Nguồn: AAP Image/ AP Image Sergei Chuzavkov

 

 

NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ

Vào năm 2003, 7000 binh lính Ukraine xâm lược Iraq.

 

NHẬN ĐỊNH CỦA AAP FACTCHECK

Sai lạc. Ukraine không có trong lực lượng xâm lược vào tháng 3 năm 2003. Hơn nữa, số lượng binh lính lúc nhiều nhất mà Ukraine có tại Iraq vào cùng một thời điểm, là 1.700 binh lính.

 

Khi cuộc xung đột của Nga tại Ukraine đang tiếp tục, một bài đăng trên truyền thông xã hội tuyên bố rằng 7.000 binh lính Ukraine tham gia vào cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003.

 

Nhưng các chuyên gia nói rằng tuyên bố này sai lạc. Ukraine, ban đầu phản đối cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ đứng đầu, đã không cam kết các đơn vị chiến đấu tham gia vào các lực lượng liên minh xâm lược vào tháng 3 năm 2003, trong khi con số 7.000 nói đến các đợt triển khai binh lính trong suốt năm năm.

 

Bài đăng trên Facebook này nói: “7.000 binh lính Ukraine đã xâm lược đất nước Iraq có chủ quyền vào năm 2003 mà không vì lý do nào cả. Họ giúp treo cổ tổng thống được bầu một cách dân chủ. Các binh sĩ Ukraine phục vụ như đội quân lớn thứ ba trong các lực lượng liên minh trong suốt cuộc chiếm đóng Iraq. Hàng trăm ngàn người bị giết chết do Ukraine chiếm đóng Iraq. Hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nhưng họ không cảm thông được sự đau đớn vì các nạn nhân này có đức tin và chủng tộc khác.”

 

Bài đăng này do “Aussie Cossack” Simeon Boikov chia sẻ, người là tâm điểm của những tuyên bố mà trước kia đã bị AAP FactCheck lật tẩy (xin xem ở đây và ở đây).

 

Tuyên bố của bài đăng này phóng đại cả vai trò của Ukraine trong Cuộc Chiến Iraq, lẫn việc triển khai binh lính của nước này như được các bài tường thuật tin tức nêu bật. Một bài viết của Hãng tin NBC từ tháng 1 năm 2005 về quốc hội Ukraine yêu cầu binh lính rút khỏi Iraq, nói rằng có 1.650 lính Ukraine tại Iraq vào khi đó. 

 

Bài viết này còn chú giải rằng “Ukraine mạnh mẽ phản đối cuộc chiến do Hoa Kỳ đứng đầu tại Iraq, nhưng sau đó đồng ý gửi các binh lính đến trong một nỗ lực rõ ràng là để hàn gắn các mối quan hệ” với Hoa Kỳ.

 

Đánh giá này được một bài tường thuật của Báo Guardian từ tháng 7 năm 2003 đồng tình, nói rằng một “đội quân gìn giữ hòa bình” mạnh mẽ gồm 1.800 binh sĩ sẽ tới Iraq vào tháng 9 năm đó. Quyết định này là sự thay đổi hẳn về quan điểm của Ukraine về cuộc xâm lược này sau cuộc điều tra xem liệu Ukraine trước đó đã có bán các hệ thống vũ khí cho Iraq vào năm 2000 không. Bối cảnh về cuộc tranh cãi này được ghi lại ở đây.

 

Tiến sĩ David Kilcullen, cố vấn thâm niên cho Đại Tướng (Đã Nghỉ hưu) David Petraeus ở Iraq vào năm 2007, xác nhận với AAP FactCheck rằng số lượng binh lính lúc nhiều nhất mà Ukraine có tại Iraq vào cùng một thời điểm là 1.700 binh lính.

 

Ông cho biết trong một thư điện tử rằng “Sau năm 2006 họ chỉ có 40 binh lính ở nước này trong vai trò gìn giữ hòa bình. Tổng cộng khoảng 5.000 quân nhân Ukraine phục vụ tại Iraq trong suốt thời gian đó, như một phần của liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu.”

 

Tiến sĩ Kilcullen nói các binh sĩ Ukraine là đội quân lớn thứ ba tại Iraq trong thời gian từ năm 2003-2008, thời điểm mà họ rút khỏi Iraq.

 

Những con số đó được chứng minh bằng báo cáo của Quân đội Hoa Kỳ về “lễ kết thúc nhiệm vụ” của Ukraine được công bố vào ngày 11 tháng 12 năm 2008. Trái ngược lại, một cuốn sách mang tựa đề “Sự Tham gia của Đồng minh trong Chiến dịch Tự do cho Iraq” do Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Hoa Kỳ biên soạn, liệt kê 7.000 binh lính là tổng số cộng lại của các đơn vị bộ binh trong thời gian từ tháng 3 năm 2003 đến tháng 12 năm 2005 với con số triển khai đỉnh điểm của Ukraine là 1.630 binh lính (trang 116).

 

Nhưng Ukraine không phải là một phần của lực lượng xâm lược vào tháng 3 năm 2003, còn được gọi là “Coalition of the Willing” ("Liên minh của Tinh thần Tự nguyện")

 

Điều này được John Blaxland, giáo sư của International Security & Intelligence Studies (Khoa Nghiên cứu Tình báo và An ninh Quốc tế) thuộc ANU (Đại học Quốc gia Úc) xác nhận. Ông cho AAP FactCheck biết rằng cuộc xâm lược năm 2003 bao gồm các đơn vị của Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc, nhưng không có của Ukraine.

 

Được đặt cho cái tên là Operation Iraqi Freedom (Chiến dịch Tự do cho Iraq), cuộc xâm lược này bắt đầu vào ngày 20 tháng 3 năm 2003, với một chiến dịch gây “choáng váng và sợ hãi” của các trận bom từ trên không, bất chấp thất bại trong việc có được một nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ủy thác cuộc chiến này. Cùng ngày hôm đó, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài quốc hội Ukraine phản đối việc bỏ phiếu xem liệu Ukraine có gửi một đơn vị gồm 530 người đến Kuwait để giúp trong trường hợp xảy ra tấn công bằng hóa học hay sinh học không. Báo cáo này về việc bỏ phiếu, ghi nhận quan ngại của Tổng thống Ukrainie, Leonid Kuchma về các sáng kiến ngoại giao tại UN (Liên Hợp Quốc) để ngăn chặn cuộc chiến này.

 

Trước cuộc bỏ phiếu đó, Ukraine đã không được tính trong số Coalition of the Willing, như được cho thấy trong tường thuật này của BBC từ ngày 18 tháng 3 năm 2003 sử dụng nguồn là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Một tuần sau đó, Tòa Bạch ốc đã liệt kê Ukraine trong số 49 quốc gia cam kết vào liên minh này.

 

Tuy nhiên, Ukraine bị loại bỏ khỏi một số đánh giá về tư cách thành viên của liên minh này, như báo cáo này của Stanford University (Đại học Stanford) từ tháng 6 năm 2003. Trong cùng tháng đó, quốc hội Ukraine phê duyệt quyết định gửi đến Iraq một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 1.800 binh lính vào tháng 9 năm 2003. Quyết định này theo sau một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 3 năm 2022, “xác định vai trò chính trị của UN trong công cuộc khôi phục lại sau xung đột tại Iraq”.

 

Nghị quyết này được chấp thuận sau khi cuộc xâm lược do Hoa Kỳ đứng đầu được tuyên bố là thành công và các lực lượng liên minh đã chuyển sang giai đoạn chiếm đóng quân sự. Trong số các vấn đề khác mà nghị quyết này bao gồm là việc kêu gọi cung cấp viện trợ nhân đạo và bắt đầu các bước để cho phép người dân Iraq quyết định tương lai chính trị của chính họ.

 

Đến tháng 2 năm 2007, số lượng của Coalition of the Willing đã giảm đi, từ 25.000 binh lính đến từ 38 quốc gia vào năm 2003 xuống chỉ còn 15.000 binh lính đến từ 25 quốc gia, theo báo cáo này. Báo cáo của Council on Foreign Relations (Hội đồng về Quan hệ Nước ngoài) không tính Ukraine trong số các quốc gia đóng góp đáng kể vào liên minh này trong thời gian trước năm 2007.

 

“Mức giảm đáng kể nhất về sức mạnh của liên minh xảy ra vào tháng 9 năm 2005, khi Ý bắt đầu rút tất cả trong số 3.000 binh lính của mình. Ukraine và Bulgaria, hai trong số các đối tác đáng tin cậy nhất của Washington trong cuộc chiến này, nhanh chóng làm theo và rút phần lớn các lực lượng của mình vào năm sau đó,” báo cáo này nói.

Vào năm 2006, Ukraine đã thu nhỏ lực lượng gìn giữ hòa bình của mình xuống chỉ còn 40 binh sĩ.

 

NHẬN ĐỊNH CUỐI CÙNG

Mâu thuẫn với tuyên bố của bài đăng này, Ukraine không đóng vai trò nào trong cuộc xâm lược Iraq vào tháng 3 năm 2003. Tuy nhiên, Ukraine cung cấp các binh lính gìn giữ hòa bình vào tháng 9 của năm đó sau khi có sự phê duyệt của quốc hội.

 

Sự thật là những người Ukraine đã phục vụ như đội quân lớn thứ ba trong liên minh này, một chuyên gia đã xác nhận với AAP FactCheck, với khoảng 5.000 binh lính trải dài trong thời gian 5 năm, và con số triển khai đỉnh điểm là 1.700 binh lính. Một cuốn sách của Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Hoa Kỳ (US Army Center of Military History) cho rằng tổng số binh lính cộng lại của các đơn vị bộ binh là 7.000 binh lính trong thời gian từ tháng 3 năm 2003 đến tháng 12 năm 2005.

 

Sai lạc – Tuyên bố này chính xác một phần nhưng thông tin đã được trình bày một cách không đúng, bị tách khỏi tình huống hoặc thiếu sót.

 

* AAP FactCheck là thành viên được công nhận của International Fact-Checking Network (Mạng lưới Quốc tế về Kiểm tra Dữ kiện Thực tế). Muốn được cập nhật về những kiểm chứng dữ kiện thực tế mới nhất của chúng tôi, hãy theo chúng tôi trên FacebookTwitter và Instagram.