukraine vẫn giữ vững, là nếu Nga xâm lăng, họ sẽ mặt đối mặt chứ không hề quay lưng chạy trốn. Từ đó đến nay, ông không ngừng bảo vệ chính nghĩa của Ukraine, xông xáo đi khắp các mặt trận và các thủ đô nước ngoài với chiếc áo thun màu nhà binh, cái nhìn trung thực và dáng vẻ kiên quyết. Ông cũng đấu tranh cho tự do dân chủ của đất nước mình. Với sự dũng cảm về mặt thể chất lẫn tinh thần khiến người khác phải tôn trọng, ông đã cố gắng thuyết phục các đồng minh Âu châu của mình rằng người Ukraine cũng đang bảo vệ an ninh cho họ.
« Tôi không thể bán nước ! »
Trong khi Âu châu vẫn đang choáng váng trước sự tấn công thô bạo của tổng thống Mỹ, Volodymyr Zelenskyy vẫn dám đương đầu với một Donald Trump vốn lặp lại gần như từng chữ một luận điệu tuyên truyền của Vladimir Putin, muốn loại bỏ « lãnh tự độc tài không được bầu ». Ông từ chối ký thỏa thuận về khoáng sản vì không đi kèm với bảo đảm an ninh. « Tôi không thể bán nước, thế thôi ».
Còn lại, ông chẳng cần phải thanh minh rằng mình không phải là lãnh đạo độc tài. Chính các lãnh đạo đối lập Ukraine đã nhắc nhở, không thể tổ chức bầu cử trong một đất nước đang bị xâm lăng và đang chịu thiết quân luật, với 20 phần trăm lãnh thổ bị chiếm đóng và không ít dân chúng đã di tản ra nước ngoài. Bộ trưởng phụ trách Âu châu của Pháp, Benjamin Haddad khẳng định « Kẻ độc tài duy nhất là Putin. Zelenskyy là một anh hùng ». Thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ Volodymyr Zelenskyy (57 phần trăm, theo Viện Quốc tế Xã hội học Kyiv) cao hơn hẳn Donald Trump (45 phần trăm, theo Gallup).
Ngay cả trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, Volodymyr Zelenskyy có hình dung ra tình trạng nào thê thảm hơn hiện nay hay không ? Bị Nga tấn công, và giờ đây bị Hoa Kỳ bỏ rơi, Âu châu không có khả năng thay thế Mỹ, ông đơn độc với một dân tộc và quân đội đã kiệt quệ sau ba năm chiến tranh. Bao nhiêu là đêm trắng, những chuyến đi liên tục bằng xe lửa và phi cơ, cuộc chiến ngày càng đè nặng lên đôi vai với định mệnh tàn khốc. Có thể thấy rõ trên khuôn mặt, quầng thâm dưới mắt, không còn sự lạc quan và nét tươi trẻ của người diễn viên hài ngày nào, nụ cười biến mất.
Zelenskyy chừng như đã hết hy vọng được vào NATO, không chắc có thể nhờ cậy Âu châu và chẳng thể tin một nước Mỹ mới chỉ tìm cách làm vui lòng Putin. Rất thực tế, ông nói rằng « Ukraine khó thể sống sót nếu không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ ». Nhưng Zelenskyy, có bốn ông chú đã hy sinh khi chiến đấu với Đức quốc xã, không hề mất đi quyết tâm. Theo với thời gian, tính cách anh hùng theo kiểu Churchill của Volodymyr Zelenskyy làm nổi rõ sự hèn yếu của không ít người Tây Âu nên họ tìm cách chê bai những nhược điểm của Ukraine. Ngược lại ở Đông Âu, một số coi ông là thủ lãnh thực sự của châu lục, với nhiệt huyết và sự sáng tạo đã bảo vệ được màu cờ sắc áo, dù như bao người hùng khác, ông cũng có những điểm yếu.
Doanh nhân Nga tên tuổi thường « yểu mạng »
Về phía người Nga cũng chịu tác động của cuộc chiến. Le Monde thuật lại lời của nhiều chuyên viên tâm lý ngoài mặt phải tỏ ra ủng hộ Kremlin nhưng bên trong phản đối chiến tranh. Libération cho biết từ khi xâm lăng Ukraine năm 2022, tại Nga đã có 60 cái chết đầy nghi vấn của các nhân vật đối lập, chính trị gia và doanh nhân. USA Today thống kê được 38 nhà tài phiệt thân cận với Kremlin « qua đời trong các điều kiện bí ẩn ».
Có thể kể hàng loạt vụ tự sát của các nhà lãnh đạo Gazprom : giám đốc Aleksandr Tiouliakov treo cổ trong ga-ra, hai tháng sau phó giám đốc Vladislav Avaiev cùng với vợ con cũng « noi gương ». Ravil Maganov, chủ tịch Lukoil bị té chết từ cửa sổ bệnh viện, hôm đó Vladimir Putin đi thăm cơ sở này, và « chẳng may » hệ thống camera giám sát bị tắt để bảo trì. Dù ở nước ngoài, vận xui vẫn không buông tha họ : Serguei Protosessia, tài phiệt Nga cư trú ở Bordeaux chết trong tư thế treo cổ ở Tây Ban Nha, vợ con bị đâm tử thương. Tài phiệt địa ốc Dmitry Zelenov bị rơi từ cầu thang ở Antibes…Pavel Antov, doanh nhân ngành thực phẩm sau khi nói rằng việc Nga oanh tạc Ukraine là « khủng bố » đã bị té chết từ sân thượng một khách sạn ở Rayagada (Ấn Độ). Vân vân. Libération kết luận, có thể hiểu được tâm trạng khủng hoảng của giới tài phiệt Nga.
(Theo RFI)