Ảnh chụp màn hình video Reuters

 

 

 

 

Theo thông báo hôm thứ Sáu (18/9) của Bộ Thương mại Mỹ, kể từ ngày 20/9, người dùng sẽ không thể sử dụng WeChat hoặc tải xuống ứng dụng TikTok. Động thái này được thúc đẩy bởi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump ban hành hồi tháng 8, nhấn mạnh rằng ứng dụng phổ biến này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và quyền riêng tư của dữ liệu người dùng Mỹ.

 

 

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sáng thứ Sáu đã viết trong một thông cáo báo chí đăng trên trang web của bộ rằng ông sẽ cấm hoàn toàn ứng dụng nhắn tin WeChat, đồng thời chặn tải xuống và cập nhật mới cho ứng dụng chia sẻ video TikTok. Lệnh cấm có hiệu lực vào Chủ nhật (20/9).

 

 

Một lệnh cấm mở rộng đối với TikTok đã được trì hoãn cho đến ngày 12/11, trong khi việc bán lại các hoạt động kinh doanh của nó ở Hoa Kỳ vẫn đang trong quá trình thực hiện.

 

Lập luận chính trong các quyết định của chính quyền Tổng thống Trump là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chứng tỏ rằng họ sử dụng các ứng dụng này để đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ.

 

 

Theo tuyên bố của Bộ Thương mại, các lệnh cấm đã công bố nhằm mục đích loại bỏ quyền truy cập vào các ứng dụng này bằng cách giảm đáng kể chức năng của chúng với mục đích duy nhất là bảo vệ người dùng và công dân Mỹ.

 

 

Bộ trưởng Ross viết: 

“Các hành động hôm nay một lần nữa chứng minh rằng, Tổng thống Trump sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo an ninh quốc gia của chúng ta và bảo vệ người Mỹ khỏi các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

 

 

Theo quy định do Bộ Thương mại Mỹ công bố, kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2020, các giao dịch sau sẽ bị cấm:

  1. Bất kỳ cung cấp dịch vụ nào để phân phối hoặc duy trì các ứng dụng WeChat hay TikTok trên điện thoại  thông qua một kho ứng dụng di động trực tuyến tại Mỹ (Google Play, App Store, Amazon Appstore,…  – PV)
  2. Bất kỳ cung cấp dịch vụ nào thông qua ứng dụng di động WeChat nhằm mục đích chuyển khoản hoặc xử lý thanh toán trong phạm vi Hoa Kỳ.

 

 

Tổng thống Donald Trump đã ban hành hai lệnh hành pháp vào tháng 8 nhằm cấm các giao dịch thương mại với TikTok và WeChat. Với thông báo gần đây của Bộ Thương mại, hạn chót để ByteDance có thể thương lượng bán lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ cho một doanh nghiệp nội địa Mỹ đã được kéo dài đến ngày 12/11.

 

 

Theo hãng tin AP, TikTok đã chọn Oracle là đối tác công nghệ tại Mỹ và chấp nhận đề nghị mua của họ.

 

 

Giống như hầu hết các trang mạng xã hội khác, TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, có thể thu thập dữ liệu người dùng và kiểm duyệt nội dung theo sở thích và ý muốn của họ. Ứng dụng này sẽ thu thập dữ liệu vị trí, tin nhắn từ người dùng và theo dõi những gì người dùng quan sát để cung cấp những quảng cáo tùy chỉnh tốt nhất cho cá nhân. 

 

 

Trong khi các ứng dụng phổ biến khác như Facebook và Twitter cũng có cách thức hoạt động tương tự, trường hợp của TikTok lại khá đặc thù, bởi công ty mẹ Bytedance đặt trụ sở ở Trung Quốc. Do đó, theo luật nó có thể bị buộc phải hợp tác với ĐCSTQ, ví như giao nộp thông tin dữ liệu người dùng. Đây là chính sách khá đặc thù ở đại lục, và không có phiên bản nào tương tự ở Mỹ.

Theo the BL
Quý Khải & Đại Nghĩa biên dịch

(DKN.TV)