Phim Mulan (Hoa Mộc Lan), phiên bản người diễn, đang đối mặt với làn sóng tẩy chay #boycottMulan sau khi diễn viên thủ vai chính trong bộ phim lên tiếng ủng hộ Cảnh sát Hong Kong. Nguồn: Disney/AP
Năm ngoái, sau khi nữ diễn viên Lưu Diệc Phi lên tiếng ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đàn áp người biểu tình, bộ phim Mulan của hãng Disney đã bị kêu gọi tẩy chay dữ dội. Và năm nay, bộ phim này vừa ra mắt đã gặp phải một làn sóng tẩy chay mới vì đã đặc biệt cảm ơn chính quyền Tân Cương, nơi liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Bộ phim Mulan (Hoa Mộc Lan), phiên bản người diễn, của Disney đang phải đối mặt với một làn sóng kêu gọi tẩy chay, lần này là do bộ phim đã quay phim tại Tân Cương và đã có lời cảm ơn tới giới chức tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.
Tân Cương chính là nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền tỉnh Tân Cương đã bị buộc tội vi phạm nhân quyền và ngược đãi khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Bộ phim vừa ra mắt tuần trước, sau nhiều mong đợi, là một bộ phim phiên bản người đóng được dựng lại sau thành công của bộ phim hoạt hình cùng tên của hãng Disney năm 1998. Phim kể về một phụ nữ trẻ Trung Quốc đã giả trang thành nam giới thay cha tòng quân.
Nhưng trong phần cảm ơn ở cuối phim, nhiều người xem đã phát hiện hãng Disney đã gửi lời ‘cảm ơn đặc biệt’ đến các cơ quan chính phủ tỉnh Tân Cương, trong đó có Sở An ninh thành phố Turfan, nơi được cho là có liên quan đến hoạt động của các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ.
Lời cảm ơn cũng đặc biệt gửi đến ‘Uỷ ban Cách mạng Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương’, nơi được cho là bộ máy tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hãng phim Disney vẫn chưa có nhận định gì về tranh cãi này.
Đây không phải lần đầu bộ phim Mulan vấp phải sự tẩy chay của khán giả. Hồi năm ngoái khi làn sóng biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong đang bùng lên dữ dội, diễn viên Trung Quốc Lưu Diệc Phi, người thủ vai Mulan, đã đăng tải bài viết trên trang cá nhân với nội dung ủng hộ cảnh sát Hong Kong, khi lực lượng này bị cáo buộc đã đàn áp người biểu tình.
Hơn thế nữa, nữ diễn viên này còn bày tỏ “Thật xấu hổ cho Hong Kong” khiến nhiều người biểu tình tại đây vô cùng phẫn nộ, và kêu gọi tẩy chay bộ phim.
Trong cuộc chiến đấu của mình, giới trẻ ở Hồng Kông đã biết giỏi liên kết với giới trẻ của các quốc gia khác. Một liên minh được thành lập có tên Hong Kong-Thailand-Taiwan network (Milk Tea Alliance), đã có lời hứa yểm trợ qua lại cho nhau. Chẳng hạn ở Thái, những hashtag như vậy dễ dàng được tìm thấy trên các tấm bảng quảng cáo của những tiệm bán trà sữa.
Chính quyền Trung Quốc đã bị chỉ trích ở phạm vi quốc tế vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền và đàn áp khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương.
Hồi tháng Sáu, các nhà chức trách Trung Quốc đã bị cáo buộc thực hiện triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ để giải quyết vấn đề dân số, điều mà theo lời các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ thì đây là ‘sự triệt tiêu văn hoá’.
Trung Quốc đã liên tục chối bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, họ nói các cơ sở này là các trung tâm huấn luyện công việc tình nguyện nhằm hướng dẫn mọi người tránh xa chủ nghĩa khủng bố.
Ngoại trưởng Úc, Marise Payne, đã từng nói bà quan ngại sâu sắc vấn đề ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.