(nghiencuuquocte.org - Nguồn: Treffen mit Olaf Scholz: Indien, der unsichere Partner, WELT, 03/05/2022.)

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

 

Lập trường trung lập của Ấn Độ đối với cuộc chiến ở Ukraine không chỉ khiến nước Đức lo lắng. Phương Tây lo ngại về một trục mới giữa Ấn Độ với Nga và Trung Quốc. Nhưng trò chơi này cũng không phải là không có rủi ro cho chính Ấn Độ.

 

Hôm thứ Hai, khi tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói Ấn Độ là “đối tác trọng yếu của Đức về kinh tế, an ninh và chính sách khí hậu ở châu Á”. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thăm Ấn Độ vào đầu tháng 4, không khí có vẻ hào hứng hơn nhiều.

 

“Chúng ta là bạn”, ông Lavrov nói với Thủ tướng Ấn Độ vào thời điểm Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra sôi sục, và trong lúc châu Âu và Mỹ đang tung hết gói trừng phạt này đến gói trừng phạt khác nhắm vào Moscow.

 

Các cuộc gặp của các chính trị gia hàng đầu trong những tuần gần đây là ví dụ nổi bật về mối quan hệ khó khăn của Ấn Độ với phương Tây. Một mặt, mối quan hệ thương mại tốt đẹp với châu Âu và đặc biệt là các kết nối ổn định với Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với New Delhi. Mặt khác, Ấn Độ không muốn rắc rối trong quan hệ đối tác lâu dài với Nga. Để giữ được thế cân bằng thật không hề dễ.

 

Thái độ trung lập của Ấn Độ đối với cuộc chiến Ukraine đã nhiều lần gây khó chịu đối với phương Tây. Ấn Độ thường xuyên kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Ukraine, nhưng lại bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết khác nhau của Liên Hợp Quốc chống lại Nga. Modi hôm thứ Hai nói tại Berlin rằng “các sự kiện địa chính trị” trong thời gian gần đây cho thấy “hòa bình và ổn định trên thế giới đã trở nên mong manh như thế nào và các quốc gia phụ thuộc vào nhau mạnh mẽ đến đâu”.

 

“Chúng tôi tin rằng sẽ không có người chiến thắng ở đây”, Modi nói về cuộc chiến ở Ukraine. Mọi người đều sẽ bị tổn thất, mất mát, và đó là lý do tại sao Ấn Độ ủng hộ hòa bình. Người đứng đầu chính phủ Ấn Độ không đề cập đến Nga là thủ phạm. Có những lý do về chiến lược, quân sự và kinh tế đằng sau lập trường này của Ấn Độ.

 

Trong khi phương Tây đang đẩy mạnh loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga, Ấn Độ gần đây đã tăng cường nhập khẩu dầu từ nước này. Bởi vì Moscow dành những khoản chiết khấu đáng kể cho Ấn Độ.

 

“Tôi đặt lợi ích quốc gia và an ninh năng lượng của đất nước mình lên hàng đầu. Tại sao chúng ta lại không nên mua dầu [Nga]?”, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman gần đây đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Theo chính phủ Ấn Độ, quốc gia này hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển, và năng lượng giá rẻ là một động lực của sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, Ấn Độ không phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Nga. Nga chỉ đáp ứng không đến 2% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ.

 

Nhưng trong lĩnh vực vũ khí, tình hình hoàn toàn khác: 55% nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga. Sự phụ thuộc này có thể là một lý do quan trọng khiến Ấn Độ buộc phải dè dặt. Quốc gia hạt nhân này có cách ứng xử rất giống Trung Quốc trong vấn đề này.

 

Điều này làm phương Tây lo ngại, giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc có thể hình thành một trục mới. Nhưng điều đó là phi thực tế, ít nhất là nếu xét xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya. Kể từ sau các cuộc giao tranh ở thung lũng Galwan năm 2020, cả hai bên đều đẩy mạnh tăng cường vũ trang. Để thực hiện được điều này Ấn Độ cần có vũ khí từ Nga.

 

Phương Tây đang quan tâm theo dõi sít sao tình hình này. Đặc biệt, Washington muốn nền dân chủ đông dân nhất thế giới này phải lên án một cách rõ ràng hơn nữa cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Hôm thứ Hai, thủ tướng Scholz cũng kêu gọi các nền dân chủ phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa: “Chúng ta phải nhận thức được rằng, dân chủ là mối quan tâm của toàn nhân loại, điều giúp kết nối chúng ta với nhau và chúng ta phải chịu trách nhiệm để có được sự kết nối đó.”

 

Jens Plötner, cố vấn của Thủ tướng Đức về chính sách an ninh và đối ngoại, gần đây đã có các cuộc hội đàm ở New Delhi. Ông muốn Ấn Độ ở “trong cùng một phe”. Lúc đó ông đã nói với báo chí địa phương rằng “không được làm suy yếu các biện pháp trừng phạt để trục lợi về kinh tế trong cuộc chiến tranh này”.

 

Berlin đang nỗ lực hết sức để đưa New Delhi “đứng về phía đúng đắn”. Hôm thứ Hai, Scholz và Modi đã ký tổng cộng 14 thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó bao gồm việc sử dụng hydro, và một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để thúc đẩy mục đích này.

 

Quan hệ thương mại giữa Đức và Ấn Độ trong năm 2021 đạt 27,6 tỷ euro, tương đối ổn thỏa. Giới kinh tế Đức phàn nàn về những hạn chế đáng kể trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ. Ví dụ, các nhà chế tạo máy của Đức yêu cầu Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu máy móc công nghiệp.