Abdulrazak Gurnah nhận giải Nobel hôm 7/12 tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Anh. Nhà văn gốc Tanzania kể về cách ông cầm bút để trở thành người viết chuyên nghiệp.
Mở đầu bài diễn từ khi nhận giải, Abdulrazak Gurnah khẳng định: “Viết luôn là một vui thú”. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Gurnah đã mong đợi giờ học viết hơn bất cứ môn nào trong thời khóa biểu.
Khi đó, các học sinh trong lớp đều chăm chú cúi xuống bàn, cố lấy ra điều gì từ trí nhớ hoặc tưởng tượng. Họ nỗ lực viết như một bài tập để cải thiện kỹ năng diễn đạt. Gurnah kể lại “Tôi được hướng dẫn cách viết và cảm thấy rất thích thú với bài tập”.
Ông cho rằng cách viết ấy không được định hướng, chỉ đạo mà chỉ đơn thuần là lặp đi lặp lại bài tập một cách bền bỉ. Ông gọi cách viết khi còn trẻ của mình là hồn nhiên: "Trong những nỗ lực tuổi trẻ, tôi đã viết một cách thẳng thắn, có thể nói, không do dự hay chỉnh sửa nhiều".
Nhà văn cũng đọc sách theo cách đó, không có định hướng. Đôi lúc, khi không cần thiết phải dậy sớm để đi học, ông đọc đến khuya, khiến cha phải sang phòng con trai nói tắt đèn.
Nhà văn Abdulrazak Gurnah. Ảnh: Matt Dunham AP.
Sau này, nhà văn viết và đọc có kỷ luật hơn so với thời trẻ. Nhưng dù viết theo cách nào, công việc đó vẫn luôn thú vị với Abdulrazak Gurnah. Ông không bao giờ phải vật lộn hay đấu tranh khi viết.
Khi chuyển đến Anh, trong nỗi nhớ quê hương và giữa những đau khổ của người tha hương, ông bắt đầu suy nghĩ nhiều điều. Để thoát khỏi thời kỳ đói khổ, xa lạ đó, ông bắt đầu viết khác. Ông thấy rõ hơn điều cần phải nói, nhiệm vụ phải hoàn thành, những hối tiếc và bất bình cần được nêu ra, cân nhắc.
Gurnah nghĩ về những điều mình bỏ lại sau chuyến bay liều lĩnh rời khỏi quê nhà. Sự hỗn loạn ập xuống vào thập niên 1960, giam giữ, hành quyết, trục xuất, những cuộc đàn áp…
Tiểu thuyết gia nói “Chỉ trong những năm đầu sống ở Anh, tôi mới có thể suy ngẫm về các vấn đề như vậy, suy nghĩ về sự xấu xa của những gì chúng ta có thể gây ra cho nhau, xem xét lại lời nói dối và ảo tưởng mà chúng ta đã an ủi”.
Ông cũng bị ám ảnh bởi những ký ức khác không liên quan các sự kiện đó: Cái ác, cách mọi người không dám lên tiếng thể hiện mình do những giáo điều của xã hội và giới, sự bất bình đẳng gây ra cảnh nghèo đói và phụ thuộc. Đó là những vấn đề hiện diện trong toàn bộ đời sống con người.
Gurnah kể lại “Cuối cùng, tôi cũng viết về một số suy ngẫm này, chưa theo trật tự hay có cấu trúc, chỉ để giải tỏa bớt phần nào những bối rối và hỗn độn trong tâm trí”.
Abdulrazak Gurnah cũng khám phá về chủ nghĩa thực dân qua trải nghiệm của bản thân, hiểu hơn về thực dân, hậu thuộc địa khi ông đến Anh.
Ở đó, ông được chứng kiến những trò đùa phân biệt chủng tộc trên một số chương trình truyền hình, qua câu chuyện của người ông thấy ở cửa hàng, văn phòng…
Nhà văn nói “Tôi không thể làm gì với sự chào đón đó nhưng cũng giống như đã đọc để hiểu biết sâu sắc hơn, tôi muốn viết để từ chối những bản tóm tắt quá tự phụ của người coi thường chúng tôi”.
Nhưng viết lách với Gurnah không chỉ để chiến đấu và luận chiến.
Nhà văn đoạt giải Nobel 2021 nêu quan điểm “Tôi tin rằng viết cũng phải chỉ ra điều có thể thay đổi, cái mà con mắt độc đoán cứng rắn không thể nhìn thấy, khiến con người có vẻ nhỏ bé cảm thấy tin tưởng vào chính mình bất chấp sự khinh thường của người khác. Vì vậy, tôi thấy cần phải viết về những điều đó một cách trung thực, để cả cái xấu xa và đức hạnh đều hiện lên, con người thoát khỏi sự đơn giản và khuôn mẫu. Khi viết được như thế, cái đẹp mới xuất hiện”.
Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948, lớn lên trên đảo Zanzibar, đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Cho đến khi nghỉ hưu gần đây, ông là giáo sư Tiếng Anh và Văn học hậu thuộc địa tại Đại học Kent, Canterbury.
Abdulrazak Gurnah bắt đầu viết văn khi mới 21 tuổi, đến nay đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn. Người tị nạn là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.
Ngày 7/10, Ủy ban Nobel công bố giải Nobel Văn chương năm 2021 thuộc về Abdulrazak Gurnah “vì sự thâm nhập kiên định và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn bị kẹt trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.