Quốc kỳ Hà Lan tung bay tại The Hague, Hà Lan, hôm 1/6/2021. (Ảnh: Sem Van Der Wal/ANP/AFP/Getty Images)

 

HÀ LAN - Bộ Ngoại giao Hà Lan hôm 26/10 cho biết, Hà Lan đang điều tra các văn phòng hoạt động 'bất hợp pháp' tại nước này nhân danh chính quyền Trung Quốc.

 

Cuộc điều tra diễn ra sau khi xuất hiện báo cáo của hãng tin RTL Nieuws và trang web Follow The Money rằng, hai văn phòng như vậy đã thực hiện nhiều chức năng, bao gồm cả việc gia hạn bằng lái xe của công dân Trung Quốc từ xa.

 

Theo hãng tin RTL Nieuws, cảnh sát Trung Quốc đã mở ít nhất hai văn phòng kiểu này ở Hà Lan kể từ năm 2018 mà không thông báo cho chính phủ Hà Lan. Điều này là bất hợp pháp. Hơn nữa, có nhiều dấu hiệu cho thấy các văn phòng này được sử dụng để gây áp lực lên những người Hoa ở Hà Lan.

 

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trong một email phản hồi với tờ Reuters rằng, họ "không biết về vấn đề này, cũng như không liên quan đến sự việc này".

Theo tờ Reuters cho hay "Các cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật của Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền tư pháp của các quốc gia khác".

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Lan, Maxime Hovenkamp, cho biết: “Bộ Ngoại giao Hà Lan đang tiến hành điều tra xem chuyện gì đang xảy ra ở các văn phòng đó. Khi đã thu thập đủ thông tin, chính phủ Hà Lan sẽ đưa ra quyết định hành động thích hợp".

 

Bà Hovenkamp nói “Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ thông báo cho Hà Lan về các văn phòng này thông qua các kênh ngoại giao. Điều này là bất hợp pháp”.

 

Hãng tin RTL đã phỏng vấn ông Vương Tĩnh Vũ (Wang Jingyu), một nhà bất đồng chính kiến ​​ở Trung Quốc. Ông Vương cho biết, đại diện từ một văn phòng như vậy ở Rotterdam đã tìm cách gây áp lực buộc ông quay trở lại Trung Quốc. Đây được cho là một phần trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm quấy rối những người bất đồng chính kiến.

 

Một nghiên cứu hồi tháng 9 của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid cho hay, các cơ quan cảnh sát Trung Quốc đã thành lập văn phòng ở 30 quốc gia và đang sử dụng chúng để thúc đẩy các mục tiêu chính trị ở nước ngoài, bao gồm cả “các hoạt động trị an bí mật và bất hợp pháp ở Tây Ban Nha”.

 

Tổ chức Safeguard Defenders đã xác định được 54 đồn cảnh sát ở hơn 30 quốc gia, trong đó có 1 đồn tại New York, 3 đồn tại Toronto, Canada và phần lớn đặt tại châu Âu.

 

Báo cáo (pdf) có tiêu đề “Hệ thống 110 hải ngoại: Chính sách đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc” (110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild), đã xem xét sáng kiến ​​do mười “tỉnh thí điểm” đưa ra lần đầu tiên vào năm 2018. Các hệ thống này còn được gọi là "hệ thống 110 hải ngoại", được đặt theo số điện thoại dịch vụ khẩn cấp của cảnh sát nước này.

 

Một đồn cảnh sát ở thành phố New York nằm trong “đợt đầu tiên” của 30 quốc gia do Cục Công an thành lập tại thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến và nằm ở ven biển phía nam Trung Quốc. Các thành phố khác của Trung Quốc cũng thiết lập các tiền đồn của riêng họ ở nước ngoài.

 

Phát ngôn viên của nhóm Safeguard Defenders, bà Laura Harth cho biết, quan điểm của những trung tâm ngầm như vậy là để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiềm chế những lời chỉ trích trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, “giống như những gì họ đã làm ở quê nhà”.

 

Bắc Kinh tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại hung hăng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Hôm Chủ nhật (16/10), một người biểu tình ở Hong Kong bị một nhóm người kéo vào lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester ở Anh và đánh đập trước khi một sĩ quan cảnh sát kịp tới giải cứu anh này.

(ntdvn.net; Thanh Hải-Theo The Epoch Times)