Người dân đi ngang qua bảng quảng cáo "Ngày Độc thân (Singles Day)", ngày mua sắm lớn nhất trong năm, tại một khu phức hợp trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh hôm 10/11/2021. (Ảnh: Jade Gao / AFP qua Getty Images)

 

 

 

Năm 2021 kết thúc, Bắc Kinh đón chào năm mới 2022 với tương lai đầy lo ngại về những gì sắp xảy ra với nền kinh tế.

Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào 3 động lực kinh tế chính: Tiêu thụ trong nước, ngoại thương (xuất cảng), và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, các động lực kinh tế này đang mất dần hoặc đã mất hẳn sức mạnh; nguyên nhân là do Bắc Kinh xử lý không ổn thỏa các tình huống trong nước và quốc tế.

 

Trong nước, các nhà sản xuất và các doanh nghiệp đã đóng cửa với số lượng lớn; trong khi thất nghiệp khiến sức chi tiêu của người dân giảm nghiêm trọng; từ đó làm giảm kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Trên bình diện quốc tế, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thay đổi trong ngoại thương và FDI.

 

 

Bắc Kinh thanh trừng khu vực tư nhân: Kinh tế Trung Quốc suy yếu

Động lực kinh tế đầu tiên - chi tiêu trong nước - đã mất do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các phương pháp chính trị để giải quyết các vấn đề kinh tế.

 

Nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên có dấu hiệu suy yếu khi bong bóng bất động sản hình thành. Việc nước này đóng cửa nền tảng tài chính Internet P2P (cho vay ngang hàng) càng khiến tình hình kinh tế Trung Quốc thêm rối loạn.

 

Để đổ thêm dầu vào lửa, Bắc Kinh sau đó đã thanh trừng khu vực kinh tế tư nhân, kìm hãm những gã khổng lồ thương mại điện tử và công nghệ, giáo dục, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và giới giải trí. Các nhà chức trách buộc họ phải chia sẻ tài sản của mình với ĐCSTQ.

 

Các biện pháp mà ĐCSTQ sử dụng làm chúng ta nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn của Trung Quốc. Câu chuyện cảnh báo mọi người không nên đối phó với bất kỳ tình huống nào bằng cách sử dụng vũ lực. Trong câu chuyện này, một bác sĩ tự nhận mình là người giỏi chữa tật gù lưng. Khi một bệnh nhân đến gặp ông ấy, ông đã nẹp vào ngực và lưng của bệnh nhân. Sau đó, ông để cho bệnh nhân nằm trên mặt đất, và dẫm lên bệnh nhân một cách thô bạo. Cuối cùng, lưng của bệnh nhân đã thẳng nhưng xương sống lại bị gãy.

 

Tình hình kinh tế ở Trung Quốc cũng giống như bệnh nhân trong câu chuyện kể trên. Khi nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ trượt dốc, ĐCSTQ đã đàn áp khu vực tư nhân để bòn rút tiền từ các doanh nhân giàu có, gây ra phản ứng dây chuyền, làm ảnh hưởng đến các ngành liên quan và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Với cách làm như vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ thêm tiêu điều.

 

Vào đầu tháng 12, một cơ quan tài chính của Trung Quốc đã tổng kết các lĩnh vực kinh tế lao dốc trong 3 quý đầu năm 2021 tại nước này. Theo đó, 10 ngành công nghiệp ở Trung Quốc đã ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất trong tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch bệnh bùng phát. 5 ngành được liệt kê dưới đây bị ảnh hưởng nặng nề nhất:

 

-Bất động sản: Toàn ngành đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ.

-Giáo dục và đào tạo: Tác động của chính sách “giảm kép” do chính quyền Trung Quốc áp đặt vẫn chưa rõ ràng. Tính theo tỷ giá hối đoái hiện hành, ngành này có giá trị thị trường khoảng 471 tỷ USD. Chính sách “giảm kép” theo nghĩa đen là “giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm” tiếng Anh.

 

-Hàng không và sân bay: Giảm 135% so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch và giá nhiên liệu là 2 nguyên nhân gây ra suy thoái.

 

-Du lịch: Giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do đại dịch.

 

-Trung tâm mua sắm và siêu thị: Giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái; nguyên nhân chính đến từ sự xuất hiện của nhiều phương thức bán hàng mới thông qua thương mại điện tử.

 

5 ngành khác có kết quả hoạt động kém nhất trong 3 quý đầu năm 2021 là dịch vụ ăn uống và khách sạn (-56%); chăn nuôi lợn và gà (-46%); phim và truyền hình (-42 %); nhiệt điện (-37 %); và cải tạo bất động sản và kiến ​​trúc cảnh quan (-30%).

 

Thất nghiệp gia tăng làm giảm tiêu dùng trong nước

Lợi nhuận của các ngành công nghiệp bị thu hẹp đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

 

Hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố rằng tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát vào tháng 9 là 4,9%, thấp hơn 0,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các vụ vỡ nợ của những đại gia bất động sản Trung Quốc, sự sụp đổ của khu vực giáo dục và đào tạo tư nhân, và sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty thương mại điện tử lớn đã khiến gia tăng ít nhất 10 triệu người thất nghiệp trong các ngành này.

 

Con số thực tế có thể cao hơn bởi ĐCSTQ luôn kiểm duyệt thông tin.

 

Khi lợi nhuận trong các công nghiệp giảm và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, thu nhập của người dân Trung Quốc giảm đáng kể. Điều này hiển nhiên khiến họ cắt giảm chi tiêu.

 

Cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn trên các nền tảng mạng xã hội rằng họ không đủ tiền để mua nhà ở, để phục vụ cuộc sống hôn nhân, hoặc để sinh con. Một cư dân mạng cho biết: “Ngay cả trong giấc mơ, tôi cũng ước rằng mình có thể tìm được một công việc làm thêm để trả nợ thế chấp”, trang web tài chính Caijing của nhà nước Trung Quốc đưa tin vào tháng 12.

 

 

Xuất cảng hàng hóa: biến động khó lường

Động lực kinh tế thứ 2 đối với Trung Quốc là ngoại thương. Bắc Kinh phụ thuộc rất nhiều vào xuất cảng để tăng trưởng kinh tế. Chỉ trong 10 năm trước, thặng dư ròng trong hoạt động ngoại thương (xuất cảng trừ đi nhập cảng) từng đóng góp tới 30% tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Hiện nay, con số này vào khoảng 17-18% GDP.

 

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập cảng hàng hóa trong 3 quý đầu năm 2021 đạt 4.447 tỷ USD, chiếm khoảng 29% GDP Trung Quốc. Tổng giá trị xuất nhập cảng năm ngoái là 5.048 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP Trung Quốc.

 

Các con số này ít nhiều không thay đổi tỷ trọng của nó trong GDP. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu và Mỹ - 2 khu vực kinh tế lớn trên toàn cầu - hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, có khả năng làm thay đổi dữ liệu kim ngạch xuất cảng của Bắc Kinh.

 

Trên hết, việc ĐCSTQ che đậy nguồn gốc của virus corona chủng mới đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Bắc Kinh với 2 đối tác kinh tế lớn trong số 4 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ là nguồn chính tạo ra thặng dư thương mại của Trung Quốc.

 

Một yếu tố quan trọng khác tác động đến hoạt động ngoại thương của Trung Quốc là chi phí vận tải biển tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Khi mà triển vọng kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường, ĐCSTQ không biết liệu họ có thể duy trì đà phát triển ngoại thương vào năm 2022 hay không.

 

Nếu động lực kinh tế từ hoạt động ngoại thương biến mất, triển vọng kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự ảm đạm.

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc thì sao? Ít hấp dẫn hơn

Động lực thứ 3 của nền kinh tế Trung Quốc là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chính quyền Trung Quốc đã từng rất tự tin trong việc thu hút các nhà đầu tư.

 

Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào tháng 11/2021 rằng, “giải ngân vốn FDI của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm lên tới 148 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái”.

 

Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung, một tổ chức tư nhân gồm hơn 260 công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc, cho biết, trong cuộc khảo sát thành viên 2021, “hơn 40% [các công ty Mỹ được khảo sát] có kế hoạch tăng cam kết nguồn lực ở Trung Quốc trong năm sau”.

 

Forbes cũng từng đưa tin về một thông điệp tích cực tương tự vào tháng 9. Trích từ Báo cáo Kinh doanh Trung Quốc năm 2021 do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải công bố: “Gần 60% số người được hỏi đang tăng cường đầu tư trong năm nay”.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần dùng từ “biến động” để mô tả tình hình FDI tại Trung Quốc vào năm 2021.

 

Kearney, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, tiết lộ trong báo cáo Chỉ số Niềm tin FDI năm 2021 rằng, các nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế từ COVID-19. Theo báo cáo, “chỉ có 57% bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là 79% vào năm 2014 và 72% chỉ một năm trước”.

 

Theo Kearney, Mỹ vẫn đứng đầu - năm thứ 9 liên tiếp - tiếp theo là Canada, Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Pháp, Úc, Ý, Tây Ban Nha, và Thụy Sĩ. Báo cáo này cho biết Tây Ban Nha đã thay thế Trung Quốc trong top 10 năm nay.

 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, bên cạnh sở thích của các nhà đầu tư dành cho các nền kinh tế phát triển, các yếu tố khác khiến Trung Quốc tụt hạng trong danh sách là: Lợi thế nhân cảng học của Trung Quốc đã giảm, các nhà sản xuất chuyển sản xuất sang thị trường nội địa do chi phí vận tải và tự động hóa tăng cao, và lo ngại về “chi phí tài chính, danh tiếng, và xã hội liên quan đến vi phạm dữ liệu” do “quy tắc bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt của Trung Quốc”.

 

Với việc khu vực tư nhân bị chính quyền Trung Quốc kìm hãm và dòng vốn FDI mới dần dần mất hứng thú với thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh dường như chỉ còn một lựa chọn: In tiền để kích hoạt đầu tư trong nước. Điều khiến phương án cuối cùng này trở nên rất đáng nghi ngờ là trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Bắc Kinh sẽ khó mà tìm được các dự án đầu tư thích hợp.

 

ĐCSTQ đang đánh mất động lực thứ 3 để thúc đẩy nền kinh tế.

 

 

Căng thẳng Mỹ-Trung

Áp lực thứ 4 đối với nền kinh tế Trung Quốc mà ĐCSTQ phải lo lắng là mối quan hệ đang xấu đi với Hoa Kỳ.

 

Như báo cáo của Kearney đã chỉ ra, việc Trung Quốc rơi khỏi top 10 một phần là do “căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, thuế quan, và việc các công ty đánh giá lại về chuỗi cung ứng quốc tế”.

 

Là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ nên là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã làm tổn hại mối quan hệ Mỹ-Trung với sự hiếu chiến ngày càng tăng trên trường quốc tế và chính sách ngoại giao sói lang.

 

Khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nổ ra vào năm 2018, chính quyền này nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn miễn là cựu Tổng thống Donald Trump rời Tòa Bạch Ốc; do vậy, Bắc Kinh đã trì hoãn việc thay đổi.

 

Cho rằng Tổng thống Joe Biden trước đó đã có thái độ thân thiện với Trung Quốc, Bắc Kinh không dự tính được rằng chính phủ của ông Biden sẽ cảnh giác như hiện tại, mặc dù sự thay đổi này phần lớn là do bản thân ĐCSTQ.

 

Chính phủ ông Biden đã ủng hộ việc tiếp xúc và hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bất hợp tác của ĐCSTQ với Mỹ và châu Âu trong vấn đề biến đổi khí hậu đã khiến ông Biden quyết định duy trì thuế quan và các biện pháp trừng phạt thương mại mà ông Trump áp đặt; qua đó gây thêm áp lực lên một nền kinh tế vốn đã căng thẳng.

 

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

 

 

Tác giả He Qinglian là nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, hiện đang làm việc tại Mỹ. Bà là tác giả của cuốn sách Rủi ro của Trung Quốc (China’s Pitfalls) - viết về tham nhũng trong cải cách kinh tế ở Trung Quốc những năm 1990, và cuốn Sương mù kiểm duyệt: Kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc (The Fog of Censorship: Media Control in China) - đề cập đến việc thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết bài phân tích về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.

(ntdvn.com - Theo The Epoch Times)