Bên trong một nhà máy may tại Việt Nam. Getty Images
Giảm ca hay tăng tốc sản xuất? Các nhà xuất cảng Việt Nam đối mặt với tình thế khó xử giữa cơn hỗn loạn quan thuế. Reuters đưa tin.
Một số công nhân nhà máy ở Việt Nam đã được yêu cầu tăng sản lượng hàng hóa cho thị trường Mỹ, trong khi những người khác bị cắt giảm ca làm xuống còn ba ngày một tuần do các đơn hàng từ Mỹ bị hoãn hoặc hủy, một số giám đốc điều hành chia sẻ với Reuters.
Sự phân hóa chiến lược mạnh mẽ này, phần lớn là kết quả của sự thay đổi đơn hàng từ Mỹ, cho thấy phản ứng hỗn loạn của các nhà xuất cảng tại Việt Nam, quốc gia đã bị chính quyền ông Trump áp mức thuế suất 46% trước khi phần lớn các loại thuế này được tạm hoãn trong 90 ngày cho đến tháng Bảy.
Ông Calvin Nguyen, người đứng đầu công ty logistics Việt Nam WeDo Forwarding, cho biết:
"Các nhà máy thay đổi kế hoạch sản xuất và cả hoạt động nhân sự, chia ca làm việc thành Hai-Tư-Sáu và Ba-Năm-Bảy thay vì làm toàn thời gian bởi vì các đơn hàng lớn đang bị tạm dừng."
Ông dẫn chứng ba công ty sản xuất hàng may mặc, giày dép và nông sản đã thay đổi kế hoạch làm việc vì các đơn hàng bị hoãn ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng các biện pháp quan thuế "ăn miếng trả miếng" - thuế đối xứng - vào ngày 9 /4.
Hai cuộc khảo sát doanh nghiệp và ba nguồn tin trong ngành khác đã xác nhận các biện pháp cắt giảm chi phí của các công ty ở Việt Nam và việc các công ty nước ngoài tạm dừng đầu tư.
Việt Nam là một nhà xuất cảng lớn về giày dép và hàng may mặc sang Mỹ - với hàng chục nhà sản xuất cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia lớn như Nike, Adidas và GAP.
Một cuộc khảo sát 183 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam do Phòng Thương mại châu Âu thực hiện từ ngày 4 - 9/4 cho thấy phần lớn đang cân nhắc việc cắt giảm để đối phó với quan thuế, bao gồm giảm lực lượng lao động và thu hẹp quy mô hoạt động.
Hồi tháng Hai, một cuộc khảo sát Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho thấy hầu hết các nhà sản xuất Mỹ đều có khả năng sẽ buộc phải sa thải công nhân nếu chính quyền Trump áp thuế cao đối với Việt Nam - quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất cảng.
Giảm công suất

Trong lĩnh vực điện tử, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất cảng hàng tỷ đô-la của Việt Nam sang Mỹ, hai công nhân cho biết nhà đầu tư hàng đầu Samsung Electronics đã tăng cường sản xuất trong thời gian ngắn trước khi quan thuế có hiệu lực, và hiện đang cân nhắc điều chỉnh sản xuất.
Theo một cuộc khảo sát do chính quyền địa phương thực hiện và đăng tải trực tuyến vào tuần trước trước khi bị xóa, LG Electronics của Hàn Quốc, một nhà sản xuất đồ gia dụng, đã ngưng sản xuất tủ lạnh tại nhà máy ở thành phố Hải Phòng, Reuters đưa tin.
Kết quả khảo sát, vẫn còn hiển thị trên các phương tiện truyền thông địa phương vào hôm 17/4, cũng cho thấy LG đã ngừng đầu tư mở rộng sản xuất lò vi sóng tại nhà máy đó.
Một người phát ngôn của LG Electronics cho biết công ty đang theo dõi tình hình ở Việt Nam và quản lý sản xuất một cách "linh hoạt".
Cuộc khảo sát cho thấy rằng tại khu vực Hải Phòng, công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mức thuế suất có thể lên tới 46% này sẽ là nhà sản xuất điện tử Đài Loan Pegatron. Công ty này đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Tuy nhiên, do quan thuế hiện được tạm hoãn, Pegatron đang tăng cường sản lượng.
Một nguồn tin nhận được chỉ thị từ Pegatron tại Việt Nam, từ chối nêu tên vì thông tin này chưa được công khai, nói với Reuters:
"Trong ba tháng tới, sản lượng hàng hóa xuất cảng sang Mỹ của họ sẽ tăng nhanh chóng."
"Các kho hàng ở Mỹ sẽ đầy ắp sản phẩm trong những tháng tới."
Dù Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm hoãn thuế đối xứng 46% với hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày, thay vào đó là mức 10%, nhưng rủi ro vẫn treo lơ lửng trên đầu quốc gia Đông Nam Á này.
"Kết cục vẫn đang là ẩn số," ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, trả lời BBC hôm 14/4 - thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.
Rủi ro này càng bị khuếch đại sau khi ông Donald Trump bình luận tại Nhà Trắng về chuyến công du của ông Tập tới Việt Nam rằng:
" Tôi không trách Trung Quốc. Tôi cũng không trách Việt Nam. Không hề. Tôi thấy họ đang họp hôm nay. Tuyệt vời phải không? Đó là một cuộc gặp đáng yêu. Một cuộc gặp kiểu như đang tìm cách 'làm thế nào để 'chơi' Hoa Kỳ?' "./.