Tính đến 7h ngày 7/6, theo trang thống kê Worldometers, thế giới đã có gần 7 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. 

 

 

 

Ấn Độ đang trở thành tâm dịch mới của châu Á. (Nguồn: Bloomberg)

 

 

 

Cụ thể, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 6.964.651 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 401.582 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 3.403.757 người.

 

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 20.938 ca mắc và 665 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.986.646 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 112.055 trường hợp.

 

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 13.108 ca mắc và 409 ca tử vong, nâng tổng số lên 659.114 ca bệnh và 35.456 ca tử vong.

 

Các nước trong khu vực Mỹ Latin tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Chile ghi nhận 127.745 và 1.541 ca tử vong. Các con số này tại Mexico là 110.026 và 13.170.

 

Nga ghi nhận thêm 8.855 ca mắc và 197 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 458.689 trường hợp, trong đó 5.725 trường hợp tử vong.

 

Dù đại dịch Covid-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại Tây Ban Nha nhưng quốc gia này vẫn ghi nhận thêm 332 ca nhiễm mới, tính đến 7h ngày 7/6. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Tây Ban Nha là 288.390 ca, trong đó đã có 27.135 người tử vong. 

 

Ngày 6/6, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại "đất nước hình chiếc ủng" lên 234.801 trường hợp.

 

Ngoài ra, Italy cũng ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua là 72 ca, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này lên 33.846 trường hợp, trong khi số ca hồi phục là 163.781 ca (tăng 1.297 ca).

 

Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết số ca nhập viện với các triệu chứng tiếp tục giảm với 5.002 ca (giảm 299 trường hợp), trong đó có số ca điều trị tích cực chỉ còn 293 ca (giảm 55 trường hợp).

 

Phát ngôn viên của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, ông Berik Uali đã phải nhập viện sau khi phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

Thông báo trên trang Facebook cá nhân ngày 6/6, ông Uali cho biết thêm sức khỏe của Tổng thống Tokayev không gặp nguy hiểm. Theo ông Uali, Tổng thống Tokayev, 67 tuổi, thường xuyên được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và các biện pháp an toàn bổ sung đã được áp dụng tại Phủ Tổng thống.

 

Ông khẳng định: "Tổng thống Tokayev tiếp tục công việc của mình như dự kiến, sức khỏe của ông không bị đe dọa".

 

Kazakhstan hiện ghi nhận 12.511 trường hợp mắc Covid-19, với 53 ca tử vong. Tháng trước, quốc gia Trung Á này đã bãi bỏ các biện pháp cách ly kéo dài 2 tháng, trong khi vẫn duy trì các quy định giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.

 

Ấn Độ đang là "ổ dịch" lớn nhất châu Á với 246.622 trường hợp nhiễm Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra với 10.438 ca nhiễm bệnh mới được phát hiện trong 24h qua. Quốc gia Nam Á này đã có gần 7.000 người tử vong do Covid-19 với số ca tử vong tăng lên hằng ngày.

 

Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 878 ca mắc mới và 21 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 6/6. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 169.218 trường hợp, trong đó có 4.669 ca tử vong.

 

Trong khi đó, Iran đã vượt Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ổ dịch lớn nhất Trung Đông. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran hiện tại là 169.425 sau khi ghi nhận thêm 2.269 trường hợp. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 8.209 trường hợp.

 

 

 

 

Iran sẽ phải "sống chung" với Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này đang nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. (Nguồn: AFP)

 

 

Ngày 6/6, Ai Cập đã ghi nhận thêm 1.497 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên đến 32.612.

 

Theo Bộ Y tế Ai Cập, tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã lên tới 1.198 người sau khi có thêm 32 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 6/6. Bên cạnh đó, nước này cũng đã có thêm 380 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh và được ra viện, nâng tổng số trường hợp bình phục hoàn toàn lên 8.538 người.

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho hay các cách thức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 mà nước này áp dụng được cập nhật liên tục. Theo bà Zayed, Ai Cập đã loại bỏ việc dùng thuốc Tamiflu khỏi phác đồ điều trị khi loại thuốc này không cho thấy hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine vẫn được duy trì trong quá trình điều trị.

 

Trước đó, người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad cho biết, chính phủ nước này đã bắt đầu mở cửa trở lại một số cơ sở và loại hình dịch vụ. Dự kiến, vào nửa cuối tháng 6 này, nhiều lĩnh vực sẽ trở lại hoạt động bình thường.

 

Kêu gọi EU mở cửa biên giới đồng bộ

 

 

Ngày 6/6, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong đó đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng phối hợp mở lại biên giới, khởi động lại ngành du lịch vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

 

Chia sẻ trên Twitter, Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng: “Việc loại bỏ các hạn chế về biên giới tại EU phải được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp, dựa trên các tiêu chí chung và minh bạch”.  Do đó, Thủ tướng Tây Ban Nha và người đồng cấp Italy đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu để thúc đẩy các nước phối hợp cùng mở lại biên giới theo nguyên tắc an toàn. Hai nhà lãnh đạo cũng muốn loại bỏ ý tưởng rằng vẫn còn một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và minh chứng người dân châu Âu giờ có thể đi du lịch an toàn tại Italy và Tây Ban Nha.

 

Đề xuất khẳng định để khởi động lại một cách hài hòa và hiệu quả, việc loại bỏ các hạn chế đối với biên giới nội khối phải được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp, không phân biệt đối xử, và dựa trên các tiêu chí dịch tễ rõ ràng, minh bạch. Hai nhà lãnh đạo cũng yêu cầu một quy trình phối hợp, dần dần mở cửa trở lại với biên giới ngoài EU.

 

Cùng ngày, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Ljubljana, Slovenia, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio thông báo Slovenia sẽ mở cửa biên giới với Italy từ ngày 15/6, cho rằng quyết định này rất quan trọng với công dân hai nước cũng như việc khởi động lại ngành du lịch, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng.

 

Chuyến thăm Slovenia nằm trong sứ mệnh công du nước ngoài hậu COVID-19 của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italy nhằm giải thích với các đồng nghiệp rằng Italy sẵn sàng tiếp đón du khách nước ngoài từ ngày 15/6 và hành động với sự minh bạch tối đa, đồng thời khẳng định Italy không chấp nhận danh sách đen trong hạn chế mở cửa biên giới nội khối.

 

Italy từ lúc là tâm dịch COVID-19 của châu Âu nhưng nay đã kiểm soát tương đối tốt tình hình. Chỉ số lây nhiễm dịch bệnh tại Italy đã ở mức dưới 1 và Italy không còn trong tình hình nghiêm trọng về dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ngày 6/6 khẳng định các chỉ số cho thấy Italy đang đi đúng hướng, song vẫn cần thận trọng.  

 

Bộ Y tế Italy khẳng định, dựa trên dữ liệu tích cực về dịch COVID-19, các biện pháp phong tỏa đã cho phép kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm như vệ sinh cá nhân và duy trì khoảng cách an toàn để phòng tránh dịch bệnh.

 

Tính tới 6 giờ sáng (GMT+7) ngày 7/6, Italy có 234.801 ca mắc COVID-19, trong đó 33.846 ca tử vong.

 

Số ca nhiễm mới ở Nam Hàn lại vượt ngưỡng 50 

 

Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) ngày 6/6 cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tăng 51 ca, lên 11.719 ca. Tin tích cực là không có thêm ca tử vong nào, trong khi đã có thêm 25 bệnh nhân COVID 19 ở Nam Hàn hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.531 ca.

 

Nam Hàn đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu từ 6/5 vừa qua. Song ngay sau đó, cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Nam Hàn.