Một chiếc máy xúc lật trên con đường gần một 'hồ độc' được bao quanh bởi các nhà máy tinh chế đất hiếm gần Bao Đầu của Nội Mông, Trung Quốc, vào ngày 19/8/2012. (Ảnh: Ed Jones/AFP qua Getty Images)

 

 

QUỐC TẾ - Trung Quốc nên nới lỏng trò chơi cấm xuất khẩu trong lĩnh vực đất hiếm. Vì nếu bị dồn ép, phương Tây và Nhật Bản sẽ tìm được nguồn thay thế, và làm xói mòn vị thế thống trị của Trung Quốc trong ngành này.

 

Bài bình luận

 

Trung Quốc hiện thống trị nguồn cung cấp nguyên tố đất hiếm (REE) toàn cầu. Đây vốn là một đầu vào quan trọng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh đến xe điện (EV), tua-bin gió, tên lửa liên lục địa, v.v. Do đó, Bắc Kinh vẫn đe dọa chặn nguồn cung mặt hàng này như một cách để hăm dọa các quốc gia khác.

 

Gần đây nhất, họ đã hạn chế việc bán các kim loại đặc biệt này sang Mỹ để trả đũa lệnh cấm bán chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc của Washington. Hành động chống lại Mỹ này không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng chiến thuật này. Bắc Kinh đã làm điều đó với các quốc gia khác vào những thời điểm khác. Chiến thuật này có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng nếu xét về lâu dài, nó sẽ thất bại.

 

Khoảng 17 kim loại có trong giỏ đất hiếm. Mỗi loại đều đóng một vai trò quan trọng trong công nghệ hiện đại phục vụ quốc phòng và cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, Lanthanum giúp tạo ra màu sắc trên màn hình điện thoại thông minh và máy tính, cũng như gadolinium. Hai trong số những kim loại đất hiếm, neodymium và praseodymium, giúp loa tạo ra âm thanh. Terbium và dysprosium cho phép điện thoại rung trong cuộc họp khi việc đổ chuông là bất lịch sự. Đây là một danh sách rút gọn nhưng nó cho thấy một cái nhìn về việc sử dụng rộng rãi các nguyên tố đất hiếm.

 

Theo một nghiên cứu của Viện Brookings danh tiếng, Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 60% nguyên tố đất hiếm trên thế giới và xử lý 85% trong số đó. Tuy nhiên, sự thống trị này không phải do một sự kiện địa chất khiến phần lớn trữ lượng đất hiếm nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Ngược lại, mặc dù có từ “hiếm” trong tên nhưng các nguyên tố đất hiếm không hề hiếm. Chúng nhiều hơn cả bạc và vàng. Họ cũng không đặc biệt tập trung tại nơi nào đó. Hiện tại, chúng nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc vì việc khai thác và tinh chế những kim loại này gây ra vấn đề về môi trường, điều mà Trung Quốc ít quan tâm hơn các quốc gia phát triển ở phương Tây. Nói cách khác, người Mỹ háo hức vận chuyển vấn đề môi trường qua Thái Bình Dương đến Trung Quốc.

 

 

Một người đi xe đạp đeo khẩu trang khi đi dọc con đường bụi bặm, nơi có hàng chục nhà máy xử lý đất hiếm, sắt và than ở gần thành phố Bao Đầu ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)

 

 

Mỹ, từng tự cung tự cấp trong lĩnh vực REE, hiện chỉ có một mỏ đang hoạt động - Mỏ Mountain Pass do MP Materials vận hành ở sa mạc Mojave, California. Thỉnh thoảng, việc khai thác đã phải dừng lại vì các vấn đề pháp lý. Ngay cả đối với những gì Mountain Pass lấy ra từ mặt đất, chúng cũng được vận chuyển đến Trung Quốc để trải qua giai đoạn phân tách và tinh chế vốn gây tổn hại đến môi trường.

 

Có những vấn đề liên quan tới sự thống trị hiện nay của Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc còn không cản trở việc cung ứng, thế giới sẽ vẫn sẵn sàng để mọi việc diễn ra như hiện tại. Nhưng nếu Bắc Kinh quá thường xuyên, tích cực và gay gắt từ chối cung cấp cho các đối tượng sử dụng những nguyên liệu quan trọng này, Trung Quốc sẽ mất vị thế thống trị đó, vì chắc chắn rằng các nước phương Tây và Nhật Bản vốn phát triển, trong những trường hợp như vậy, sẽ khai thác các nguồn khác và phát triển các kỹ thuật tinh chế có thể chấp nhận được đối với quan điểm nhạy cảm hơn về môi trường của họ.

 

 

Toàn cảnh mỏ đất hiếm Steenkampskraal (SKK) ngày 29/07/2019, cách thị trấn Vanrhynsdorp của Western Cape, Nam Phi, khoảng 80 km. (Ảnh: RODGER BOSCH/AFP qua Getty Images)

 

 

Nhật Bản đã đề xuất với nhóm G7 gồm các quốc gia phát triển - Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ cũng như chính họ - rằng họ có thể cùng nhau tìm kiếm và tài trợ cho các hoạt động khai thác và tinh chế ở châu Phi và Mỹ La-tinh. Có thể hiểu được, Nhật Bản hẳn phải đi đầu trong nỗ lực như vậy. Nó đã phải chịu đựng hai lệnh cấm REE của Trung Quốc. Một trường hợp xảy ra cách đây vài năm khi Bắc Kinh phản ứng trước những căng thẳng liên quan đến các đảo không có người ở nhưng đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Gần đây hơn, Bắc Kinh lại cấm các chuyến hàng của REE sang Nhật Bản vì Tokyo hưởng ứng lệnh cấm của Mỹ trong việc bán chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc.

 

Cho đến nay, người châu Âu và người Mỹ dù không bác bỏ đề xuất của Nhật Bản nhưng chỉ thể hiện sự nhiệt tình hạn chế. Nhưng nếu Bắc Kinh vượt ra ngoài khuôn khổ và bắt đầu gây ra tác động kinh tế đáng kể, các thành viên G7 khác gần như chắc chắn sẽ quay sang đồng tình với cách suy nghĩ của Tokyo.

 

Trong hoàn cảnh đó, Bắc Kinh nên nới lỏng trò chơi cấm xuất khẩu. Rốt cuộc, Trung Quốc không thể chấp nhận được việc mất bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Xuất khẩu nói chung của nước này đã suy giảm và nền kinh tế đang chậm lại một cách khó chịu. Hơn nữa, một lệnh cấm nghiêm túc sẽ khiến phương Tây tập trung vào kế hoạch của Tokyo hoặc một kế hoạch tương tự và bắt đầu làm xói mòn vị thế thống trị của Trung Quốc.

 

Đối với Washington, các thủ đô châu Âu và Tokyo, nếu khôn ngoan, họ nên thực hiện các bước nhằm phá bỏ sự thống trị của Bắc Kinh bằng cách thực hiện các bước đi ngay lập tức để phát triển các hoạt động khai thác và tinh chế bên ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngay cả khi Bắc Kinh tiếp tục bán REE một cách thường xuyên, các nguồn thay thế sẽ loại bỏ sự cám dỗ đối với Bắc Kinh trong việc áp dụng các chính sách nặng tay mà không đếm xỉa gì đến các bên khác.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Bảo Nguyên biên dịch)

 

 

Milton Ezrati

 Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).