Theo báo The Guardian, Thủ tướng Anh Quốc,  Boris Johnson,  cuối cùng phải nhập viện vào tối 5-4 để kiểm tra theo lời khuyên của bác sĩ sau khi tự cách ly và điều trị tại nhà trong 10 ngày. Số ca bệnh COVID-19 ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha tiếp tục giảm.

 

* Bản tin cập nhật lúc 9h15 ngày 6-4

 

Haiti có ca tử vong đầu tiên, Cuba có thêm ca tử vong

Chính phủ Haiti ngày 5-4 thông báo đã có trường hợp tử vong đầu tiên vì COVID-19 trong tổng số 21 ca nhiễm ở nước này. Bệnh nhân là công dân Haiti 55 tuổi, có tiền sử bệnh cao huyết áp và tiểu đường.

 

Cùng ngày, Bộ Y tế Cuba cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 2 ca tử vong và 32 ca nhiễm mới trên cả nước, trong đó có 1 trường hợp là một cụ bà 101 tuổi, người cao tuổi nhất Cuba được xác định nhiễm bệnh cho đến nay. Cho đến nay, Cuba đã có 320 ca COVID-19 và 8 trường hợp tử vong, theo Reuters.

 

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc ít nhất 3 tuần qua

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ngày 5-4 nước này chỉ ghi nhận thêm 47 ca nhiễm mới - con số thấp nhất sau hơn 3 tuần qua. Trước đó, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc thường dao động quanh mốc 100.

 

Tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc đến nay là 10,284, với 183 ca tử vong. Ngày 5-4, chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội tới hết ngày 19-4.

 

Bờ Biển Ngà: trung tâm xét nghiệm COVID-19 bị đập phá

Cư dân tại quận Yopougon ngày 5-4 đã đập phá một trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đang được xây dựng tại địa phương do lo sợ nơi này sẽ trở thành chỗ điều trị và tập trung đông người mắc COVID-19.

Hãng tin AFP cho biết vụ bạo lực đầu tiên liên quan đến COVID-19 xảy ra ở khu vực tập trung nhiều người thuộc tầng lớp lao động của thành phố Abidjan 5 triệu dân. Người dân biểu tình và đập phá vì nghĩ rằng trung tâm này quá gần nhà họ và ngay giữa khu dân cư. 

 

Tuy nhiên cảnh sát khẳng định với AFP rằng đây chỉ là một trung tâm xét nghiệm và việc xây dựng vẫn sẽ diễn ra.

 

Mỹ thêm 1,200 ca tử vong

Theo dữ liệu cập nhật của trường đại học Johns Hopkins, số ca tử vong vì bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua ở Mỹ là 1.200 trường hợp, đưa tổng số tử vong cả nước lên 9,616 ca (con số tính đến 8h sáng 6-4 giờ Việt Nam).

 

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, ông Joe Biden, cho biết sẽ đeo khẩu trang để phòng bệnh COVID-19. Ông cũng thông báo đại hội toàn quốc đảng Dân chủ bầu ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ có thể sẽ diễn ra trực tuyến để phòng dịch bệnh.

 

Tại Trung Quốc, cơ quan y tế ghi nhận 39 ca nhiễm virus corona mới ở đại lục và 1 ca tử vong (tại tỉnh Hồ Bắc) tính đến hết ngày 5-4. Số ca nhiễm mới có tăng nhưng số ca tử vong lại giảm so với ngày hôm trước. Toàn tỉnh Hồ Bắc không có ca nhiễm mới nào trong ngày qua.

 

Theo Reuters, trong số các ca nhiễm mới, có 38 ca là từ nước ngoài trở về.

 

Đến nay, tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 của Trung Quốc là 3,331. Tổng số ca nhiễm virus của nước này ở đại lục là 81,708.

 

 

Thủ tướng Anh nhập viện để khám bệnh viêm đường hô hấp cấp tính COVID-19

 

Ông Boris Johnson có các triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới kéo dài. 

 

Người phát ngôn của văn phòng Thủ tướng cho biết đây là một một hành động thận trọng và cảm ơn đội ngũ y bác sĩ của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh vì những nỗ lực của họ. Vị này cũng kêu gọi người dân tiếp tục tuân theo các hướng dẫn và yêu cầu của chính phủ, trong đó có việc ở nhà để hỗ trợ đội ngũ y tế cứu những người nhiễm bệnh có nguy cơ cao.

 

Dù nhập viện, ông Johnson vẫn làm việc và liên lạc với các bộ trưởng và quan chức chính phủ.

 

Cũng ở Anh, Nữ hoàng Elizabeth II đã có bài phát biểu thứ 5 trong suốt 68 năm trị vì Vương quốc Anh tới người dân.

 

Nữ hoàng tin tưởng Vương quốc Anh sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh coronavirus COVID-19, cho dù có thể còn nhiều cam go.

 

Bà nói rằng Anh Quốc sẽ vượt qua đại dịch COVID-19 nếu tiếp tục quyết tâm thực hiện phong tỏa và tự cách ly, như tinh thần mà đất nước này đã đi qua cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

 

Pháp giảm hơn 80 số ca tử vong

Theo Bộ trưởng Y tế Pháp, ngày 5-4, số ca tử vong vì COVID-19 của Pháp đã giảm trong vòng 24 giờ.

 

Pháp ghi nhận 357 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại các bệnh viện, thấp hơn con số 441 người của ngày hôm trước. Tổng số người chết vì COVID-19 trong bệnh viện của Pháp là 5,889.

 

Ngoài ra, còn có 2,189 người chết ở các nhà dưỡng lão kể từ ngày 1-3. Tổng số người chết vì dịch bệnh COVID-19 của Pháp là 8,078 người.

 

Trong ngày 5-4, Pháp có thêm 748 ca nhiễm virus corona mới nhập viện. Tổng số ca nhiễm virus của Pháp là 92,839 trường hợp.

 

Tây Ban Nha tiếp tục giảm số ca tử vong

Tây Ban Nha, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch bệnh, có 674 người chết vì COVID-19 trong ngày 5-4, đây là con số giảm so với 3 ngày trước đó.

 

Tổng số ca nhiễm virus ở Tây Ban Nha là 130,759 và tổng số trường hợp tử vong là 12,418 người người.

 

Ý số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần

Ý ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần qua và số người được chăm sóc đặc biệt cũng giảm trong 2 ngày liên tiếp. Hiện số ca bệnh nặng ở các bệnh viện là 525 người.

 

Trong ngày 5-4, Ý có 525 người tử vong vì COVID-19, ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong giảm. Số ca nhiễm virus mới giảm xuống 4,316 trường hợp.

 

Tổng số ca nhiễm virus của Ý là 128,948 trường hợp và tổng số ca tử vong của Ý là 15,887 người.

 

 

Thái Lan 2.220 ca nhiễm; Ấn Độ miễn phí điều trị COVID-19 cho người nghèo

Trung tâm Quản lý Tình huống COVID-19 của Thái Lan ngày 6-4 ghi nhận thêm 51 ca nhiễm và 3 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.220 ca và 26 ca tử vong. 

Trong số các ca nhiễm mới có 13 trường hợp là các nhân viên y tế có tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19, theo Reuters. 

Trang The Hindu của Ấn Độ ngày 5-4 đưa tin nước này đã quyết định miễn phí xét nghiệm và điều trị COVID-19 cho hơn 500 triệu người đang hưởng chương trình y tế dành cho người nghèo Ayushman Bharat, kể cả tại các bệnh viện tư nhân với các điều kiện y tế đạt tiêu chuẩn.

Giá dầu giảm mạnh sau khi hội nghị OPEC bị hoãn

Giá dầu giảm mạnh ngày 6-4 sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh hoãn họp để thảo luận về cắt giảm sản lượng, làm tắt dần hi vọng các bên sẽ sớm có hành động để hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu đang chao đảo vì tác động của đại dịch COVID-19.

Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) lao dốc 8% ngay đầu phiên giao dịch tại thị trường châu Á trước khi hồi phục và giao dịch ở mức 26,72 USD/thùng (thấp hơn 5,7% so với chốt phiên giao dịch trước). Trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng giảm 4,3% xuống mức 32,64 USD/thùng, theo AFP.

Giá dầu giảm xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều năm do tác động của dịch COVID-19 và cuộc chiến giá cả giữa Nga và Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của OPEC. Theo dự kiến, các bên sẽ họp trực tuyến để thảo luận về các mức cắt giảm sản lượng trong ngày 6-4 nhưng cuộc họp này bị hoãn tới ngày 9-4. Khả năng hội nghị có thể dẫn tới một thỏa thuận để duy trì giá dầu thô ở mức trên 30 USD/thùng là rất thấp.