Getty Images

 

Tác giả, Suranjana Tewari

Vai trò, Phóng viên Kinh doanh Á châu

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thỏa thuận mà ông đạt được với Nhật Bổn là "thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử".

 

Có thể còn quá sớm để đưa ra những tuyên bố như vậy, nhưng đây chắc chắn là thỏa thuận quan trọng nhất kể từ khi ông Trump công bố quan thuế Ngày Giải phóng vào tháng Tư - sự kiện làm chao đảo thị trường chứng khoán và tạo ra sự hỗn loạn cho thương mại toàn cầu.

 

Sau nhiều tháng đàm phán, Thủ tướng Nhật Bổn Shigeru Ishiba cho biết ông kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu.

 

Đây là một tuyên bố đáng chú ý. BBC sẽ phân tích liệu điều đó có đúng không, và nếu có thì như thế nào?

 

 

Công ty Nhật Bổn

 

Nhật Bổn là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đồng nghĩa với việc nước này chiếm một tỷ trọng lớn trong thương mại và tăng trưởng toàn cầu.

 

Tokyo nhập cảng một lượng lớn năng lượng và thực phẩm từ nước ngoài và phụ thuộc vào xuất cảng, trong đó có hàng điện tử, máy móc và xe hơi.

 

Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Nhật Bổn.

 

Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng quan thuế của ông Trump có thể khiến quy mô kinh tế Nhật Bổn giảm đến một điểm phần trăm, đẩy nước này vào suy trầm.

 

Với mức thuế thấp hơn, các công ty xuất cảng sẽ có thể kinh doanh tại Mỹ với chi phí rẻ hơn so với lúc ông Trump giữ nguyên lời đe dọa tăng thuế trước đó.

 

Và thỏa thuận này mang lại sự chắc chắn, giúp các doanh nghiệp lên kế hoạch.

 

Thông báo này cũng giúp đồng yên Nhật mạnh lên so với đô-la Mỹ, mang lại cho các hãng sản xuất sức mua lớn hơn để mua nguyên liệu thô cần thiết để mở rộng kinh doanh.

 

Thỏa thuận với Mỹ đặc biệt có lợi cho các hãng xe hơi lớn của Nhật Bổn như Toyota, Honda và Nissan.

 

Trước đây, các công ty nhập cảng Mỹ phải chịu mức thuế 27,5% khi mua xe từ Nhật Bổn.

 

Mức thuế này hiện đang được giảm xuống còn 15%, có thể khiến xe hơi Nhật Bổn trở nên cạnh tranh hơn về giá so với các đối thủ như Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, giới sản xuất xe hơi Mỹ đã tỏ ra không hài lòng với thỏa thuận này, lo ngại họ phải chịu mức thuế 25% đối với hàng nhập cảng từ các nhà máy và công ty cung cấp của mình ở Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, so với mức thuế 15% của Nhật Bổn.

 

Việc làm và nhiều thỏa thuận hơn

 

Thủ tướng Ishiba cho biết, để đổi lấy việc giảm thuế đối ứng, Nhật Bổn đã đề nghị đầu tư 550 tỷ đô- la vào Mỹ để hỗ trợ các công ty Nhật Bổn "xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt trong các lĩnh vực then chốt như dược phẩm và chất bán dẫn".

 

Nhật Bổn vốn đã là một nhà đầu tư lớn tại Mỹ, nhưng số tiền này sẽ tạo thêm việc làm, sản xuất các sản phẩm chất lượng và thúc đẩy đổi mới.

 

Theo thỏa thuận, ông Trump cho hay Nhật Bổn sẽ tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ như gạo, vốn có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu gạo của nước này - ngay cả khi điều đó có thể khiến nông dân nước này lo ngại mất thị phần.

 

Mức thuế 15% cũng là một chuẩn mực cho các đối tác khác như Nam Hàn và Đài Loan đang đàm phán thương mại riêng với Mỹ.

 

 

 

Tin liên quan:
'Tam quốc cạnh tranh' trong thời đại bất an và chi tiêu quân sự tăng Tại sao chế độ Putin bền bỉ đến vậy? Thủ tướng Singapore trấn an về virus corona WHO cử phái đoàn tới Trung Quốc Các trò chơi video vẽ lên một tương lai ảm đạm sau Brexit Indonesia nhận vận tải cơ C-130H giá rẻ từ Úc