Tân thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng các thành viên đảng Pheu Thai ở Bangkok, Thái Lan, ngày 16/08/2024. AP - Wason Wanichakorn
Hôm ngày 16/08/2024, Quốc Hội Lưỡng Viện Thái Lan (National Assembly of Thailand) đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm thủ tướng mới, thay thế cho ông Sretta Thavisin, buộc phải từ chức theo một phán quyết của Tòa án Bảo hiến. Vị thủ tướng 37 tuổi, trẻ tuổi nhất trong lịch sử Thái Lan, không ai khác hơn chính là con gái của cựu thủ tướng tỉ phú Thaksin Shinawatra, 75 tuổi, một trong những thủ tướng được lòng dân nhất trong lịch sử Thái Lan, bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006.
Bà Paetongtarn trở thành thủ tướng với tư cách chủ tịch đảng Pheu Thai, đảng do ông Thaksin hậu thuẫn. Tuy nhiên, sự trở lại nắm quyền của gia tộc Thaksin được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các thế lực bảo hoàng.
Quốc Hội Thái Lan với đa số áp đảo 319 phiếu thuận , 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng, đã bầu bà Paetongtarn làm người đứng đầu chính phủ, thay thế cho cựu thủ tướng Thavisin, vốn là cựu luật sư của Thaksin. Ông Thavisin được liên minh 11 đảng, với đảng Pheu Thai đông dân biểu biểu thứ hai trong Quốc Hội làm nòng cốt, bầu làm thủ tướng sau cuộc bầu cử hồi mùa hè năm ngoái. Trong liên minh nói trên có một số đảng phái bảo hoàng, thân tập đoàn quân sự.
Việc ông Thavisin trở thành thủ tướng đã là một giải pháp thỏa hiệp giữa phe của Thaksin với phe bảo hoàng, cho phép cựu thủ tướng trở về nước sau gần 20 năm sống lưu vong. Án tù khiếm diện 8 năm đối với ông được chuyển thành án tù một năm.
Theo giới quan sát, cách nay một năm, bà Paetongtarn Shinawatra được coi là quá ít kinh nghiệm để lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, một năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi. Chính trường Thái Lan đang trong giai đoạn biến động lớn. Move Forward, đảng được lòng dân nhất, đứng đầu về số dân biểu tại Quốc Hội Thái Lan, bị buộc phải giải tán, do bị cáo buộc tấn công vào hoàng gia, vi phạm ‘‘luật khi quân’’. Bộ luật khắc nghiệt này được coi là công cụ để phe bảo hoàng trừng phạt các phe đối địch.
Con gái út của cựu thủ tướng Thaksin giờ đây lên tuyến đầu. Theo một số người am hiểu về tình hình chính trị Thái Lan, việc bà Paetongtarn trở thành thủ tướng sẽ cho phép ông Thaksin gián tiếp định hướng các chính sách của chính phủ Thái Lan. Bản thân nữ thủ tướng tương lai từng thừa nhận sẽ bù lấp phần kinh nghiệm thiếu hụt ‘‘với sự hỗ trợ của cha, luôn sẵn sàng tư vấn’’ bà.
Paetongtarn là người gắn bó với sự nghiệp chính trị của cha từ nhỏ. Theo tạp chí Anh Time, năm lên tám tuổi, cô đã theo chân cha trong các hoạt động của chính phủ khi ông là ngoại trưởng. Năm 20 tuổi, cô từng chứng kiến xe tăng tuần tra trên đường phố Bangkok khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ Thaksin. Hai năm sau, cô chứng kiến cảnh cha mình phải rời bỏ quê hương, để tránh bị kết tội ‘‘tham nhũng’’, điều mà ông tố cáo là do ‘‘động cơ chính trị’’.
Paetongtarn bắt đầu sự nghiệp chính trị khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021, với tư cách là giám đốc một ủy ban mang tên ‘‘đổi mới và hòa nhập’’ của đảng này. Hầu hết kinh nghiệm chuyên môn của Paetongtarn từ năm 2011 cho đến khi tham gia chính trường đều liên quan đến đế chế thương mại của gia tộc Shinawatra, bao gồm lĩnh vực sân golf và các ngành bất động sản, khách sạn và viễn thông. Bà là giám đốc điều hành của doanh nghiệp khách sạn Rende Development Co., của chị gái Pintongta Shinawatra Kunakornwong. Hiện tại, Paetongtarn cũng là cổ đông lớn nhất của công ty bất động sản SC Asset Corp. Pcl, với 28,5% cổ phần trị giá khoảng 5,2 tỷ baht (152 triệu đô la), theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.
Từ hai thập niên nay, gia tộc Shinawatra vẫn bị coi là mối đe dọa đối với giới thượng lưu bảo hoàng, kiểm soát nhiều tổ chức và doanh nghiệp quyền lực nhất đất nước. Hai năm trước đây, khi điều hành chiến dịch tranh cử Quốc Hội của đảng Pheu Thai, và là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức thủ tướng, Paetongtarn đã cam kết sẽ chấm dứt ‘‘một chu kỳ đảo chính’’ chống lại gia tộc của bà. Ngoài thủ tướng Thaksin bị đảo chính năm 2006, chính phủ của em gái ông Thaksin, bà Yingluck, cầm quyền từ năm 2011 đến 2014, cũng bị đảo chính.
Các chờ đợi của người dân đối với tân chính phủ do con gái của cựu thủ tướng Thaksin lãnh đạo là rất lớn. Kể từ năm 2001, đảng do ông Thaksin trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành đều giành chiến thắng trong ‘‘tất cả các cuộc bầu cử dân chủ’’. Chính phủ đầu tiên do ông Thaksin lãnh đạo đã từng mang lại ‘‘những tiến bộ xã hội lớn’’ tại một đất nước bất bình đẳng rất cao. Chính phủ Thaksin từng thiết lập chế độ bảo hiểm y tế cho tất cả những người có thu nhập thấp nhất. Cam kết tranh cử của đảng Pheu Thai hồi 2023 là sẽ cấp cho tất cả người dân Thái có thu nhập thấp khoản tiền 10.000 bath (tương đương 385 euro), thông qua ‘‘ví điện tử’’ ngay trong năm cầm quyền đầu tiên. Biện pháp cho đến nay vẫn chưa được liên minh cầm quyền, mà đảng Pheu Thai là nòng cốt, áp dụng.
Cho dù bà Paetongtarn có trở thành thủ tướng Thái Lan, chính phủ của con gái cựu thủ tướng Thaksin cũng khó mà rộng tay hành động. Trả lời AFP, nhà chính trị học Yuttaporn Issrachai nhận định, bất luận thế nào tân chính phủ ‘‘cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng của phe bảo thủ và giới quân sự’’. Bản thân ông Thaksin, sau khi được trả tự do có điều kiện từ tháng 2/2024, tiếp tục phải đối mặt với một vụ án mới. Ngày 18/06/2024, cựu thủ tướng Thaksin lại bị khởi tố về ‘‘tội khi quân’’, một cáo buộc mà giới tướng lĩnh từng đưa ra hồi năm 2015.
Trên thực tế, hiện tại người dân Thái Lan không mấy hy vọng vào chính phủ của nữ thủ tướng Paetongtarn. Chỉ có 5% cử tri ủng hộ bà, theo một thăm dò dư luận của viện Nida, hồi tháng Sáu, trong lúc 45% dân chúng muốn ông Pita Limjaorenrat, cựu lãnh đạo đảng Move Forward bị giải thể, lãnh đạo đất nước.
(Theo RFI Việt ngữ)