Thủ tướng Anthony Albanese đến một quán bán Bia hoi trong chuyến thăm Việt Nam của Ông. (AAP)
VIỆT NAM - Kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese đến Việt Nam hai nước đã ký một loạt thỏa thuận, bao gồm 105 triệu đô-la để giúp Việt Nam khử các-bon cho nền kinh tế, cũng như các hiệp định chia sẻ thông tin tình báo về rửa tiền.
Thủ tướng Anthony Albanese đã được nước chủ nhà Việt Nam tiếp đón nồng hậu.
Thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính, cho biết quốc gia của ông "rất mong muốn bước vào một chương mới của hợp tác chiến lược".
Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành một trong những đối tác "hàng đầu" của Úc.
Mở đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Thủ tướng ông thông báo một khoản tài trợ nhiều triệu Úc kim.
Khi Việt Nam là thị trường tuyển sinh sinh viên quốc tế lớn thứ năm tại Úc và Úc là điểm đến phổ biến thứ hai của sinh viên Việt Nam, khoản tài trợ này nhằm mục đích thúc đẩy sự hiện diện của trường đại học Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) tại quốc gia này.
"Thông báo về khoản đầu tư bổ sung trị giá 250 triệu đô la hôm nay nói lên rất nhiều điều về niềm tin mà RMIT dành cho Việt Nam và trong việc cung cấp các dịch vụ tạo nên sự khác biệt; tạo ra thu nhập cho các trường đại học lớn của Úc, đồng thời cũng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam."
Thủ tướng Albanese đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc. Tuần trước, Việt Nam cáo buộc một tàu khảo sát Trung Quốc và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Biển Đông.
Ông Albanese không đi vào chi tiết các cuộc thảo luận của ông với Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề này, nhưng cho biết hai người "đã thảo luận về tầm nhìn chung của chúng tôi về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, ổn định, an ninh, thịnh vượng và kiên cường, tôn trọng chủ quyền quốc gia".
Nhưng các cuộc hội đàm song phương tập trung chủ yếu cho công nghệ năng lượng sạch, du lịch, giáo dục, chống tội phạm xuyên quốc gia và thương mại.
"Thương mại hai chiều của chúng ta đã tăng khoảng 40% trong năm tài chính vừa qua. Và một trong những điều mà Úc phải làm là chúng ta phải đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại của mình. Mức tăng trưởng đó khá phi thường. Xuất khẩu lúa mạch sang Việt Nam đã tăng khoảng 75% kể từ năm 2020."
Thủ tướng Albanese đã được giới thiệu món bánh mì thịt và bia hơi, là hai sản phẩm sử dụng lúa mạch và lúa mì của Úc.
Hai nước đã ký một loạt thỏa thuận, bao gồm 105 triệu đô la để giúp Việt Nam khử cacbon cho nền kinh tế, cũng như các hiệp định chia sẻ thông tin tình báo về rửa tiền và thiết lập cuộc họp thường kỳ của các bộ trưởng thương mại. Họ cũng chào mừng hai đường bay mới nối Melbourne với Hà Nội và Brisbane với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước chuyến thăm ông Albanese nói với các phóng viên ông sẽ nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả trường hợp của nhà hoạt động Châu Văn Khảm, công dân Úc đang thọ án ở Việt Nam, nhưng không rõ cuộc đối thoại đó đã diễn ra như thế nào, và có kết quả gì hay không.
Thủ tướng Úc đã dùng chuyến công du Đông Nam Á để khéo léo trấn an các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi - và rằng Úc không quên họ.
Ông nói Úc đang làm mọi thứ có thể để ổn định quan hệ với Trung Quốc, với đối thoại và tôn trọng lẫn nhau là chìa khóa.
Nhưng trong bài phát biểu quan trọng trước đó tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Albanese cũng đã nói rõ rằng Úc có những kỳ vọng nhất định.
"Nếu một quốc gia cho rằng mình quá lớn so với các quy tắc hoặc quá mạnh để tuân theo các tiêu chuẩn mà chúng ta tôn trọng, thì sự ổn định chiến lược trong khu vực của chúng ta sẽ bị suy yếu và chủ quyền quốc gia của mỗi nước của chúng ta bị xói mòn."
Thủ tướng Albanese cũng đã tìm cách trấn an các nước trong khu vực về kế hoạch mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc theo hiệp ước AUKUS giữa Úc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ.
Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Úc trước cuối năm nay.