Ảnh minh hoạ. (Kateryna Kon/Shutterstock)

 

HOA KỲ - Danh sách các loại thực phẩm mà công nghệ liệu pháp gen mRNA nhắm tới đang ngày càng dài ra, gồm cả tôm, thịt lợn, thịt bò, và nguy cơ vẫn còn hoàn toàn chưa được biết đến.

 

Tôm đã trở thành loại thực phẩm mới nhất được bổ sung vào danh sách đang ngày càng dài ra của các nguồn thực phẩm mà công nghệ gen mRNA đang nhắm đến. Một công ty Israel đang tìm cách đưa vaccine mRNA vào nuôi tôm đã huy động được 8,25 triệu USD từ một nhóm đầu tư mạo hiểm chuyên thúc đẩy việc sử dụng các hạt RNA qua đường thức ăn nhằm cải thiện sức khỏe các loài động vật biển.

 

ViAqua, một công ty công nghệ sinh học, đã tạo ra một sản phẩm vaccine dựa trên nền RNA, sử dụng axit ribonucleic can thiệp (RNAi), để điều khiển biểu hiện gen ở tôm. RNAi là một quá trình sinh học trong đó các phân tử RNA được sử dụng để ức chế sự biểu hiện hoặc dịch mã gen bằng cách trung hòa các phân tử mRNA mục tiêu.

 

Vaccine, được sản xuất dưới dạng thức ăn bổ sung có màng bọc, nhằm tăng khả năng kháng virus gây bệnh đốm trắng (WSSV)—là loại bệnh, mỗi năm gây thiệt hại khoảng 3 tỷ USD và làm giảm 15% sản lượng tôm toàn cầu. ViAqua gợi ý rằng sản phẩm của họ, chứa các phân tử RNA được bọc kín, bổ sung vào các bữa ăn có thể ức chế sự biểu hiện của gen gây bệnh.

 

Theo một nghiên cứu chứng minh tính khả thi năm 2022, vaccine nano có hiệu quả bảo vệ khoảng 80% trong thử nghiệm độc lực gây tử vong bởi virus WSSV, đồng thời cũng thể hiện mức độ an toàn in vivo tuyệt vời. Tuy nhiên, những rủi ro của việc thay đổi biểu hiện gen ở tôm và tác động của việc tiêu thụ tôm đã chủng ngừa bằng vaccine mRNA vẫn còn chưa được biết rõ.

 

Shai Ufaz, Giám đốc điều hành của ViAqua, cho biết trong một tuyên bố: “Cung cấp vaccine qua đường thức ăn là biện pháp lý tưởng để thúc đẩy sức khỏe nuôi trồng thủy sản bởi người ta không thể tiêm vaccine cho từng con tôm đồng thời nó còn làm giảm đáng kể, bền vững chi phí quản lý dịch bệnh mà lại cải thiện được kết quả. Chúng tôi rất vui mừng đưa công nghệ này ra thị trường để giải quyết nhu cầu về các giải pháp phòng bệnh giá cả phải chăng trong nuôi trồng thủy sản”.

 

ViAqua có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại Ấn Độ vào năm 2024, tuyên bố rằng công nghệ của họ có nhiều ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản và còn nhiều nữa.

 

Vaccine mRNA đã được sử dụng cho lợn

Ngành nuôi trồng thủy sản không phải là thị trường duy nhất mà vaccine mRNA nhắm đến. Genvax Technologies, một công ty khởi nghiệp chế tạo vaccine mRNA cho động vật, đã nhận được khoản tài trợ 6,5 triệu đô la vào năm 2022 để phát triển loại mRNA tự nhân lên (saRNA). Công nghệ này cho phép phát triển nhanh loại vaccine đặc hiệu phù hợp với 100% biến chủng đang lưu hành của một nhóm virus ngay tại thời điểm dịch bệnh bùng phát.

 

Công nghệ của Genvax bao gồm việc chèn một gen chuyển cụ thể hoặc “gen được quan tâm” phù hợp với chủng biến thể vào cấu trúc nền của vaccine. Sau đó, saRNA tạo ra phản ứng sinh kháng thể mà không yêu cầu toàn bộ mầm bệnh phải phù hợp với chủng đang lưu hành.

 

Vào tháng 4 năm 2022, Genvax đã nhận được khoản tài trợ trị giá 145.000 USD từ Quỹ Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm để phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phát triển một loại vaccine saRNA cho bệnh cúm lợn châu Phi (ASF). ASF là một loại virus rất dễ lây lan với tỷ lệ tử vong là 100%. Dịch này chưa bao giờ xảy ra ở Hoa Kỳ.

 

Theo một bài báo năm 2022 đăng trên eClinicalMedicine, công nghệ saRNA sử dụng các hạt nano lipid để bao bọc saRNA. Khi được tiêm vào cơ thể dưới dạng vaccine, các hạt nano lipid dễ dàng “đi vào nội bào và giải phóng vào tế bào chất của tế bào đích”. Công nghệ mới này có “tiềm năng đáng kể và chưa được thử nghiệm trước đây” để sử dụng trong dược phẩm và vaccine.

 

Genvax không phải là công ty đầu tiên khai thác công nghệ mRNA trên loài lợn. Merck, vào năm 2018, đã giới thiệu SEQUIVITY, một “nền tảng vaccine cho lợn mang tính cách mạng” sử dụng công nghệ hạt RNA để tạo ra “vaccine kê đơn tùy chỉnh chống lại các chủng virus cúm A ở lợn, circovirus lợn (PCV), rotavirus và nhiều nữa”.

 

SEQUIVITY sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen điện tử để tạo ra các hạt RNA mà khi tiêm vào động vật sẽ hướng dẫn tế bào miễn dịch tổng hợp ra các protein có vai trò kháng nguyên dựa trên trình tự của nó, tương tự như cách vaccine COVID-19 điều khiển cơ thể tạo ra các protein gai. Ý tưởng ở đây là, hệ thống miễn dịch động vật, khi đối kháng với mầm bệnh sống, sẽ nhận diện kháng nguyên và có thể phản ứng lại một cách hiệu quả.

 

Theo hãng dược Merck, công nghệ phân tử RNA của họ cho phép phát triển vaccine cúm lợn tùy chỉnh “an toàn và linh hoạt” chỉ trong vòng 8 đến 12 tuần so với thời gian nhiều năm cần để phát triển các loại vaccine truyền thống.

 

Mặc dù người ta tuyên bố rằng vaccine sử dụng công nghệ RNA là an toàn và hiệu quả, nhưng các nghiên cứu dường như còn khan hiếm và có rất ít hoặc không có nghiên cứu nào đi xác định những tác động lên con người khi tiêu thụ thịt lợn từ lợn đã tiêm vaccine.

 

 

Vaccine mRNA cho gia súc khiến các nhà sản xuất lo ngại

Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Thịt bò Quốc gia, vaccine mRNA hiện không được cấp phép sử dụng cho bò thịt của Hoa Kỳ. Các loại vaccine hiện đang được phát triển để điều trị và ngăn ngừa bệnh tật ở gia súc, thịt từ những gia súc đó sẽ có thể được đưa tới bữa ăn của các gia đình.

 

Quỹ Hành động Pháp lý Thống nhất của những Nhà chăn nuôi và sản xuất thịt gia súc Hoa kỳ (R-CALF USA), một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia với hơn 5.000 thành viên chuyên đảm bảo khả năng tồn tại và lợi nhuận liên tục cho ngành chăn nuôi gia súc Hoa Kỳ, đã đề cao lo ngại về việc sử dụng vaccine mRNA trên gia súc.

 

Vào tháng Tư, R-CALF USA đã gặp gỡ các bác sĩ và một nhà sinh học phân tử về tình trạng tiêm mRNA trong chuỗi cung ứng protein toàn cầu. Bác sĩ thú y Max Thornsberry cho biết rằng một số nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng mRNA và virus được mã hóa của nó có thể truyền sang người tiêu dùng qua các sản phẩm sữa hoặc thịt từ động vật đã tiêm mRNA.

 

Ông Thornsberry nêu lên mối lo ngại về những tác động lâu dài chưa được biết đến khi tiêu thụ thịt từ động vật tiêm vaccine mRNA và kêu gọi cần phải có nghiên cứu sâu rộng hơn. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn chưa phê duyệt một lọaị vaccine mRNA nào để sử dụng cho gia súc nhưng lại đang tăng cường nhập khẩu thịt bò từ các quốc gia đã tiêm hoặc có kế hoạch sẽ tiêm vaccine mRNA cho gia súc.

 

Ông nói: “Điều này chỉ ra nhu cầu cấp thiết về MCOOL (ghi nhãn xuất xứ bắt buộc). Người tiêu dùng xứng đáng có quyền lựa chọn có nên tiêu thụ thịt bò từ quốc gia tiêm mRNA cho gia súc hay không và cách duy nhất để họ có thể lựa chọn là Quốc hội thông qua MCOOL cho thịt bò”.

 

R-CALF USA có kế hoạch xây dựng một chính sách định hướng cho toàn tổ chức tại cuộc họp sắp tới nhưng vẫn “mạnh mẽ củng cố nhu cầu phải bắt buộc ghi nhãn xuất xứ” đối với thịt bò.

 

Trong một bài bình luận (op-ed) đăng trên trang web của Quỹ, Giám đốc điều hành R-CALF USA Bill Bullard cho biết tổ chức này đã bị tấn công vì quan điểm của mình và bị các ấn phẩm do ngành dược phẩm chống lưng cáo buộc là "gây sợ hãi và thông tin sai lệch".

 

Ông Bullard cho biết: “Các nhà nghiên cứu của Đại học Bang Iowa đã đệ trình một dự án nghiên cứu kéo dài nhiều năm lên Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để thử nghiệm vaccine mRNA ngăn ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) ở bò”.

“Theo bản đệ trình, các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch thử nghiệm mRNA trên gia súc trong năm thứ hai của dự án với thời hạn hoàn thành là năm 2026. Sẽ là ngây thơ nếu không giả định rằng một dự án nghiên cứu như vậy chính là nỗ lực để giành được sự cho phép sử dụng vaccine mRNA trên Gia súc của Hoa Kỳ.”

 

Ông Bullard khuyên mọi người “đừng đơn thuần tin tưởng vào các công ty dược phẩm và chính phủ” và cho biết tổ chức của ông “dự định tiếp tục tìm hiểu sự thật qua việc công bố những phát hiện khoa học khác nhau, tìm kiếm thêm nghiên cứu về tác động lâu dài của mRNA tiêm cho gia súc, và yêu cầu các công ty dược phẩm và chính phủ phải minh bạch hơn".

 

Một số tiểu bang đã soạn thảo hoặc đề xuất luật yêu cầu dán nhãn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật tiêm vaccine mRNA, bao gồm Tennessee, Idaho, Arizona, Texas và Missouri.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net ; Quân Dương biên dịch)

 

 

Tác giả: Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là một nhà trị liệu bằng phương pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể lực.