Cờ Việt Nam và Nga trên đường phố Hà Nội trước giờ đón tổng thống Putin. Ảnh ngày 19/06/2024. REUTERS - Athit Perawongmetha
VIỆT NAM - Trong hai ngày, ngày 19/06/2024 và ngày 20/06/2024, tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin, công du Việt Nam cấp Nhà nước theo lời mời của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng.
Tháp tùng tổng thống Nga, có nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Nga, như ngoại trưởng Sergei Lavrov, phó thủ tướng, chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật Dmitri Chernyshenko; bộ trưởng Tư Pháp Konstantin Chuichenko, bộ trưởng Công Thương Anton Alikhanov, bộ trưởng Giao Thông Roman Starovoit, bộ trưởng Năng Lượng Sergei Tsivilev.
Trong phái đoàn Nga còn có đại diện nhiều công ty, ngân hàng, như tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom, công ty cổ phần Xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport, tập đoàn Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga,…
Đây là lần thứ năm ông Putin công du Việt Nam với tư cách tổng thống Liên bang Nga và là lần thứ hai công du Việt Nam cấp Nhà nước.
Đây là dịp để lãnh đạo hai nước ‘‘gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân’’.
Theo giới quan sát, nhân dịp này Nga và Việt Nam muốn thúc đẩy trao đổi kinh tế-thương mại song phương.
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và Nga bị phương Tây cô lập và trừng phạt, Câu hỏi đặt ra đối với giới quan sát là chính quyền Việt Nam tính toán gì khi đón tiếp tổng thống Putin ?
Từ Singapore, thông tín viên Nguyễn Giang, cho biết:
Nhìn từ phía Việt Nam thì đây là chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới”, theo lời Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Đặng Minh Khôi nói với báo chí hôm nay 19/06.
Đây cũng là quan hệ được cho là “tin cậy lẫn nhau”, có truyền thống từ thời chiến tranh. Và chuyến thăm của ông Putin, người bị Tòa án Hình sự Quốc tế ICC truy nã từ tháng 3/2023 nhưng Việt Nam không ký công ước làm thành viên của tòa án này nên ông Putin an toàn khi tới Việt Nam.
Theo giới quan sát thì các tính toán địa chính trị gần đây được lãnh đạo Việt Nam đặt vào đường lối gọi là “tự chủ chiến lược”, hàm ý Hà Nội có thể phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn, theo thể chế khác nhau, thậm chí đối chọi nhau.
Không e ngại chỉ trích đó, giới chức Nga và Việt Nam hai bên cho hay chuyến thăm có mục tiêu làm “giữ lửa” cho quan hệ song phương, từ thương mại, năng lượng, dầu khí tới mua bán vũ khí. Phía Nga hẳn đánh giá cao tình hữu nghị và hành động trải thảm đỏ đón ông Putin của Việt Nam khi mà ông bị nhiều nước khác tẩy chay, thậm chí lên án.
Điều đáng nói là chuyến thăm xảy ra khi hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị” năm 1994. Tuy ít người để ý đến văn bản này nhưng nó lại khá quan trọng, giúp Nga đảm bảo có một vị trí vững chắc sau Chiến tranh Lạnh ở Đông Nam Á, thông qua quan hệ với cựu đồng minh là Việt Nam.
Đài báo Nga vẫn dùng di sản chủ nghĩa cộng sản, các tài liệu về Lenin, thậm chí cả Stalin để tạo mối ràng buộc về chiều sâu với các cơ quan Đảng, công an, quân đội và truyền thông Việt Nam.
Cũng hiệp ước đó tạo nền móng cho hợp tác quân sự và năng lượng, gồm cả năng lượng nguyên tử hai bên dù trước mắt, mảng khai thác dầu khí là quan trọng nhất.
Hai bên Nga-Việt cũng muốn đẩy thêm trao đổi kinh tế-thương mại vì đây là lĩnh vực phản ánh quan hệ song phương của Việt Nam với Nga còn quá thấp, chỉ đạt có 3,6 tỷ USD năm 2023, so với con số khổng lồ 171 tỷ đô la với Trung Quốc, 111 tỷ với Hoa Kỳ và 72 tỷ với Liên Hiệp Âu châu.
Thế nhưng phía Việt Nam ý thức được rằng Nga bị Hoa Kỳ cấm vận tài chính, các trao đổi với Nga sẽ khiến Việt Nam phải cân nhắc để không bị trừng phạt như một số ngân hàng Trung Quốc gần đây. Báo chí Việt Nam nói tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nga còn cao, vì tính đến hết tháng 5 năm nay Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đô-la, tức là cao hơn nhiều so với tổng vốn đầu tư xấp xỉ một tỷ đô-la của Nga vào Việt Nam tính tới cùng thời điểm nói trên.
Tóm lại, trong các tính toán của Việt Nam thì tự chủ chiến lược đang là nét nổi bật trong việc đón ông Putin sang thăm, nhưng kết quả tốt đẹp, những lợi ích mà Nga đem lại cho Hà Nội, cũng như hệ quả của việc này ra sao trong quan hệ với các nước Phương Tây thì còn cần thời gian chúng ta mới có thể biết được.
(Theo RFI Việt ngữ)