Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự buổi lễ của Đại học Thanh Hoa tại Cung Hữu nghị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/4/2019. (Ảnh Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine một năm trước, chính quyền Bắc Kinh đã đi theo một đường lối “khôn ngoan”. Họ từ chối lên án dứt khoát cuộc xâm lược trong khi vẫn “khôn khéo” phản ánh lập trường của họ về cuộc chiến, đồng thời tìm cách củng cố vị thế của mình với tư cách là đối tác cấp cao hơn, hoặc chiếm ưu thế hơn trong mối quan hệ Trung Quốc - Nga cùng có lợi.

 

Mặc dù Bắc Kinh có thể không chỉ trích rõ ràng Tổng thống Nga Vladimir Putin về hành động gây hấn đối với Ukraine, nhưng giới chức Trung Quốc lại lo ngại về cách các nước nhỏ và các nước đang phát triển nhìn nhận về Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc lúc này lại có những lý do địa chiến lược riêng để không ủng hộ cuộc chiến của ông Putin.

 

Bề ngoài, Trung Quốc tỏ vẻ đứng về phía Nga, nhưng sau lưng, họ ngấm ngầm củng cố vị thế của mình ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Nhận định trên được đưa ra bởi các diễn giả trong một sự kiện của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace ngày 15/2 với chủ đề "Mối quan hệ Trung - Nga một năm sau xung đột Ukraine".

 

Các thành viên tham gia hội thảo gồm có:

  • Ông Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao của Carnegie;
  • Ông Lý Minh Giang (Li Mingjiang), một tác giả và giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Dương ở Singapore;
  • Bà Hoàng Thị Hà, thành viên cao cấp và đồng điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore;
  • Ông Paul Haenle là người điều hành hội thảo và là cựu Giám đốc về Trung Quốc của Nhà Trắng trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.

 

Lợi ích của Bắc Kinh

Theo ông Gabuev, một năm sau xung đột Ukraine, Nga và Trung Quốc vẫn duy trì một liên minh chiến lược “đôi bên cùng có lợi”.

 

Ông lập luận rằng, thực tế này xuất phát từ việc Bắc Kinh không nhận thấy có bất kỳ lợi ích nào khi phản đối cuộc chiến Ukraine, chứ không phải xuất phát từ việc phản đối có nguyên tắc dựa trên chủ quyền và luật pháp quốc tế.

 

Do đó ông cho rằng cách tiếp cận và chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có phần cơ hội.

 

Ông giải thích "Tôi cho rằng mối quan hệ đối tác [Nga - Trung] này và đường xu hướng là như nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang trở nên ngày càng bất đối xứng, vì Trung Quốc có nhiều đòn bẩy và lựa chọn trong mối quan hệ hơn Nga"

"Trung Quốc có phần hưởng lợi nhiều hơn Nga một chút, nhưng Nga cũng không hề thua thiệt. Và mối quan hệ này không phải là một liên minh, mà là sự hợp tác ngày càng chặt chẽ tuân theo các điều khoản của ông Tập Cận Bình".

 

Lợi ích của ông Tập chính là khiến cho Nga xích lại gần Trung Quốc một cách có chiến lược để tránh một kịch bản khó tưởng tượng trong sức nóng của chiến tranh Ukraine. Kịch bản này vẫn có khả năng xảy ra, cụ thể là Nga sẽ chuyển hướng sang lập trường thân phương Tây và thân Dân chủ.

 

Theo ông Gabuev, một khi Nga theo đuổi con đường đó thì Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại không nhỏ khi không thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga, mà hiện tại Bắc Kinh đang được hưởng lợi từ việc được “chiết khấu”.

 

Ông nói "Cùng xem xét lợi ích của Trung Quốc trong cuộc chiến. Bắc Kinh rất coi trọng mối quan hệ với Nga. Nga là một nước láng giềng lớn ở phía bắc. Do đó, việc duy trì một biên giới ổn định, yên bình với Nga là điều vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc”,

"Nếu Nga trở thành nền dân chủ thân Hoa Kỳ và xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng địa chính trị”.

 

Bắc Kinh có thể đã chậm trễ trong việc lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Theo phân tích của ông Gabuev, giới chức Trung Quốc miễn cưỡng đứng về phía các nền dân chủ phương Tây vì nếu họ nhượng bộ trước những áp lực của phương Tây đối với vấn đề Ukraine, thì họ sẽ phải đối mặt với nhiều yêu cầu hơn nữa từ phương Tây.

 

Các chính phủ phương Tây đã đặt ra một số yêu cầu đối với Bắc Kinh, từ việc chấm dứt cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương cho đến trở nên minh bạch hơn về cách sử dụng quỹ của các đối tác nước ngoài nhằm tài trợ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

 

Ông Gabuev hỏi "Hãy tưởng tượng, nếu Trung Quốc cắt đứt mối quan hệ từng vô cùng tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt và tuyên bố rằng cuộc xâm lược Ukraine kiểu đế quốc man rợ này là không thể chấp nhận được, và Trung Quốc bắt tay với tất cả các thành viên văn minh khác của cộng đồng quốc tế. Liệu sự sụp đổ của ông Putin về cơ bản có cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung hay không?"

"Câu trả lời là không. Phương Tây đơn giản sẽ xem sự nhượng bộ này là lẽ đương nhiên và nói", Được rồi, Trung Quốc. Thế còn Tân Cương thì sao, Đài Loan như thế nào, còn trộm cắp tài sản trí tuệ tính sao, còn chi tiêu PLA thì sao, còn nhân quyền ở Hong Kong thì thế nào?”.

 

Ông nói, ông Tập và các quan chức khác trong chính quyền Bắc Kinh nhận thức được rằng Nga là một cường quốc hạt nhân và không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine. Điều này càng củng cố niềm tin của họ rằng đối kháng với ông Putin sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì.

 

Trung Quốc đang đi trên một lằn ranh mỏng

Ông Lý thừa nhận rằng Trung Quốc không coi cuộc xung đột Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của nước này.

"Họ đã làm mọi thứ có thể để tránh bị Moscow xem là kẻ phản bội mối quan hệ đối tác chiến lược. Về cơ bản, tôi tin rằng mối quan hệ này vẫn còn mạnh mẽ”.

 

Đồng thời, giới chức Bắc Kinh cũng đang bảo vệ lợi ích của họ. Theo ông Lý, ngay cả khi họ ngần ngại chỉ trích công khai ông Putin, thì họ vẫn đang tự cân nhắc và tìm cách tận dụng tốt nhất tình huống này để đem lại lợi thế cho mình.

 

Ông nói "Tôi cho rằng, người dân Trung Quốc sớm đã nhận ra rằng đáng lẽ họ phải khẳng định rõ rằng Trung Quốc không thực sự ủng hộ Nga và hai nước vẫn có vài điểm khác biệt. Còn về mặt ngoại giao trên thực tế, Trung Quốc lẽ ra phải học hỏi từ Ấn Độ. Ấn Độ đã cố gắng giữ quan điểm trung lập trong tháng sau cuộc xâm lược, nhưng họ đã làm một số điều như chỉ trích Nga và ủng hộ Ukraine”.

 

Lúc này Bắc Kinh đang đi trên một lằn ranh mỏng, nhưng mục tiêu cuối cùng của ông Tập là tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc. Do đó, cho dù Nga có bại trận trong cuộc xung đột này đi chăng nữa thì cũng không phải là kết cục không thể chấp nhận được đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Lý suy đoán.

 

Ông Lý cho hay "Tôi cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chính sách chờ đợi và theo dõi sát sao tình hình ở Ukraine. Thậm chí, khi ông Putin và Nga bị đánh bại về mặt quân sự, và Nga trở thành một cường quốc yếu hơn nhiều, thì cả ông Tập và Trung Quốc cũng dễ dàng chấp nhận điều này”.

 

Bảo vệ danh tiếng của Trung Quốc

Bà Hà đồng ý rằng, Trung Quốc không nhất thiết phải hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến của ông Putin mới có thể đảm bảo được lợi ích của riêng mình.

Bà giải thích "Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine và cách ứng phó với những bên can dự khác không phải là lựa chọn hoặc là thế này hay thế kia. Có mối quan hệ gần gũi hơn với Nga không có nghĩa là Trung Quốc phải ràng buộc với họ",

"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không dốc sức để bảo vệ Nga khỏi một kết cục bại trận".

 

Theo bà Hà, Trung Quốc có thể sẽ để tâm đến vị thế của mình trong mắt của các quốc gia đang phát triển.

 

Bắc Kinh coi trọng lợi ích riêng và sự tôn trọng mà họ được hưởng trong mắt các cường quốc mới nổi, hơn là việc xoa dịu ông Putin.

 

Bà kết luận “Mặc dù nhiều nước đang phát triển có quan điểm mơ hồ về cuộc chiến ở Ukraine, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đồng ý với cuộc xâm lược một quốc gia có chủ quyền".

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net - Thanh Hi biên dch)