Trên màn hình đang hiển thị thông tin quét khuôn mặt người ở Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images

 

 

 

Điện thoại di động, TV thông minh và các sản phẩm điện tử khác từ lâu đã trở thành công cụ được đảng và chính quyền Trung Quốc sử dụng để giám sát người dân. Có cư dân mạng cho biết, khi ho đang ở nhà và ho 2 cái, chiếc TV thông minh bên cạnh đã đẩy một quảng cáo về thuốc ho; hay có người đang trò chuyện với bạn bè và chỉ nói muốn mua thứ gì đó thì giây tiếp theo đã nhận được quảng cáo về sản phẩm này.

 

 

TV thông minh, hay còn được gọi là Smart TV, là những chiếc tivi chạy trên nền tảng một hệ điều hành do chính nhà sản xuất viết hoặc bên thứ ba cung cấp, kèm theo đó là RAM và bộ nhớ, cho phép người dùng dễ dàng kết nối với Internet để tải và sử dụng các ứng dụng, giống như smartphone (điện thoại thông minh) hoặc máy tính thông thường. Một số TV thông minh đời mới hơn còn được tích hợp thêm các tính năng khác như: chiếu màn hình từ điện thoại lên TV, hỗ trợ điều khiển bằng cử chỉ, giọng nói, v.v.

 

Theo tờ The Beijing News của Trung Quốc, mới đây, cô Huang, một công dân Bắc Kinh, cho biết trong khi trò chuyện với bạn bè, cô chỉ đang thảo luận về việc nên mua loại son môi nào thì ngay giây tiếp theo khi cô mở một trang web mua sắm trên điện thoại di động của mình, một số gợi ý về sản phẩm son môi đã xuất hiện trên trang chủ.

Cô Huang cho biết, trang web mua sắm có thể “nghe” cuộc trò chuyện của họ và cô có cảm giác như mình đang bị “nhìn trộm”.

 

Bài báo này cũng cho biết, ông Wang đến từ thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, đã thảo luận về một loại sản phẩm với người thân và đồng nghiệp ở nhà, sau đó liền nhận được quảng cáo về loại sản phẩm đó trên trang web mua sắm. Ông Wang cho biết ông đã nghe nói về nhiều trường hợp tương tự.

 

Bài báo trên viết rằng, “nghi ngờ [những người này] đã bị nghe lén”.

Hôm 16/4, một cư dân mạng Trung Quốc đã bình luận về bài báo này trên Weibo: "Không phải là nghi ngờ, mà chắc chắn là đang bị nghe lén. Tôi đã ho 2 cái trong phòng khách, ngay sau đó TV thông minh đã đẩy một quảng cáo về thuốc ho".

 

 

Cô Li đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nói với đài NTDTV rằng, vào ngày 14/4, cô muốn kiểm tra số dư quỹ phòng xa của mình, nhưng thủ tục kiểm tra quỹ phòng xa của tỉnh Sơn Đông lại yêu cầu cô phải quét khuôn mặt, nếu không thì không thể kiểm tra được, vậy nên cô Li đã làm theo.

 

 

Tuy nhiên, ngay sau khi cô tra số dư xong, trong vòng vài giây đã có người gọi điện thoại đến và tự xưng là nhân viên ngân hàng, rồi hỏi cô có muốn vay tiền để mua nhà hay không. Ngày hôm sau, lại có một ngân hàng khác gọi cho cô và hỏi có muốn vay tiền mua nhà không.

 

Cô Li nói “Thật đáng sợ, tôi cảm thấy như mình luôn bị theo dõi”

 

Cô Li cho hay, các phương tiện truyền thông đều nói rằng các app (ứng dụng) thương mại giám sát người tiêu dùng dựa trên thuật toán, nhưng chương trình quỹ tiết kiệm phòng xa này là của Trung tâm Quỹ phòng xa tỉnh Sơn Đông, thuộc chính quyền tỉnh, làm sao thông tin của cô lại có thể bị rò rỉ nhanh như vậy?

 

 

Có không ít cư dân mạng Trung Quốc khác đã chia sẻ trải nghiệm tương tự: "TV của tôi là TV điều khiển bằng giọng nói của Xiaomi. Khi chúng tôi đang trò chuyện, dù đã tắt TV nhưng giọng nói [của trợ lý ảo] trong TV vẫn thường đột nhiên vang lên, làm tôi sợ chết khiếp. Điều đó có nghĩa là TV vẫn đang nghe lén chúng ta nói chuyện dù là khi đã tắt"; "Tôi vừa bị cảm thì lập tức xuất hiện thông tin giảm giá thuốc cảm”; v.v.

 

Các cư dân mạng khác chỉ ra rằng: "Tại sao các tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa lại bị bắt? Mọi người biết lý do rồi chứ"; "Huawei và Xiaomi giúp các lãnh đạo chăm sóc bạn 24/24", "'Các ông lớn' [được lắp] trên tường đang theo dõi mọi động thái của bạn. Tình tiết hư cấu trong [tác phẩm] ‘1984’ đã được hiện thực hóa!”.

 

 

Việc đảng và chính quyền Trung Quốc theo dõi và giám sát khắp nơi từ lâu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

 

 

Vào ngày 15/4, tờ Deutsche Welle của Đức đưa tin rằng phái đoàn tới Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã được đào tạo về an ninh mạng trước khi lên đường và đã thực hiện một số biện pháp dự phòng nhất định.

 

 

Cơ quan Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Đức (cơ quan an ninh nội địa của Đức) cảnh báo rằng, chính quyền Trung Quốc đang giám sát trên mọi mặt, khi người Đức đến Trung Quốc, hãy cố gắng “đừng mang theo các sản phẩm điện tử cá nhân, bao gồm điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, v.v.”; khi ở Trung Quốc, hãy chỉ sử dụng “loại máy tính không được kết nối với mạng nội bộ của công ty hoặc tổ chức [nơi bản thân làm việc]", chỉ lưu lại "một vài số điện thoại và dữ liệu cần thiết" trên điện thoại.

 

 

Các thành viên trong phái đoàn Đức phải duy trì “mức độ cảnh giác cao nhất” khi ở Trung Quốc, “những thông tin quan trọng và thiết bị lưu trữ tuyệt đối không được để rời tay, còn phòng khách sạn và két sắt thì cũng không an toàn”.

 

Các chuyên gia của cơ quan tình báo Đức cho rằng, nguy cơ chính quyền Trung Quốc rình mò các thiết bị điện tử có ở khắp mọi nơi, cho nên cần phải cẩn thận mọi lúc.

 

Theo cảnh báo của Cơ quan Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Đức, ngay cả ở những nơi không có điện thoại di động và các thiết bị khác, các cuộc trò chuyện vẫn có thể bị nghe lén, kể cả trong ô tô, phòng ngủ, v.v.

 

Cơ quan Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Đức thậm chí còn đề xuất rằng, vì nhiều thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại di động được sản xuất tại Trung Quốc nên sau khi mang chúng đến Trung Quốc và quay trở về Đức, trong trường hợp cần thiết nên bỏ những thiết bị này đi.

 

(Theo NTD tiếng Trung)

(ntdvn.net; Minh Lý biên dịch)