Theo trang thống kê Worldometers, tính tới 6h ngày 10/7, thế giới có 12.376.423 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 556.473 trường hợp tử vong và 7.181.093 bệnh nhân bình phục.

 

 

Một nhân viên y tế Bolivia đeo khẩu trang và mặt nạ chống Covid-19 trong khi làm công việc. (Nguồn: AP)

 

 

 

Ngày 9/7, Trung Quốc bác bỏ phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh đã không nói cho thế giới biết sự thật về dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, phát biểu này một lần nữa cho thấy bản chất của ông Pompeo là lừa đảo và dối trá.

 

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Nói về sự đáng tin, Mỹ với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" đã liên tục từ bỏ các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình, thường xuyên rút khỏi các hiệp ước và ra khỏi các tổ chức quốc tế, bắt đầu trở thành kẻ gây rối lớn nhấn trong những năm gần đây... Về trách nhiệm giải trình, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã vượt quá 3 triệu ca, với hơn 130.000 ca tử vong, Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm không thể chối cãi về điều này".

 

Theo người phát ngôn này, Trung Quốc hối thúc Mỹ lắng nghe những ý kiến phải đối mạnh mẽ việc nước này thường xuyên rút khỏi các hiệp ước và tổ chức. Ông còn khẳng định, sau khi bùng phát Covid-19, Trung Quốc đã nhanh chóng thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Thời gian hai bên công bố rõ ràng khớp với những thực tế liên quan và có thể được xác minh cho nhau. Việc bóp méo sự thật và đổ lỗi không thể che đậy được những sai lầm của Chính phủ Mỹ trong công tác xử lý đại dịch này.

 

 

 

Trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng, ngày 9/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ thành lập một ủy ban độc lập nhằm đánh giá cách thức xử lý Covid-19 của tổ chức này, cũng như công tác phòng chống dịch của chính phủ các nước.

 

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 194 nước và vùng lãnh thổ thành viên, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ell Johnson Sirleaf đã đồng ý đứng đầu ủy ban trên và sẽ lựa chọn các thành viên. Ông Ghebreyesus cũng cho biết ủy ban này sẽ cung cấp một báo cáo sơ bộ cho cuộc họp thường niên của các Bộ trưởng Y tế dự kiến sẽ được triệu tập vào tháng 11 tới.

 

Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng đề cập tới việc hồi tháng Năm vừa qua, các nước thành viên của WHO đã nhất trí thông qua nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU), trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về cách thức xử lý của WHO liên quan đến đại dịch Covid-19.

 

Về tình hình dịch Covid-19 tại các quốc gia, tính tới 6 giờ sáng 10/7 (giờ Việt Nam), với trên 3,2 triệu ca mắc và trên 135.000 ca tử vong, Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh này.

 

Số ca mắc Covid-19 đang tăng cao trở lại tại nhiều tiểu bang "điểm nóng" ở miền Nam, trong đó có Texas, Florida, Louisiana và Arizona, trong khi giảm mạnh tại những nơi từng là tâm dịch như  New York và các bang vùng Đông Bắc. 

 

Đặc biệt, thành phố Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma, nơi Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại, số ca mắc Covid-19 đang gia tăng mỗi ngày.

 

Trong hai ngày qua, Tulsa ghi nhận gần 500 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên 4.571 ca. Theo giới chức địa phương, khoảng 6.200 người đã tham gia sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Trump và phần lớn đều không đeo khẩu trang.

 

Độ tuổi mắc Covid-19 ở Mỹ đang có xu hướng trẻ hóa. Số ca nhiễm mới ở Florida có độ tuổi trung bình 35, trong khi 50% số ca nhiễm mới ở thành phố Phoenix thuộc bang Arizona dưới 35 tuổi. Nhiều tiểu bang đã buộc phải tạm ngừng các kế hoạch nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế, thậm chí phải đóng cửa trở lại để ngăn chặn dịch lây lan.

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố có tiến triển trong việc mở cửa trở lại hoạt động đi lại với Liên minh châu Âu (EU), song ông không nêu ra thời gian cụ thể. Về phần mình, EU đã từ chối cho Mỹ vào danh sách các quốc gia an toàn mà công dân được phép tới EU. Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ và EU đang thảo luận "các thủ tục và quy tắc" để có thể nối lại hoạt động đi lại giữa hai bên.

 

 

 

Ngoài Mỹ, một số quốc gia ghi nhận ca mắc cao trong 24 giờ qua còn có Brazil (trên 39.000 ca), Ấn Độ (25.803 ca), Nam Phi (13.674 ca), Mexico (gần 7.000 ca) và Nga (6.509 ca).

 

Về số ca tử vong, Brazil là nước có nhiều người chết nhất trong 24 giờ qua với 1.129 người. Tiếp theo là Mỹ (818 người) và Mexico (782 người).

 

 

 

Ngoài tâm dịch là Brazil, tình hình dịch Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 9/7, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Añez cho biết bà đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

 

Thông báo trên mạng xã hội Twitter, bà Añez khẳng định sức khỏe vẫn bình thường và sẽ vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian cách ly. Bà Añez đã tiến hành kiểm tra sức khỏe và làm xét nghiệm sau khi nhiều thành viên trong nội các và các trợ lý thân cận bị mắc Covid-19.

 

Thông tin về việc nhà lãnh đạo tạm quyền Bolivia mắc Covid-19 được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Y tế nước này María Eidy Roca xác nhận đã dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay chính phủ Bolivia đã khẳng định có ít nhất 7 bộ trưởng bị mắc Covid-19 và đang trong quá trình điều trị cách ly.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Bolivia đã ghi nhận hơn 42.000 ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 1.500 người tử vong. Bô Y tế Bolivia dự báo đỉnh dịch tại nước này có thể đến trong khoảng tháng 8 và 9 tới, trùng thời điểm mà nước này dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử.

 

 

 

Ngày 9/7, Chính phủ Peru thông báo Bộ trưởng Sản xuất nước này Rocío Barrios hiện đang tự cách ly do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi dẫn đầu đoàn công tác phụ trách cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực Loreto thuộc vùng rừng rậm Amazon, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ.

 

Bộ trưởng Barrios, 46 tuổi, là thành viên thứ hai trong nội các của Tổng thống Martín Vizcarra mắc Covid-19. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Peru Jorge Montenegro đã hồi phục sau khi nhiễm bệnh vào đầu tháng 5/2020.

 

Trước đó, Peru hôm 30/6 đã chính thức kết thúc giai đoạn cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Theo thông báo của Tổng thống Martin Vizcarra, kể từ ngày 1/7 sẽ chỉ còn 7 trên tổng số 25 vùng của Peru vẫn phải thực hiện lệnh cách ly do nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao.

 

Ông Vizcarra cũng khẳng định chính phủ đã chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó nếu trong trường hợp Covid-19 bùng phát trở lại, thậm chí là tái ban bố lệnh cách ly bắt buộc khi diễn biến xấu đi.

 

Peru hiện vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 tại Mỹ Latinh, sau Brazil, với hơn 312.900 ca nhiễm bệnh, trong đó có 11.133 trường hợp tử vong.

 

 

Ngày 9/7, Chính phủ Colombia thông báo đã tiếp nhận khoản hỗ trợ trị giá 5 triệu USD từ chính quyền Nam Hàn nhằm củng cố tăng cường khả năng phòng, chống bệnh Covid-19.

 

Nguồn vốn trên, được trích Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nam Hàn (KOICA), sẽ được sử dụng chủ yếu vào tăng cường năng lực của các nhân viên y tế cũng như nâng cao năng lực chẩn đoán cho hệ thống bệnh viện tại thủ đô Bogota. Ngoài ra, khoản hỗ trợ trên sẽ giúp triển khai mô hình xét nghiệm lưu động “Drive và Walk Through”, vốn rất thành công tại Nam Hàn, và xây dựng một bệnh viện dã chiến tại thành phố này.

 

Thủ đô Bogota hiện là tâm dịch Covid-19 tại Colombia, với 40.737 ca nhiễm trong số 128.638 trường hợp mắc bệnh được xác nhận tại quốc gia Nam Mỹ này.

 

 

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Thiếu tướng Aviv Kochavi đã được cách ly theo dõi, do nghi mắc Covid-19.

 

Trong một thông báo ngày 9/7, IDF cho hay ông Kochavi hồi tuần trước đã tiếp xúc với một sỹ quan có kết quả  xét nghiệm dương tính với virus SARS- CoV-2. Trong vài tuần gần đây, số lượng ca mắc Covid-19 mới tại Israel đã tăng lên nhanh chóng.

 

Theo quân đội Israel, Tướng Kochavi hiện trong tình trạng tốt nhưng sẽ được xét nghiệm và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong quá trình cách ly. Trước đó, ông Kochavi hồi tháng 3 cũng đã từng phải cách ly theo dõi, sau khi tham dự một cuộc họp có người mắc Covid-19 tham dự.

 

Lần lượt các quốc gia và vùng lãnh thổ chịu tác động mạnh nhất của Covid-19 đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2. Điều này càng chỉ ra rằng rất khó kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh ngay cả khi áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới hoặc cách ly từng phần.