Những người đàn ông Trung Quốc kéo xe ba bánh trong khu phố bên cạnh một nhà máy nhiệt điện tại Sơn Tây, Trung Quốc, ngày 26/11/2015. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

 

 

QUỐC TẾ - Trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine leo thang, thế giới chạy theo mục tiêu giảm thải carbon và đánh thuế vào các sản phẩm năng lượng hoá thạch, cuộc khủng hoảng năng lượng hoá thạch cũng leo thang. Là quốc gia có nhu cầu cao nhất về năng lượng hoá thạch - 70% điện năng được tạo ra từ than, trong khi giá than liên tiếp tăng theo chiều thẳng đứng, Trung Quốc khốn đốn. Quốc gia này tăng cường khai thác than trở lại sau thời gian dài đóng cửa các khu mỏ. Có vẻ như cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến Trung Quốc lờ đi các cam kết này.

 

Giá than đá mặc dù đã giảm tới 6,16% trong tháng qua do Trung Quốc tăng cường sản lượng khai thác mỏ nội địa; nhưng tính cả năm, giá thang tăng 227,61% trong năm qua. Than đã trở thành mặt hàng tăng cao thứ hai, chỉ sau giá khí đốt - hiện đang là 229%, trong số các hàng hoá năng lượng.

 

 

Khủng hoảng năng lượng trầm trọng, Trung Quốc tăng cường khai thác than nội địa

Theo nguồn dữ liệu từ Trading Economics, sản lượng than khai thác ở Trung Quốc tăng 15% so với năm trước; đây là mức kỷ lục trong sản lượng khai thác than tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Sản lượng khai thác than của Trung Quốc đạt 396 triệu tấn vào tháng 3/2022, sản lượng khai thác than hàng ngày đạt kỷ lục sau cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có vào mùa thu năm 2021 khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

 

Khi đó, Trung Quốc tuyên bố rằng họ làm như vậy để giảm thải carbon như đã cam kết với thế giới. Nhưng rõ ràng, những gì Trung

 

Quốc tuyên bố luôn là các giải thích không đáng tin cậy. Lý do có thể đơn giản hơn nhiều, cuộc khủng hoảng năng lượng và leo thang căng thẳng ngoại giao, ngoại thương với Úc đã đổ thêm dầu vào lửa khiến quốc gia này thiếu điện trầm trọng.

 

Tuy nhiên, 8 tỉnh ven biển vẫn được dự báo là sẽ tiếp tục thiếu điện do thiếu than. Các nhà máy thiếu năng lượng để làm mát máy công nghiệp. Điều này có thể khiến Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng vì khủng hoảng năng lượng chưa được giải quyết triệt để. Lượng than nhập khẩu vào Trung Quốc giảm tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi gián đoạn logistics làm cản trở công tác giao hàng.

Giá than đá tăng theo chiều thẳng đứng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc. Nước này buộc phải quay trở lại khai thác than, lờ đi các cam kết về giảm phát thải carbon. (Nguồn: Trading Economics)

 

 

Cuộc chiến tranh của Nga nhắm vào Ukraine đã thúc đẩy giá than cao kỷ lục, lên tới 430 USD/tấn vào tháng 3/2022. Các quốc gia muốn trừng phạt Nga đã phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Thêm vào đó, sự phục hồi kinh tế, cầu tiêu dùng sau đại dịch làm tăng thêm nhu cầu với nguyên liệu hoá thạch. Liên minh Châu Âu chưa dám ngay lập tức ngừng nhập khẩu than từ Nga dù nước này đã khởi động chiến tranh được 2 tháng; lệnh cấm của họ có hiệu lực từ tháng 8/2022 trở đi.

 

Trung Quốc không còn đề cập đến giảm thải carbon

Trung Quốc cũng đang tận dụng cơ hội để điều chỉnh chính sách năng lượng và tăng sản lượng cũng như dự trữ các nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như than đá. Các hướng dẫn chính thức được công bố gần đây của nước này không còn đề cập đến các cam kết cắt giảm carbon đối với cộng đồng quốc tế nữa.

 

Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Lượng khí thải carbon dioxide năm 2021 của nước này đã vượt quá 11,9 tỷ tấn, chiếm gần 33% tổng lượng khí thải của thế giới, vượt xa tỷ lệ dân số Trung Quốc vốn chiếm khoảng 20% thế giới.

 

Ngày 29/3, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) đã ban hành “Ý kiến chỉ đạo về hoạt động năng lượng vào năm 2022” với ưu tiên hàng đầu trong năm nay là “đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn và ổn định” thông qua việc tăng mục tiêu sản xuất than, dầu và khí tự nhiên.

 

So với năm 2021, sản lượng than định mức của Trung Quốc sẽ tăng 210 triệu tấn trong năm nay, sản lượng dầu thô tăng nhẹ 4 triệu tấn và khí đốt tự nhiên tăng 11,5 tỷ m3.

 

Tài liệu của NEA cho biết để tăng cường “khả năng bảo vệ đến cùng” của than và điện than, nên mở thêm nhiều mỏ than để tăng sản lượng than.

 

Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 4,41 tỷ tấn than, và mức tăng 210 triệu tấn trong năm nay đưa mức tăng lên 4,8%. Đồng thời, nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng hơn 320 triệu tấn vào năm ngoái, tăng 6,6% so với năm 2020, bất chấp việc ĐCSTQ đã giảm nhập khẩu than của Úc vào năm ngoái.

 

Tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc chủ yếu là than đá, “năng lượng bẩn nhất”. Sản xuất nhiệt điện than chiếm gần 70% tổng sản lượng điện của Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, trong đó Nga là một trong những nhà cung cấp chính.

 

Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã tăng liên tục trong 10 năm qua với mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái là 19,9%. Khối lượng nhập khẩu vượt quá 150 tỷ m3, tăng gấp 8 lần so với năm 2010 và sự phụ thuộc khí tự nhiên của Trung Quốc vào nước ngoài đã tăng lên 45,8%.

 

Hơn nữa, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai. Trong 20 năm sau 2001, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng lên hàng năm và sự phụ thuộc vào nhập khẩu của nước này cũng tiếp tục gia tăng. Năm 2021, sự phụ thuộc vào dầu thô từ nước ngoài sẽ tăng lên 72%.

 

Giảm phát thải carbon: chưa bao giờ Trung Quốc giữ lời

Tài liệu mới nhất của NEA của Trung Quốc không đề cập đến các cam kết giảm phát thải carbon trước đây của nước này đối với cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, tài liệu nói rằng Trung Quốc muốn tăng cường sản xuất các nguồn năng lượng hóa thạch có hàm lượng carbon cao như than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và carbon thấp”.

 

Mặc dù trước đó Trung Quốc đã nhiều lần phát đi tín hiệu rằng họ muốn nới lỏng các mục tiêu giảm thiểu carbon, nhưng chưa bao giờ nước này lại đưa ra các mục tiêu chi tiết rõ ràng như trong chính sách mới nhất này.

 

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái, các nhà chức trách Trung Quốc đã vượt ra ngoài cam kết của họ về mức đạt đỉnh carbon (giảm dần lượng khí thải carbon xuống mức cao nhất vào năm 2030) và các mục tiêu về tính trung lập carbon (lượng khí thải carbon ròng đạt mức 0 vào năm 2060), cũng như cam kết của nước này đối với giảm cường độ năng lượng (năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP).

 

Những mục tiêu này cũng được liệt kê trong kế hoạch 5 năm mới nhất của chính quyền Trung Quốc (2021-2025), hứa hẹn giảm tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP và lượng khí thải carbon lần lượt là 13,5% và 18% vào năm 2025.

 

Nhưng sau một chiến dịch của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản nhằm buộc một số tỉnh thực hiện kiểm soát tổng mức tiêu thụ năng lượng và cường độ vào tháng 9 năm ngoái dẫn đến việc cắt điện trên diện rộng và ngừng sản xuất trên toàn quốc, chính quyền đã nhanh chóng đảo ngược các hạn chế trước đây đối với ngành điện than và cho phép các mỏ than trước đây đã bị đóng cửa sản xuất trở lại. Vào tháng 1 và tháng 2 năm nay, họ đã phê duyệt thêm một loạt mỏ than mới để bắt đầu hoạt động, tăng sản lượng than lên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tuy nhiên, tại cuộc họp cấp cao nhất của Đảng ngày 24/1, các nhà chức trách đã thay đổi một số chính sách giảm phát thải carbon, mở đường cho việc quay trở lại sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá.

 

Tại hội nghị khí hậu COP26 của Liên hợp quốc vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đạt được một thỏa thuận hiếm hoi với Hoa Kỳ là "giảm dần" tiêu thụ than sau năm 2025, thay vì "loại bỏ" mà nước này đang thúc đẩy vào thời điểm đó và thỏa thuận đã được thông qua bằng công ước vào phút cuối.

 

(ntdvn.net -  Theo The Epoch Times)