Lãnh đạo bốn nước Bộ Tứ (từ trái qua): Hoa Kỳ Úc, Nhật và Ấn Độ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/05/2023. AP - Jonathan Ernst

 

 

 

Thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden mở ra trong ba ngày kể từ chiều ngày 20/09/2024, tại tư dinh của nguyên thủ Mỹ ở bang Delaware. Tăng cường an ninh hàng hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc là hồ sơ chính trong các cuộc họp giữa các lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

 

Theo hãng tin Anh Reuters, hợp tác hàng hải và tăng cường các phương tiện ngăn chận tàu cá hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, chủ yếu là tàu của Trung Quốc, sẽ chiếm một phần lớn các cuộc họp song phương và đa phương giữa tổng thống Mỹ Joe Biden cùng thủ tướng Úc Anthony Albanese, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Nhật Fumio Kishida.

 

Chuyên gia về Á châu tại trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ - Center for a New American Security, Lisa Curtis, nhận định « một sáng kiến mới của Bộ Tứ về an ninh hàng hải sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ nhắm tới Trung Quốc ». Theo bà Curtis, QUAD trong cuộc họp lần này sẽ đưa ra một thông điệp, đó là khối này sẽ « phối hợp hành động với liên minh của các quốc gia có cùng chí hướng, để đáp trả những hành động hù dọa trên biển » của bất kỳ một quốc gia nào. Chuyên gia này không loại trừ khả năng những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông có thể khiến Ấn Độ « thay đổi quan điểm », mở rộng hợp tác về an ninh trong Bộ Tứ. Đây là điều mà theo Lisa Curtis, đến nay, thủ tướng Narendra Modi vẫn còn do dự.

 

Khác với thông lệ, thượng đỉnh nhóm QUAD lần này không diễn ra tại Nhà Trắng. Tổng thống Biden đã tiếp các lãnh đạo Úc, Nhật và Ấn Độ trong bầu không khí thân mật tại nhà riêng ở Wilmington bang Delaware, nơi ông sinh ra. Đây cũng là dịp để ông Biden từ giã các đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trước khi trao lại chìa khóa của Tòa Bạch Ốc cho tân tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 05/11/2024. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden đã thúc đẩy trở lại cơ chế đối thoại không chính thức về chiến lược và an ninh giữa bốn quốc gia trong khu vực.

 

Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh hai thành viên quan trọng nhất của Bộ Tứ là Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chuẩn bị thay đổi lãnh đạo. Thủ tướng Fumio Kishida sẽ từ chức trong tháng Chín này. Câu hỏi quan trọng nhất, theo Reuters, là liệu Bộ Tứ có thể tồn tại và mạnh mẽ với thay đổi về nhân sự nói trên hay không, vào lúc Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Malaysia  và Việt Nam. Tại eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, Trung Quốc liên tục duy trì áp lực rất lớn, cả về kinh tế lẫn quân sự.  

 

 

Reuters trích lời một quan chức cao cấp tại Washington, nhận định « có nhiều dấu hiệu cho thấy QUAD sẽ tồn tại lâu dài bởi cơ chế này được hai đảng ở Mỹ cùng ủng hộ » Phó tổng thống Kamala Harris không tham dự thượng đỉnh Bộ Tứ. Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa Donald Trump có kế hoạch gặp thủ tướng Ấn Độ vào tuần sau.

 

(Theo RFI Việt ngữ)