Ảnh minh họa: Viện Hàn Lâm Khoa Học Đài Loan. © Wikipedia
Trong những năm gần đây, Đài Loan thu hút ngày càng đông học viên nước ngoài đến nghiên cứu về ngành Hán học, công nghệ bán dẫn cũng như là nhiều ngành học khác. Đây là một phần trong chiến lược thúc đẩy trao đổi học thuật với thế giới được tiến hành từ năm 2004 nhằm phá thế cô lập ngoại giao của Trung Quốc đối với hòn đảo.
Theo trang Geopolitica, trước sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc, chính quyền Đài Bắc từ đầu những thập niên 2000 đã xác định « trao đổi học thuật là một công cụ hiệu quả cho chiến lược quyền lực mềm », và các chương trình học bổng quốc tế là những nguồn lợi ích to lớn giúp nâng cao hình ảnh Đài Loan trên trường thế giới. Và ngành nghiên cứu Hán học là một trong số thế mạnh mới để tăng thêm sức hấp dẫn cho Đài Loan.
Hán học – Thế mạnh cho quyền lực mềm Đài Loan
Trong chiến lược này, năm 2004, chính quyền Đài Bắc công bố « Chương trình học bổng Đài Loan và học bổng bồi dưỡng Hoa ngữ », một dự án chung của bộ Giáo Dục, bộ Ngoại Giao và bộ Khoa học – Công nghệ, liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, ngoại giao, kinh tế, công nghệ và đổi mới học thuật.
Các cơ sở học thuật như Viện Hàn Lâm Đài Loan, Học Viện Đài Loan cũng lần lượt được thành lập trong những năm sau đó. Mục tiêu của chương trình là nhằm thu hút sự quan tâm của sinh viên nước ngoài đối với tiếng Quan Thoại của Đài Loan, và chữ viết Trung Quốc truyền thống, cũng như là tăng cường sự hiểu biết của sinh viên nước ngoài về văn hóa và lịch sử phát triển Đài Loan.
Ngoài ra, những chương trình trao đổi này sẽ giúp thiết lập và củng cố các mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Đài Loan và các nước khác, thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại, giáo dục và văn hóa, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu cũng như là tầm nhìn quốc tế của Đài Loan.
Ngoài chương trình bồi dưỡng Hoa ngữ, bộ Ngoại Giao Đài Loan còn thành lập Học bổng Đài Loan vào năm 2010, cấp cho các chuyên gia và học giả nước ngoài nào có quan tâm đến các nghiên cứu về Đài Loan, quan hệ xuyên eo biển, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Hán học. Làm thế nào Đài Loan có thể thu hút ngày càng đông giới du học sinh và học giả đến hòn đảo để nghiên cứu?
Thông tín viên Nguyễn Giang trong năm 2024 đã có dịp đến Đài Loan dự các khóa đào tạo ngắn hạn, các cuộc trao đổi giữa các học giả và qua tham quan các bảo tàng, ghi nhận rằng, « lịch sử phát triển của Đài Loan gắn liền với sự phát triển của đế chế Nhật Bản. Trong hơn 40 năm, từ năm 1895 đến trước Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản đã là chủ của Đài Loan. Hòn đảo này là một thuộc địa kiểu mẫu (…) Cho đến hiện tại, nhiều giáo sư Nhật Bản vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với đảo Đài Loan (…) ».
Thông tín viên Nguyễn Giang tại một hội thảo nói về tác động bầu cử Mỹ đối với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dưowng. © RFI Tiếng Việt/Nguyễn Giang
Từng là một trong số tám trường đại học Đế quốc của Nhật Bản thuở xưa, trường Đại học Quốc gia Đài Loan – NTU, giờ là một cơ sở học thuật lớn nhất Đài Loan. Cũng theo thông tín viên Nguyễn Giang, Đài Loan có thể phát triển ngành nghiên cứu Hán học là nhờ vào nguồn sách vở, kiến thức quý báu và đội ngũ các giáo sư đầu ngành nổi tiếng của Bắc Kinh, Nam Kinh mà Tưởng Giới Thạch đã có thể đem theo khi chạy lánh nạn ra đảo Đài Loan.
Ngoài ra, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã biết cách bảo tồn, gìn giữ các cơ sở giáo dục cũng như là sách vở ngành Nhật Bản học của người Nhật, cho phép tạo dựng một nền tảng cơ bản vững chắc phát triển mạnh nền giáo dục. « Khi ông Tưởng Giới Thạch có những ý tưởng ngông cuồng muốn tái chiếm Đại Lục và sau khi nhận thấy không thể tái chiếm Đại Lục, rồi không được tham gia cuộc chiến Triều Tiên, Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) tập trung vào phát triển giáo dục và công nghiệp hóa rất nhanh. Trên cơ sở này, Đài Loan mới được hưởng lợi, nghĩa là họ bắt đầu được tiếp thu 100% hệ thống giáo dục của Mỹ. »
Công nghệ bán dẫn – Một sức hấp dẫn khác
Ngoài việc có một nền Hán học sâu rộng, đức tính kỷ luật cao trong lao động, sự cần cù, giỏi toán và nhờ có được một địa thế tốt, « việc người dân Đài Loan biết cách bảo vệ môi trường đã tạo nên tiền đề cho việc phát triển ngành bán dẫn ». Thành phố Tân Trúc được chọn làm nơi đặt trụ sở của TSMC, đơn giản chỉ vì khu vực này được đánh giá là có « nguồn nước và không khí rất sạch ». Lợi thế này đã cho phép Đài Loan phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến nhất, mở rộng đầu tư sang cả Nhật Bản và bang Arizona của Hoa Kỳ.
Nhìn chung Đài Loan có thể đạt đến đỉnh cao so với các nước Đông Nam Á, nhờ vào « một nền Hán học sâu rộng (…) vốn dĩ phức tạp hơn chữ Hán giản thể của Trung Quốc, một hệ thống toán theo mô hình Mỹ - Nhật, cùng với việc kết hợp sáng tạo riêng của Đài Loan ».
Với những ưu thế này, Đài Loan bắt đầu thu hút ngày càng đông đảo sinh viên các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và xa hơn là Ấn Độ. « Điều thú vị là sinh viên các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bắt đầu sang học rất nhiều. Điều này chứng tỏ là nền giáo dục và đào tạo Đài Loan có một sức hấp dẫn. »
Dù vậy, thông tín viên Nguyễn Giang nhận thấy rằng dường như công cụ « quyền lực mềm » này vẫn chưa được Đài Loan phát huy hết mức. « Người Đài Loan cũng còn hơi xấu hổ hay chưa quá tự tin về vấn đề này (…) Đây là một quyền lực mềm mà Đài Loan chưa ý thức được là họ giỏi hơn các nước khác như thế nào. »
(Theo RFI)