Cả Libya, Syria, Yemen và Afghanistan, những điểm nóng chiến sự bậc nhất thế giới lại đang sục sôi trở lại bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Thay vì thực hiện những lời kêu gọi “ngừng bắn” của quốc tế, các bên đối địch ở các quốc gia này lại có thêm những bước đi làm phức tạp thêm tình hình, tiềm ẩn những hậu quả thảm khốc về nguy cơ bùng nổ xung đột và giao tranh lớn cũng như sự bùng phát của đại bệnh.

 

 

Khói bốc lên sau 1 cuộc giao tranh tại Idlib, Syria. Ảnh: AFP

 

Tại Libya, Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông Libya (LNA) mới đây đã tuyên bố huỷ bỏ thoả thuận chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ năm 2015 và khẳng định sẽ đứng ra điều hành đất nước do nhận được “sự ủng hộ của nhân dân” .

 

Phát biểu trên truyền hình, Tướng Haftar nhấn mạnh: “Chúng tôi đã hàng động theo nguyện vọng của nhân dân, để từ bỏ thỏa thuận chính trị “đáng ngờ”, vốn đã phá hủy quốc gia này. Theo nguyện vọng của người dân, chúng tôi sẽ lãnh đạo, điều hành quốc gia này. Đây là trách nhiệm và là gánh nặng, song trước Thánh Alla, lương tâm và lịch sử của đất nước, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giảm bớt sự đau khổ của người dân, thực hiện nghĩa vụ của mình trước nhân dân”.

 

Trách nhiệm lãnh đạo và điều hành đất nước Libya về lý phải do chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, đóng tại thủ đô Tripoli, được quốc tế công nhận, nắm giữ. Do đó, bước đi mới nhất của lực lượng miền Đông tiềm ẩn nhiều căng thẳng và có thể là bước đi đầu tiên để lực lượng miền Đông dồn toàn lực quân sự để tấn công Chính phủ đang năm quyền ở Libi.

 

Còn tại Yemen, tình hình chính trị cũng phức tạp khi mới đây, Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam nước này (STC) tuyên bố sẽ thành lập các khu vực tự trị bắt đầu từ đêm 26/4, đồng thời cáo buộc chính phủ Yemen - được quốc tế công nhận, Saudi Arabia hậu thuẫn,  không thực hiện những nghĩa vụ của mình và “âm mưu” gây bất ổn miền Nam. Các lực lượng miền Nam Yemen đã triển khai các lực lượng tới thành phố cảng quan trọng Aden và tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này cũng như các địa phương khác, kiểm soát cảng và sân bay cùng các cơ quan của chính phủ.

 

Chính phủ Yemen đã có phản ứng trước động thái này, cảnh báo bước đi “nguy hiểm” sẽ dẫn tới các hậu quả thảm khốc.

 

Trong khi đó, tại Afghanistan, báo cáo của Liên Hợp Quốc hôm qua (28/4) cho biết, hơn 500 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở nước này trong 3 tháng đầu năm 2020, cho dù đã có thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nhằm mang ổn định và hòa bình tại Afghanistan.

 

Còn tại Syria, khu vực Tây Bắc quốc gia Trung Đông này vẫn là điểm nóng chiến sự bậc nhất trên thế giới khi quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ngừng tăng cường sự hiện diện tại đây trong những tuần gần đây. Một số cuộc đụng độ nhỏ lẻ đã xảy ra bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 quốc gia bảo trợ cho 2 bên đối địch tại Syria. Do đó, giới phân tích nhận định Idlib, Syria vẫn là 1 khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro về xung đột.

 

Trong bối cảnh, các vùng chiến sự đang có dấu hiệu nóng lên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (28/4) cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể bùng phát và tác động nghiêm trọng tới các khu vực này. Theo Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari, “cuộc chiến Covid-19 đã trở nên thách thức hơn với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở nhiều nước như Syria, Libya và Yemen”.

 

Đại diện WHO khẳng định, nhiều năm hỗn loạn và xung đột đã hủy hoại cơ sở hạ tầng y tế ở những nước này, khiến những người dân vốn đã chịu nhiều tổn thương, dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm khi họ phải đương đầu với những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Sẽ thực sự là một thảm họa nhân đạo nếu dịch Covid-19 bùng phát ở các nước này