Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer tại trụ sở của một cơ quan chỉ huy chiến lược của Anh Quốc, ở phía tây bắc Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 10/07/2025. © Ludovic Marin / via Reuters
Thủ tướng Anh Keir Starmer và tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua, 10/07/2025, đã đồng chủ trì một cuộc họp trực tuyến từ trung tâm chỉ huy của NATO ở Northwood, phía tây bắc Luân Đôn, với sự tham gia của “liên minh các quốc gia tình nguyện vì Ukraine”. Tại đây, ông Macron khẳng định kế hoạch khai triển lực lượng liên minh vì Ukraine đã sẵn sàng, đồng thời kêu gọi gia tăng áp lực lên Nga.
Phát biểu trong cuộc họp, nguyên thủ Pháp tuyên bố : “Chúng tôi đã có một kế hoạch sẵn sàng để khai triển lực lượng và có thể được thực hiện trong vòng vài giờ ngay sau khi (hai bên ký kết) thỏa ngừng bắn.” Thủ tướng Keir Starmer thì khẳng định “các kế hoạch đều được đặt trong một tầm nhìn dài hạn” và liên minh hiện có “một tổng hành dinh mới tại Paris, đã đi vào hoạt động, và đang hoàn thiện các cấu trúc chỉ huy và kiểm soát,” phối hợp chặt chẽ với Kyiv. Tổng hành dinh sẽ được chuyển về Luân Đôn sau 12 tháng.
Hãng tin AFP nhắc lại, vào hôm thứ Tư, Luân Đôn và Paris đã tuyên bố sẽ xử dụng lực lượng viễn chinh liên hợp Pháp - Anh (CJEF) hiện có, như là “nền tảng” cho một lực lượng tương lai được khai triển dưới sự bảo trợ của “liên minh các quốc gia tự nguyện”. Lực lượng này sẽ nhằm mục tiêu “tái thiết lực lượng lục quân” của Ukraine, “bảo vệ không phận Ukraine” và “bảo đảm an ninh hàng hải”.
Tổng thống Macron cho biết lực lượng này sẽ được tăng lên "tối đa 50.000 quân", tức là gấp năm lần so với quy mô hiện tại, nhằm đáp ứng khả năng tham gia "vào một cuộc giao tranh lớn" và có thể được " khai triển cho NATO". Theo ông Macron, lực lượng Pháp-Anh sẽ "mang lại uy tín và sức mạnh cho trụ cột Âu châu này của NATO ở cấp độ hoạt động và cũng mang lại uy tín cho tự chủ chiến lược" của Âu châu.
Kyiv sẵn sàng hợp tác với Liên Âu để mua thiết bị quốc phòng của Mỹ
Hôm nay, 11/07/2025, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, cho biết Kyiv sẵn sàng hợp tác với Âu châu để mua "các thiết bị quốc phòng quan trọng của Mỹ nhằm bảo vệ tính mạng con người". Tuyên bố được ông Zelenskyy đưa ra trên mạng Telegram sau cuộc họp với các thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Năm và thứ Sáu. Ông cũng nhắc lại ưu tiên hiện tại của Ukraine là tăng cường hệ thống phòng không, bao gồm cả việc đầu tư vào drone đánh chặn và cho biết đã thảo luận với Washington về các dự án sản xuất võ khí chung.
Trump: Mỹ sẽ chuyển võ khí cho Ukraine, NATO chi trả « 100% »
Theo CNN, trả lời phỏng vấn đài NBC hôm qua tổng thống Donald Trump thông báo đã đạt được thỏa thuận với NATO và « đang chuyển võ khí cho Ukraine thông qua Liên minh Bắc Đại Tây Dương». NATO sẽ trả « 100% tiền mua những võ khí đó ». Theo ông Trump, các hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot nằm trong số võ khí được chuyển giao cho Kyiv.
Trả lời báo giới tại Kuala Lumpur, Mã Lai Á, sau cuộc gặp với đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov vào hôm qua, ngoại trưởng Marco Rubio cho biết Mỹ đang tích cực đàm phán với các đối tác Âu châu về việc chia sẻ các hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot với Ukraine.
Reuters dẫn lại hai nguồn tin nắm rõ hồ sơ này cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Donald Trump sẽ gửi võ khí cho Kyiv trong khuôn khổ Quyền viện trợ võ khí đặc biệt của tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA), quyền mà tổng thống tiền nhiệm Joe Biden thường xử dụng. Vẫn theo nguồn tin của Reuters, đợt viện trợ mới này có thể có tổng trị giá 300 triệu đô-la.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC hôm qua, ông Trump tỏ ra « rất thất vọng » về Moscow và cho biết vào thứ Hai tới, 14/07, sẽ đưa ra một « tuyên bố quan trọng » về Nga, nhưng không nêu chi tiết.
Tái thiết Ukraine: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tuyến đầu
Hội nghị Tái thiết Ukraine hôm nay, 11/07/2025, bước sang ngày thứ hai tại Rome. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula Von Der Leyen, thông báo thành lập Quỹ Đặc biệt Âu Châu. Mục tiêu là huy động đến 10 tỷ euro đầu tư từ cả khu vực công lẫn tư nhân nhằm xây nhà ở và bệnh viện, cũng như mở lại doanh nghiệp Ukraine và bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng.
Nhiều tập đoàn cùng các công ty vừa và nhỏ cũng đã bắt tay vào việc, chứng tỏ việc tái thiết Ukraine không phải là điều viễn vông cho dù các cuộc tấn công của Nga tiếp diễn hàng ngày.
Thông tín viên Anne Le Nir tại Rome tường thuật:
« Diễn đàn các doanh nghiệp, tọa lạc ở tầng trệt của La Nuvola, trung tâm hội nghị lớn nhất Rome, là một không gian được dành cho các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức. Đối với Silvia Botti, thành viên công ty kiến trúc và kỹ thuật One Works ở Milan, cơ quan điều phối các dự án để tái thiết Mykolaiv, thành phố cảng và công nghiệp miền nam Ukraine, thì việc tham dự vào diễn đàn này trước hết cho phép xây dựng các mối quan hệ bền vững.”
"Tình hình hiện nay còn rất hỗn loạn ở Ukraine, nhưng chúng ta nên chuẩn bị kịp thời, bởi vì đến khi chiến tranh kết thúc, những người đến đầu tiên sẽ có thể làm những gì họ muốn. Mặt khác, việc tạo dựng các mối quan hệ cần thiết với thực tế địa phương giúp bảo đảm có được những cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp của mình."
Massimo Biei, thuộc doanh nghiệp Merlo, chuyên sản xuất xe nâng đa năng dùng trong nông nghiệp và xây dựng, có cùng quan điểm, cho biết: "Hãng Merlo muốn làm quen với nhiều tác nhân mới ở đây và do vậy, sẽ tiếp tục ở trên tuyến đầu. Chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ người dân Ukraine trong cuộc sống mới."
Xin nhắc lại là trên phương diện kinh tế, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ukraine là công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. »
Theo các ước tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc tái thiết Ukraine có thể tốn hơn 500 tỷ euro trong vòng 10 năm.
(Theo RFI)