Những người biểu tình mặc đồ giả dạng Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 9 tháng Hai, 2022, ở Đức. Nguồn: Getty Images Europe

 

 

 

Chỉ trong 24 giờ, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, Ngân hàng Trung ương Nga mất quyền kiểm soát 2/3 số dự trữ ngoại tệ trị giá 630 tỷ Mỹ kim. Nghị quyết của Hội đồng bảo an được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng. Nga và 4 nước bỏ phiếu chống nghị quyết, Việt Nam nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng.

 

Tình hình chiến sự tại Ukraine đang dồn dập và khốc liệt từng phút, từng giờ với một số điểm chính:

  • Một vụ nổ rung chuyển nhà ga Kyiv tối 2/3 (giờ địa phương), nơi hàng ngàn phụ nữ và trẻ em đang được sơ tán, công ty đường sắt quốc doanh của Ukraine cho hay.
  • Thành phố Kharkiv lớn thứ hai của Ukraine cũng bị oanh kích nặng nề trong ngày thứ bảy của cuộc chiến. Phía Ukraine phủ nhận tuyên bố của Nga là đã chiếm được cảng Kherson ở Biển Đen.
  • Văn phòng Nhân quyền Liên hiệp quốc xác nhận có 227 thường dân chết và 525 người bị thương trong cuộc xung đột tại Ukraine tính đến nửa đêm ngày 1/3, phần lớn do bom đạn. Văn phòng lưu ý con số thực tế có thể cao hơn vì những chậm trễ trong báo cáo.
  • Theo đánh giá của Washington, một giới chức Mỹ nói, không có thay đổi đáng kể trên bộ tại Ukraine kể từ ngày 1/3 dù Nga phóng hơn 450 hỏa tiễn vào các mục tiêu Ukraine.

Đó là cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và Ukraine tiêu tốn sinh mạng, máu và nước mắt của người dân vô tội.

 

Thế nhưng, chính trong những giờ phút này, cả thế giới đang quan sát một cuộc chiến khác, cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ Ukraine, cuộc chiến không tiếng súng nhưng độ căng thẳng, khốc liệt và thiệt hại cũng không hề kém.

 

“Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết Nga có khoảng 11,3 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng ở nước này năm 2020”.

 

 

 

“Tỏ rõ ai bạn, ai thù, ai giả mù”

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02/03 đã bỏ phiếu với kết quả là đa số phiếu tới mức áp đảo, lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.

 

Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng.

 

Nga, và chỉ có 4 quốc gia khác bao gồm: Bắc Hàn, Syria, Belarus, và Eritrea bỏ phiếu chống nghị quyết.

 

Điều cũng khiến người ta quan tâm, có thể băn khoăn là có tới 35 nước, mà trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.

 

Ngay lập tức, sau khi có kết quả bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội, bà Nataliya Zhynkina đã bày tỏ suy nghĩ của mình trên trang Facebook, bằng tiếng Việt:

"Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng."

 

 

Cuộc chiến không tiếng súng khiến Nga mất trăm tỷ Mỹ kim

Đúng vào ngày cuối cùng của tháng hai, Âu châu “khai hỏa” một cuộc chiến kinh tế tàn khốc đối với Nga.

 

Chỉ trong vòng 24 giờ, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, và Ngân hàng Trung ương Nga mất quyền kiểm soát 2/3 số dự trữ ngoại tệ trị giá 630 tỷ Mỹ kim.

 

Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nga bắt buộc phải tăng từ 9,5% lên 20%, nhằm đối phó nhanh với tình hình đồng RUB liên tục bị trượt giá trước các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/3 đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào 22 thực thể liên quan tới quốc phòng.

 

Ngoại trưởng Blinken cho biết danh sách trừng phạt bao gồm các công ty sản xuất máy bay chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh, tên lửa, thiết bị bay không người lái, và các hệ thống chiến tranh điện tử.

 

Lý do, theo Ngoại trưởng Blinken, đây là các hệ thống đang được sử dụng để tấn công người dân Ukraine và vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Trên không phận quốc tế, ngày 02/03, Hoa Kỳ cấm mọi phi cơ dân sự của Nga bay vào không phận của họ, sau khi hàng không Nga bị cấm bay sang hơn 30 nước.

 

Công ty hàng hải Hapag-Lloyd của Đức tạm ngưng nhận các đơn hàng của Nga, điều tương tự cũng được các hãng như K Group, S Group, Nestle, Alko tuyên bố.

 

ExxonMobil và Boeing cũng mới tuyên bố tham gia với các đại công ty ra tay trừng phạt Nga vì cuộc xâm lăng ở Ukraine.

 

ExxonMobil nói sẽ rút khỏi joint venture nhiều tỷ USD với Rosneft, còn Boeing tuyên bố ngưng mọi hoạt động ở Nga.

 

Hãng tạo ra sản phẩm công nghệ được yêu thích trên toàn thế giới, Apple đã tuyên bố đóng mọi hoạt động tại Nga.

 

Hãng tin RT, Reuters và trang mạng The Guardian cho biết Thụy Sĩ, quốc gia giữ vị thế trung lập trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới tới nay, đã quyết định thông qua các lệnh trừng phạt giống của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga.

 

Theo các nguồn tin trên, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis ngày 28/2 (giờ địa phương) thông báo nước này sẽ làm theo tất cả các biện pháp trừng phạt mà EU vừa áp đặt đối với Moskva.

 

Trong một tuyên bố, Chính phủ Thụy Sĩ khẳng định: "Thụy Sĩ sẽ phối hợp với EU thực thi các biện pháp trừng phạt này, chủ yếu là các biện pháp trừng phạt về hàng hóa và tài chính". Tuy nhiên, những biện pháp này cũng bao gồm việc đóng băng tài sản của các cá nhân và công ty của Nga.

 

Thụy Sĩ, trung tâm ngân hàng lớn nhất thế giới, là một “điểm đến” ưa thích của dòng tiền gửi của giới nhà giàu Nga. Reuters dẫn số liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết Nga có khoảng 11,3 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng ở nước này năm 2020.

Cuộc chiến không tiếng súng tới lúc này có thể ước lượng sơ bộ, gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ Mỹ kim cho Nga.

 

Có thông tin ước đoán kinh tế Nga đang trên đà sụp đổ, và rơi vào tình trạng như cuối thập niên 1990.

 

Cái gì cũng có giá của nó, một cuộc chiến cũng không ngoại lệ, Nga sẽ chịu được giá nào và trong bao lâu?