* Giới chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, làm dấy lên lo ngại về các chất thải hạt nhân ở đó. Có tin cho thấy nhân viên Chernobyl đang bị bắt làm con tin. Từ rạng sáng hôm qua theo giờ địa phương, quân đội Nga đã tiến vào Ukraine từ Nga ở phía đông, từ Crimea ở phía nam và Belarus ở phía bắc, với tin đồn cho thấy quân đội Belarus cũng tham chiến. Chính phủ Ukraine nói Nga đã tấn công hơn 200 lượt chỉ trong ngày thứ Năm. Người ta còn nhìn thấy quân đội Nga gần Hostomel, một sân bay gần Kyiv, mặc dù dường như Ukraine đã đẩy lùi cuộc tấn công.

 

* Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nghiêm khắc lên Nga vì “nhất định phải đáp trả động thái xâm lược” của nước này. Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng tài sản của 4 ngân hàng Nga, bao gồm VTB, ngân hàng lớn thứ hai đất nước, và đặt ra nhiều hạn chế nhắm vào giới tinh hoa Nga. Ngoài ra công nghệ cao cũng bị hạn chế xuất khẩu sang Nga. Ông Biden nói cuộc xâm lược phản ánh “tham vọng đế quốc của Putin” và “tầm nhìn xấu xa của ông ta về tương lai của thế giới, một nơi mà các nước dùng vũ lực để đoạt được điều mình muốn.”

 

* Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sẽ cấm Aeroflot, hãng hàng không lớn nhất Nga, bay vào không phận Anh. Cũng như Biden, ông hứa kiểm soát xuất khẩu để chống lại Nga. Trong khi đó EU dự kiến công bố cấm vận vào cuối ngày thứ Năm. Song xem ra các nước phương Tây không thể tách Nga khỏi hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng SWIFT như Ukraine mong muốn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cho biết liên minh sẽ gửi thêm quân đến sườn phía đông giáp Nga và Ukraine, nhưng không có kế hoạch đưa quân vào Ukraine.

 

* Hàng nghìn người đã xuống đường ở một số thành phố Nga để bày tỏ tức giận trước cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin. Liên quan đến việc này, nhóm nhân quyền OVD-Info cho biết hơn 1.700 người đã bị cảnh sát bắt giữ. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chế độ Putin bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny vào năm ngoái. Ông Navalny lên án cuộc chiến, và nói nó “được thiết kế để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các vấn đề của Nga.”

 

* Cuộc xâm lược của Nga khiến giá dầu thô Brent lần đầu tiên tăng vọt lên 100 đô la/thùng kể từ năm 2014. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh trong phiên mở cửa, tương tự như các sàn châu Á và châu Âu. Chỉ số chứng khoán RTS theo đồng đô la của Nga giảm gần 50%, trong khi chỉ số MOEX tính bằng đồng rúp giảm 45%. Mặc dù cả hai chỉ số đều đã lấy lại một nửa giá trị bị mất, chúng vẫn rất biến động. Đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng đô la, còn giá vàng lên cao nhất 17 tháng.

 

* Ông Zelensky ban bố thiết quân luật ở Ukraine nhưng kêu gọi người dân bình tĩnh. Ông cho biết đất nước sẽ cung cấp vũ khí cho bất kỳ ai muốn chiến đấu. Ông cũng chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Trong khi đó, Lithuania gần đó đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khi chính phủ Moldova đã kêu gọi quốc hội làm điều tương tự. Moldova cho biết sẽ đóng cửa không phận từ thứ Năm.

 

* Một số người Ukraine đã di tản để đảm bảo an toàn. Đường cao tốc từ thủ đô Kyiv đến Lviv, một thành phố phía tây giáp Ba Lan, đã bị tắc nghẽn, trong khi giá taxi tăng vọt. Người dân Kyiv được khuyến cáo nên trú ẩn trong các ga tàu điện ngầm dưới lòng đất trong khi thị trưởng thủ đô áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm. Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Đức đều cho biết đang chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn Ukraine.

 

* Con số trong ngày: 43%, là thị phần palladium trên thế giới do Nga nắm giữ vào năm 2020.

 

 

 

TIÊU ĐIỂM

* Nga xâm lược Ukraine

Sau khi tuyên chiến với Ukraine vào đầu giờ thứ Năm, Nga đã bắn phá các sân bay và cơ sở quân sự của Ukraine với hơn 100 tên lửa hành trình và đạn đạo. Trong khi đó, lực lượng mặt đất Nga cũng tiến công từ nhiều hướng. Đòn tấn công sớm nhất đến từ Crimea ở phía nam. Ở phía đông, quân Nga đang bao vây thành phố Kharkiv, nơi giao tranh vẫn tiếp diễn. Cánh quân còn lại tấn công từ Belarus ở phía bắc. Một cuộc tấn công quy mô lớn của trực thăng Nga vào sân bay Hostomel ở ngoại ô thủ đô Kyiv dường như đã thành công, mặc dù Ukraine sau đó phản công. Các quan chức Mỹ nói Nga muốn chiếm Kyiv.

Cuộc chiến không chỉ diễn ra một sớm một chiều. Ukraine dường như đã sử dụng tốt hàng nghìn vũ khí chống tăng do Mỹ và Anh cung cấp trong những tháng gần đây, và tuyên bố đã phá hủy một số xe tăng Nga. Nhưng phía trước còn nhiều ngày giao tranh: Nga chỉ mới triển khai một phần nhỏ lực lượng của họ.

 

* Tác động kinh tế của chiến tranh Nga-Ukraine

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm chấn động nền kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á và châu Âu đồng loạt sụt giảm ngay sau khi mở cửa. Chỉ số RTS tính theo đồng đô la của Nga cũng giảm gần 50%, trước khi phục hồi một phần. Giá dầu cũng lần đầu tiên lên trên 100 USD/thùng kể từ năm 2014, còn giá khí đốt châu Âu tăng 30% vào đầu phiên giao dịch.

Các thị trường thường sẽ vượt qua căng thẳng địa chính trị, song tác động của cuộc khủng hoảng này có thể khác. Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Gián đoạn do xung đột và các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến vũ khí hóa thương mại năng lượng và hàng hóa cơ bản. Các biện pháp trừng phạt sẽ gây thiệt hại cho Nga, nhưng cũng thúc đẩy nước này đi tìm quan hệ tài chính chặt chẽ hơn với các nền kinh tế ngoài phương Tây, đặc biệt là Trung Quốc.

Tác động ngắn hạn sẽ là lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn. Song vẫn chưa rõ tác động dài hạn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và các thị trường tài chính.

 

* Châu Âu họp bàn biện pháp đáp trả Nga

Người châu Âu đứng trước tác động tiêu cực của chiến tranh trên lục địa của mình sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào đầu giờ thứ Năm. Họ cũng đang bắt đầu xem xét những hậu quả tiềm ẩn khi EU áp trừng phạt khắc nghiệt lên Nga. Hiện các lãnh đạo EU đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga và Belarus tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels. Người châu Âu vốn đã chật vật do giá năng lượng tăng, nay các lệnh trừng phạt có thể càng làm cho ngân sách của họ eo hẹp hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đi đầu các nỗ lực ngoại giao của phương Tây nhằm giải quyết khủng hoảng, gọi cuộc xâm lược là một “bước ngoặt trong lịch sử châu Âu”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Nga sẽ “phải trả một cái giá đắt.” Nhưng khi đàm phán kéo dài, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như gặp khó khăn trong việc thống nhất các biện pháp trừng phạt.

 

* Sắp công bố số liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ

Số liệu đo lường lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang cho tháng 1 sẽ được công bố vào thứ Sáu này. Nó sẽ giúp xác định ngân hàng trung ương Mỹ muốn tăng lãi suất đến đâu. Các nhà dự báo cho rằng chỉ số giá của chi tiêu tiêu dùng cá nhân, vốn không tính chi phí thực phẩm và năng lượng đầy biến động, có thể đã tăng 0,5% trong tháng 1 so với tháng 12, tức tiếp tục đà tăng của những tháng trước. Nếu con số lần này cao hơn, Fed có thể sẽ kích hoạt chu kỳ thắt chặt lãi suất bằng việc tăng lãi suất nửa điểm phần trăm trong tháng 3.

Một số lãnh đạo Fed dường như thích cách tiếp cận dần dần hơn, có thể bắt đầu với mức tăng 0.25 trong tháng tới. Các thước đo kỳ vọng lạm phát, vốn dựa trên giá thị trường, cũng đã giảm trong những tuần gần đây. Và với việc Nga xâm lược Ukraine, họ sẽ không muốn gây thêm căng thẳng trên thị trường tài chính.

 

-----

* Nguồn tiếng Anh: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

* Nguồn tiếng Việt:https://nghiencuuquocte.org/2022/02/25/the-gioi-hom-nay-25-02-2022/?fbclid=IwAR0_EHoIQ7cYNjTzdrMnvDA64oFf07U38UCJBA-SXx3MLIzEbFXuRZAaFfY#more-43993