Ảnh do văn phòng báo chí bộ Quốc Phòng Nga phổ biến ngày 21/05/2024 cho thấy một hỏa tiễn Iskander trong cuộc diễn tập sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật tại một địa điểm không công bố ở Nga. AP
QUỐC TẾ - Hồ sơ của L’Express tuần này nói về nạn chạy đua vũ khí nguyên tử của Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, Iran…với ảnh trang bìa là Vladimir Putin trong cặp kính có tròng màu lửa. Về chiến tranh Ukraine, quyết định tấn công vào Kursk - lãnh thổ của kẻ xâm lăng - được coi là một bước ngoặt của cuộc chiến.
Putin dựng dậy bóng ma nguyên tử
Tuần báo tả lại cảnh các xe quân sự tiến vào một khu rừng, dưới sự giám sát của trực thăng, những giàn phóng nâng thẳng hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M rồi bắn vào một khu vực không xác định. Sau đó là những chiếc Mig-31 trang bị hỏa tiễn được làm mờ. Đó là một số cuộc tập trận vũ khí nguyên tử chiến thuật trong video của bộ Quốc Phòng Nga công bố cuối tháng Bảy, để trả đũa tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron về khả năng gởi quân sang Ukraine.
Chiến tranh lạnh kết thúc, Âu châu ngỡ rằng nguy cơ tận thế vì bom nguyên tử đã xa rời, nhưng lời đe dọa của tổng thống Nga làm chuyển sang một kỷ nguyên mới. Trước đây chạy đua nguyên tử chỉ giữa Nga và Mỹ, thì nay Trung Quốc gây lo ngại với số lượng đầu đạn cao chưa từng thấy. Bắc Hàn đã có vũ khí nguyên tử, Iran sẽ có nếu muốn, và mai này là các nước khác nếu thấy rằng đó là cách duy nhất để sống sót.
L’Express nhắc lại « sai lầm lịch sử » của Ukraine. Ngày 01/06/1996, một đoàn xe lửa đưa sang Nga đầu đạn nguyên tử liên lục địa cuối cùng trong số 1.900 đầu đạn chiến lược mà Ukraine sở hữu. Khi Liên Xô sụp đổ, Kiev có kho vũ khí nguyên tử lớn thứ ba thế giới. Việc chuyển giao tất cả cho Nga theo bản ghi nhớ Budapest tháng 12/1994 được Tòa Bạch Ốc hoan nghênh, đổi lại Ukraine được Hoa Kỳ trợ giúp tài chánh trong hai năm. Kiev muốn Washington bảo đảm an ninh, nhưng trong bản ghi nhớ lại không mang tính chất ràng buộc.
Ukraine không nghĩ rằng Nga có thể trở thành kẻ thù
Ngày nay Ukraine vô cùng hối tiếc, sau khi Crimée bị Nga chiếm năm 2014. Tới khi nổ ra cuộc xâm lăng đại quy mô ngày 24/02/2022, ngay cả Bill Clinton cũng choáng váng. Cựu tổng thống Mỹ cảm thấy trực tiếp liên quan vì đã thuyết phục Ukraine từ bỏ vũ khí nguyên tử, nếu Kiev còn giữ các đầu đạn nguyên tử thì chắc chắn Moscow không dám gây chiến.
« Sai lầm lịch sử » này có nhiều nguyên nhân. Giao lại kho vũ khí nguyên tử giúp Ukraine - vốn vừa ra khỏi Liên Xô – có thể hội nhập trên trường quốc tế. Bên cạnh đó đất nước đang bị khủng hoảng kinh tế : lạm phát lên đến 4.700 % năm 1993 nên rất cần viện trợ phương Tây. Về phía Kremlin liên tục gây áp lực, và chính khách ở Kiev hồi đó hầu hết thân Nga. Các nhà lãnh đạo Ukraine chưa bao giờ nghĩ rằng Nga sẽ trở thành kẻ thù. Hồi năm 1993 chỉ có một chuyên gia nghiên cứu, là John Mearsheimer, cảnh báo Moscow thường gây hấn với láng giềng, nên vũ khí nguyên tử là phương tiện duy nhất để răn đe của Ukraine đối với Nga.
Ba thập niên sau, tình hình đã thay đổi hẳn, và sự đảo lộn chỉ mới bắt đầu. Moscow thường xuyên dùng bóng ma nguyên tử để đe dọa, khiến phương Tây không dám mạnh tay hỗ trợ Kiev. Phải mất một năm mới chấp nhận gởi sang xe tăng Đức, và hơn hai năm đối với tiêm kích F-16. Theo New York Times, các chỉ huy quân sự Nga hồi mùa thu 2022 đã bàn đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật khi quân Nga bị đuổi chạy khỏi Kharkiv và Kherson.
Nhân loại đang sống dưới lưỡi gươm Damoclès
Sự bành trướng như vũ bão của Trung Quốc cũng rất đáng lo ngại : Bắc Kinh đã có trên 500 đầu đạn nguyên tử và từ nay đến 2030 sẽ có trên 1.000, tăng gấp ba lần chỉ trong một thập niên, chưa kể 8 tàu ngầm nguyên tử.Nguy hiểm nhất là Trung Quốc hoàn toàn thiếu minh bạch trong lãnh vực này. Washington cho biết sẵn sàng thảo luận mà không có điều kiện tiên quyết nào, nhưng Bắc Kinh từ chối.
Lo lắng trước sự đe dọa của Bắc Hàn, Nam Hàn cũng có ý định sở hữu vũ khí nguyên tử. Thế nên hôm 18/07/2023, Mỹ đã điều USS Kentucky, tàu ngầm nguyên tử đến để trấn an. Cũng như 13 chiếc khác thuộc lớp Ohio, tàu này có 20 hỏa tiễn liên lục địa với nhiều đầu đạn nguyên tử có sức mạnh gấp 20 lần Fat Man, quả bom đã thả xuống Nagasaki.
Trả lời L’Express, đô đốc Pierre Vandier nhận định « Chúng ta đang sống dưới lưỡi gươm Damoclès », với nguy cơ đại chiến thế giới lần thứ ba. Những gì đang diễn ra tại Âu châu có thể tái diễn ở Á châu : Trung Quốc có thể bắt chước Nga, tấn công Đài Loan. Về khả năng hủy diệt khi chiến tranh nguyên tử xảy ra, không phải toàn bộ nhân loại đều biến mất, nhưng 100 % các trung tâm quân sự, kinh tế, chính trị sẽ bị tiêu hủy. Một ví dụ về mãnh lực của đầu đạn nguyên tử : Paris có khả năng biến cả một vùng đất có diện tích lớn bằng nước Pháp tại Nga thành tro bụi.
Trận Donbass có thể giải quyết trên lãnh thổ Nga?
Về chiến tranh ở Ukraine, Le Figaro cuối tuần đặt câu hỏi, phải chăng trận Donbass còn được quyết định ở sâu trong lãnh thổ Nga ? Để xoay chuyển cục diện, Kiev tìm cách đưa chiến tranh sang đất của kẻ xâm lăng với cuộc tiến công vào Kursk, tận dụng các drone đồng thời kêu gọi đồng minh cho phép dùng vũ khí tầm xa trên đất địch.
Lần đầu tiên dự hội nghị của « nhóm Ramstein » gồm 50 đồng minh của Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng mưu toan đặt ra các lằn ranh đỏ của Nga không có tác dụng. Phương Tây đang chăm chú quan sát vụ đột phá ở Kursk mà Moscow vẫn chưa phản ứng mạnh, cứ như là vẫn có thể tiến hành chiến tranh trên đất của một cường quốc nguyên tử. Hiện thời các đồng minh vẫn còn áp đặt những hạn chế. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tiếp tục dọa dẫm khi Reuters đưa tin Hoa Kỳ định cung cấp cho Kiev các hỏa tiễn hành trình JASSM, có tầm hoạt động từ 370 km đến 1.000 km tùy theo phiên bản, có thể thích ứng với các tiêm kích Mig29 của Ukraine.
Các drone vũ trang dù đôi khi có thể hoạt động xa cả ngàn cây số nhưng chậm và mang được ít chất nổ, trong khi Ukraine cần hỏa lực mạnh mẽ và nhanh chóng. Washington nói rằng không cần hỏa tiễn tầm xa vì 90 % phi cơ Nga ở những phi trường cách xa Ukraine đến 300 kilomet. Nhưng các chuyên gia phân tích quân sự phản bác, cho biết 225 mục tiêu quân sự Nga nằm trong tầm bắn của ATACMS.
Kursk : Chiến dịch quan trọng nhất kể từ chiến thắng Kharkiv và Kherson
Về phía Kiev, Le Monde cuối tuần cho biết các chiến binh Ukraine coi chiến dịch Kursk là bước ngoặt của cuộc chiến. Trước kẻ thù, Ukraine không có chọn lựa nào khác là dùng loại vũ khí tốt nhất có sẵn, đó là tính chất bất ngờ. Các quân nhân mà đặc phái viên tờ báo tiếp xúc đều tỏ ra rất phẩn khởi. Không chỉ về việc chiếm được một phần đất của Nga, mà việc chiến đấu tại đây dễ dàng hơn hẳn so với Donbass.
Quân Nga chỉ tích cực trong ngày đầu, những ngày sau họ buông súng đầu hàng : Kiev bắt sống 594 lính Nga. Các đơn vị drone tác chiến lần đầu tiên có dịp thử sức, phối hợp hoàn hảo với các toán xung kích, phá hủy được nhiều thiết giáp và xe quân sự của địch. Dân biểu Roman Kostenko, vốn là đại tá biệt kích đi thị sát mặt trận Kursk trở về cho rằng đây là một giai đoạn lịch sử, là chiến dịch quân sự quan trọng nhất kể từ sau chiến thắng ở Kharkiv và Kherson.
Nhiều người Nga không sơ tán vì sợ…lính Nga cướp tài sản
Courrier International thuật lại một tình trạng tréo ngoe : dân Nga ở Kursk không muốn di tản vì sợ…quân Nga cướp bóc, chứ không phải sợ lính Ukraine. Đã có nhiều vụ xảy ra, nhưng những người đăng lên mạng xã hội có thái độ dè dặt vì sợ bị quy tội « bôi xấu quân đội Nga ». Được nhật báo kinh tế RBC trích dẫn, thống đốc Alexeï Smirnov ước tính còn 20.000 người sống gần vùng chiến sự, thậm chí ở khu vực chiếm đóng nhưng không muốn ra đi, chủ yếu lo ngại nhà cửa, vườn tược, trang trại bị trộm cắp.
Andrei (tên đã được đổi) từ Moscow đến để đưa người thân ra khỏi Glushkovo đang bị cắt đứt hoàn toàn với phần còn lại của nước Nga, phát hiện có những ngôi làng mà toàn bộ dân cư từ chối ra đi vì sợ mất tài sản. Chính mắt anh trông thấy những tiệm tạp hóa bị lính Nga cướp hết hàng. Những người khác nói rằng có những căn nhà bị kẻ gian đem xe tải đến chở hết đồ đạc. Có ít nhất hai video trên kênh Telegram Pepel Koursk do các nhà báo chuyên nghiệp phụ trách, cáo giác lính Nga. Trong một video, những người mặc quân phục Nga lấy cắp hàng hóa từ một kho hàng, video kia thì lính Chechnya đang cướp những món hàng giá trị của một cửa tiệm bán điện thoại di động.
Oanh kích vào thường dân là khủng bố chứ không phải chiến tranh
Trên Le Point, đạo diễn kiêm triết gia Bernard-Henri Lévy giải thích vì sao ông tin rằng Nga không thể thắng. Theo dõi cuộc chiến từ hai năm rưỡi qua, đã thực hiện những bộ phim tài liệu trên thực địa, ông không quá ngạc nhiên khi nghe về chiến dịch táo bạo ở Kursk.
Bởi vì bất chấp những kẻ chủ bại phương Tây nói gì, quân đội Ukraine dũng cảm và biết vì sao họ phải chiến đấu, được chỉ huy bởi các vị tướng mà những chiêu thức bậc thầy sẽ được giảng dạy trong những trường quân sự trong tương lai. Và vì quân Nga là một quân đội rệu rã, trang bị kém, những người lính khi có thể thì thà đầu hàng Ukraine thay vì nghe lệnh của những đao phủ đeo lon sĩ quan dùng họ như bia thịt.
Nga có thể gặm nhấm thêm vài trăm mét đất ở Pokrovsk, và cũng như trước đây ở Bakhmut hay hiện nay ở Chasiv Yar, Putin sau một năm chiến đấu và nhiều tháng oanh tạc vẫn chưa giành được thắng lợi nhỏ nhoi. Ông ta có thể phóng hú họa những quả bom lượn tàn sát người dân Kharkiv, Kiev, đánh vào trường mẫu giáo. Đó là khủng bố chứ không phải chiến tranh. Đó là vũ khí của kẻ hèn nhát, không phải của những người lính chiến đúng nghĩa. Và không phải nhờ đó mà thắng được một cuộc chiến.
Nga mạnh nhờ phương Tây yếu bóng vía
Tác giả Bernard-Henri Lévy kết luận : Nga không thể thắng, và ngược lại Ukraine không thể thua. Cuộc chiến tàn bạo này chỉ có thể kết thúc, như mọi cuộc chiến từ thời cổ đại đến nay, bằng thất bại của kẻ đã gây ra là Kremlin. Nhưng khi nào, và còn bao nhiêu người phải chết, bao nhiêu sự tàn phá nữa ?
Đó mới là câu hỏi thực sự, và câu trả lời trong tay phương Tây. Hoặc là tiếp tục trò chơi tai ác, hạn chế việc chuyển giao vũ khí, qua đó người Ukraine kháng cự được nhưng không thể thắng ; giới hạn tầm bắn không cho Ukraine vô hiệu hóa những giàn phóng chuyên gieo rắc cái chết cho Kiev và Kharkiv. Hậu quả không thể tránh khỏi là khuyến khích tàu Trung Quốc đe dọa Philippines và Đài Loan, cho phép Kremlin tiếp tục giết người.
Cách đây một năm, khi quân Wagner của Yevgeny Prigozhin tiến về Moscow, dường như không ai ngăn lại được. Phải chăng bộ máy cầm quyền đều đoàn kết phía sau kẻ độc tài ? Tất cả sẵn sàng chết cho một người mà họ phát hiện rằng chỉ là một kỳ thủ tệ hại, một người hoạch định chiến lược dính chặt với quá khứ, và không ai chống lại khi ông ta trở nên điên cuồng trước nút bấm nguyên tử ? Hoàng đế đang trần truồng, không thể bảo vệ được Kursk. Nga chỉ mạnh nhờ phương Tây yếu đuối. Cần chuẩn bị cho một nền hòa bình công chính và muốn vậy, nên cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí họ cần đến theo nguyên tắc tự vệ chính đáng.
Bắc Kinh che giấu tình hình u ám, đầu tư càng chạy khỏi Trung Quốc
Bên cạnh chiến tranh Ukraine, những rối ren trên chính trường Pháp, bầu cử tổng thống Mỹ, rượu vang… là những đề tài đa dạng trên các tuần báo kỳ này. Courrier International dành hồ sơ cho « Mặt tối của Telegram », mạng xã hội đã trở thành nơi hoạt động của những người cực đoan, theo thuyết âm mưu và đủ loại nhân tố gây bất ổn.
Trong khi đó The Economist quan tâm đến kinh tế Trung Quốc đang sa sút, có thể sa vào sai lầm của Liên Xô trước đây, vì sự lãnh đạo độc đoán của Tập Cận Bình. Các tập đoàn đa quốc gia rút vốn ra khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục, và các nhân vật quan sát giảm dự báo tăng trưởng. Thông tin ngày càng mù mờ, người ta nghi ngờ chính quyền xóa đi những dữ liệu bất lợi. Kiểm duyệt thắt chặt, tự do cá nhân bị thu hẹp. Các quan chức tránh những cuộc tranh luận thẳng thắn, giảng viên đại học lo bị theo dõi, doanh nhân lặp lại những câu khẩu hiệu của đảng cộng sản.
Những người có cảm tình với Bắc Kinh biện minh rằng những người có thể ra những quyết định quan trọng vẫn có thông tin tốt để điều hành nền kinh tế. Nhưng không ai thực sự biết Tập Cận Bình được trình lên những dữ liệu nào. Không ai muốn ký vào bản báo cáo nói rằng một trong những chính sách chủ chốt của ông Tập đang thất bại.
(Theo RFI Việt ngữ)