Những người biểu tình ở thành phố Stockholm, Thụy Điển, phản đối Nga xâm lăng đất nước. Hình chụp vào ngày 2 tháng Hai, 2022. Nguồn:  TT NEWS AGENCY

 

 

ÂU CHÂU - Việc chính phủ Nga xâm lược Ukraine khiến Thụy Điển và Phần Lan - vốn có truyền thống trung lập - thì nay dân chúng ủng hộ mạnh mẽ tham gia liên minh quốc phòng NATO. Và Điện Kremlin không hài lòng với viễn cảnh này.

 

Việc Tổng thống Vladimir Putin đưa ra đe dọa hạt nhân trong cuộc khẩu chiến với phương Tây về Ukraine đã làm tăng thêm sự lo lắng của các nước trong khu vực kể từ khi chính phủ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga cách đây 8 năm.

 

Thụy Điển và Phần Lan là mục tiêu của các mối đe dọa từ Nga nếu họ gia nhập NATO, Jan Axellson, 54 tuổi cư dân Thụy Điển mô tả nó giống như bị quay ngược lại thời gian.

 

Những việc đang xảy ra khiến ông nhớ lại những ngày bị đe dọa hạt nhân từ thời Liên Xô cũ.

"Chúng tôi sống với từng ngày một. Tôi nghĩ đó là điều duy nhất bạn có thể làm. Nói đến Nga là một cuộc vấn nạn lớn, chúng tôi không biết họ sẽ làm gì. Nhưng họ không thể lấy đi được ý chí của chúng tôi và tự do mà chúng tôi đã chọn. Tôi nghĩ mọi người sẵn sàng chiến đấu cho điều đó và đó có thể là lần đầu tiên trong thế hệ chúng tôi cần phải bảo vệ điều đó và những giá trị này. Còn điều sẽ gì xảy ra thì  chúng ta sẽ thấy. Tôi không biết. Không ai biết cả."

 

Mặc dù Thụy Điển và Phần Lan đã loại trừ việc xin gia nhập liên minh quân sự NATO, nhưng sự ủng hộ dành cho NATO ở các nước này chưa bao giờ cao hơn như hiện nay căn cứ theo lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

"Tất cả các quốc gia tham gia Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu với tư cách quốc gia của họ, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển, đã tái khẳng định nguyên tắc rằng an ninh của một số quốc gia không nên được xây dựng với phí tổn an ninh của các quốc gia khác. Rõ ràng là việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, vốn chủ yếu là một tổ chức quân sự, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị, đòi hỏi đất nước chúng tôi phải có những bước đi tương hỗ."

 

 

Thụy Điển đưa ra cho Ukraine những ủng hộ chưa từng có qua việc họ bỏ phiếu ủng hộ viện trợ vũ khí phòng thủ cho các lực lượng vũ trang Ukraine.

 

Trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tuần này, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết đây là lần đầu tiên đất nước của bà làm được điều như vậy kể từ khi Liên Xô tấn công Phần Lan vào năm 1939.

"Nhiều người Thụy Điển coi điều này chỉ đơn giản là giúp đỡ những kẻ đang bị tấn công. Nhưng tôi biết có một số người hỏi liệu điều này có thể gây ra hậu quả gì cho Thụy Điển hay không. Liệu chúng tôi có trở thành mục tiêu cho sự trừng phạt của Nga không? Kết luận của tôi là rằng an ninh của Thụy Điển được bảo vệ tốt nhất bằng cách giúp Ukraine tự vệ. Việc bảo vệ biên giới của họ đồng nghĩa với việc bảo vệ biên giới của mọi quốc gia, và luật pháp quốc tế, mang lại sự bảo vệ cho mọi quốc gia trên thế giới."

 

Bà Andersson cũng cảnh báo người Thụy Điển phải cảnh giác.

"Chúng ta không phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp về một cuộc tấn công vũ trang ở Thụy Điển. Nhưng hiện nay mối đe dọa đã trở nên tồi tệ hơn. Người dân Thụy Điển là mục tiêu của các chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch của Nga. Mục đích là làm chúng ta sợ hãi, im lặng và gieo rắc chia rẽ - ở trong EU, ở bên trong Thụy Điển và ở giữa các cá nhân với nhau. Các lợi ích của Thụy Điển cũng bị nhắm mục tiêu bởi gián điệp mạng và các cuộc tấn công mạng."

 

 

Trên thực tế, 4,8 triệu hộ gia đình của Thụy Điển đang được hướng dẫn về những việc cần làm trong trường hợp xảy ra xung đột.

 

Kể từ năm 2018, họ đã được phát hành một tập sách mỏng 20 trang có tiêu đề “Nếu Khủng hoảng hoặc Chiến tranh xảy ra”, đưa ra lời khuyên về cách lấy nước sạch, phát hiện tuyên truyền và tìm nơi trú bom.

 

Đây là chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng đầu tiên về loại hình này kể từ những ngày Chiến tranh Lạnh và diễn ra trong bối cảnh nguồn cung cấp kali iốt ở đất nước đang cạn kiệt - một loại thuốc được sử dụng để bảo vệ chống nhiễm độc phóng xạ.

 

Jan Axellson nói rằng đó là một cảm giác siêu thực đối với một đất nước đã không trải qua chiến tranh trong 200 năm và chính thức trung lập trong Thế chiến thứ hai.

"Nó quá đỗi lạ lùng, không hiểu nỗi, nhưng rõ ràng là chúng tôi đang cố gằng hiểu những ảnh hưởng mà nó sẽ có lên chúng tôi. Chúng tôi không biết thế nào nhưng chúng tôi biết là mình phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra."

 

Stockholm đã nhiều lần viện dẫn sự hung hăng của Nga là lý do cho một loạt các biện pháp an ninh, bao gồm việc tái áp dụng lệnh nhập ngũ trong năm nay và đóng quân trên đảo Gotland của Baltic.

 

Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã cam đoan với các quốc gia trong khu vực rằng cơ quan quốc tế đang theo dõi chặt chẽ Nga.

"Tổng thống Putin tiếp tục leo thang, đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao, có nguy cơ xâm lược Phần Lan và Thụy Điển. Ở mỗi bước của cuộc chiến, Nga đều phản bội Liên hợp quốc. Hành động của Nga đi ngược lại tất cả những gì mà Tổ chức này đại diện cho."

 

Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định họ không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và cáo buộc các cường quốc phương Tây đang kích động “hội chứng sợ Nga”.