Fauziya (Ảnh: ActionAid).jpg

 

THẾ GIỚI - Nạn tảo hôn đang gia tăng tại những cộng đồng bị thiệt thòi nhất trên thế giới. Những người ủng hộ kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết xu hướng này, vì một báo cáo mới của ActionAid cho thấy chi phí sinh hoạt gia tăng đồng nghĩa với việc nhiều bé gái và phụ nữ trẻ buộc phải nghỉ học và ra ngoài làm việc sớm.

 

Hầu hết mọi người đều biết cuộc chiến ở Ukraine, biến đổi khí hậu leo thang và áp lực kinh tế sau đại dịch đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên phạm vi rộng.

 

Một báo cáo mới từ tổ chức về quyền phụ nữ ActionAid đã phát hiện chi phí sinh hoạt tăng nhanh đang buộc nhiều phụ nữ ở các cộng đồng bị thiệt thòi nhất trên thế giới phải nghỉ học và kết hôn sớm, hoặc đi làm sớm.

 

Hơn 1.000 thành viên cộng đồng và các nhà lãnh đạo đã được khảo sát trên 14 quốc gia - bao gồm Phi Châu, Á Châu và Caribe - với các quốc gia như Zimbabwe, Bangladesh và Myanmar nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Meem là một sinh viên ở Bangladesh.

 

Gần đây, cô không thể mua nổi những sản phẩm vệ sinh phụ nữ do giá của chúng ngày càng tăng.

 

Vì vậy, Meem - giống như nhiều người khác - đã buộc phải chuyển sang những sự lựa chọn thay thế kém vệ sinh hơn.
 

Meem nói với ActionAid rằng cô phải sử dụng một mảnh vải thay vì băng vệ sinh.
 

"Phương pháp này không sạch sẽ chút nào. Chúng tôi phải giặt và làm sạch những miếng vải này bằng nước muối. Nó rất có hại cho cơ thể. Người giàu có thể thoát khỏi việc tăng giá, nhưng người nghèo sẽ phải vật lộn rất lâu. Cần phải làm một điều gì đó nếu không xã hội sẽ phải chịu đựng rất nhiều."

 

 

Nghiên cứu của ActionAid cho thấy giá băng vệ sinh đã tăng gần gấp đôi.

 

Và không chỉ có sản phẩm vệ sinh phụ nữ.

 

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tiếp tục đẩy giá lương thực, nhiên liệu và giá phân bón lên mức khủng hoảng ở các nước như Zimbabwe, Bangladesh và Myanmar.

 

Giá sợi mì ống và phân bón tăng hơn 115%, trong khi đó chi phí xăng dầu tăng trung bình từ 80% trở lên.

 

Nghiên cứu cho thấy điều này, cùng với khủng hoảng khí hậu và đại dịch COVID-19, đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và nghèo đói.

 

Phát ngôn nhân của ActionAid Katherine Tu cho biết phụ nữ trên khắp Nam bán cầu đang phải gánh chịu gánh nặng của các tác động này, một số người phải chi trả số tiền gấp 10 lần so với số tiền họ trả 16 tháng trước với cùng một món.
 

"Phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nhiều hơn trong những tình huống này do bất bình đẳng giới hiện có. Vì vậy, với cấu trúc gia trưởng hiện tại, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người cuối cùng được ăn, và nếu các gia đình đang phải đối mặt với áp lực kinh tế, các em gái sẽ bị nghỉ học trước. Trong một số trường hợp, giống như dữ liệu cho thấy, họ phải kết hôn sớm vì chỉ như vậy, họ mới có thể giảm bớt gánh nặng cho gia đình."

 

 

Các lãnh đạo cộng đồng ở 10 trong số 11 quốc gia được khảo sát nói tỷ lệ tảo hôn đang gia tăng ở địa phương của họ.

 

Và các nhà lãnh đạo cộng đồng ở 10 trong số 14 quốc gia được khảo sát cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao đã dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao hơn, do cha mẹ phải vật lộn để trang trải học phí hoặc buộc phải dựa vào nguồn lao động trẻ em.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy các cộng đồng địa phương trên khắp thế giới hiện nay đang trải qua tình trạng tăng giá đối với các nhu yếu phẩm lên tới 900%.

 

Fauziya sống ở Nigeria và không đủ tiền mua đồ dùng học tập.
 

"Thật không dễ dàng đối với tôi, ở trường của tôi, vì tất cả những bản sao tài liệu phát tay này hiện nay rất đắt. Trước đây, nó là 5 naira cho hai trang nhưng bây giờ để sao chụp một tờ tài liệu phát tay là từ 30 naira đến 50 naira. Bút của chúng tôi từng là 10 naira. Nhưng bây giờ là 50 naira, tới 100 naira. Bút chì từng là 2 tới 5 naira. Bây giờ bút chì là 20 naira. Vì vậy, thật khó để tôi vượt qua khó khăn.”

 

 

Cô bé nói rằng đó là một câu chuyện tương tự với băng vệ sinh, có chất lượng thấp hơn.
 

"Khi đó, nó là 150 (naira), nhưng bây giờ tôi có thể bảo đảm với bạn rằng nó lên tới gần 500 naira. Và bên trong thì không nhiều lắm. Chất lượng và số lượng không còn như trước nữa."

 

 

62% phụ nữ được khảo sát ở Nigeria cho biết họ hiện lâm vào cảnh mắc nợ vì giá cả tăng cao.

 

ActionAid đã và đang giúp đỡ một số gia đình có nguy cơ cao nhất bằng việc chuyển đến họ tiền mặt, cách làm nông sinh thái và thực hành kỹ năng nông nghiệp bền vững.

 

Nhưng Katherine Tu của tổ chức này nói nếu các quốc gia và tổ chức quốc tế không can thiệp, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
 

"ActionAid kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ các quốc gia như Úc hãy khẩn trương áp dụng một cách tiếp cận toàn diện và có đủ kinh phí để giải quyết các cuộc khủng hoảng này. Vì vậy, điều này bao gồm các hành động như xóa nợ cho Nam bán cầu. Tất cả 14 quốc gia mà chúng tôi khảo sát đều đang lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần, điều đó có nghĩa là họ đang tiêu tiền để trả nợ hơn là hỗ trợ người dân của họ. Và chúng tôi đang kêu gọi tài trợ đầy đủ để giải quyết những cuộc khủng hoảng này. Vì vậy, ví dụ, ActionAid là một phần của Liên minh Trợ giúp Chống Nạn đói, một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ ở Úc, và một trong những yêu cầu của chúng tôi là kêu gọi Chính phủ Úc tăng gấp đôi quỹ khẩn cấp nhân đạo hàng năm lên 300 tỷ đô la, để chúng tôi có thể ứng phó với tình trạng khủng hoảng ngày càng gia tăng này.”