NAM HÀN - Ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ tài chính Nam Hàn, Hong Nam-ki,  tuyên bố Nam Hàn sẽ bắt đầu quy trình nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

 

Một đường phố ở Seoul (Hán Thành), Nam Hàn.

 

 

 

Ông Hong nói Nam Hàn “không thể tiếp tục bàn về vấn đề này giữa các bộ ban ngành, bởi gần đây đã có nhiều thay đổi tích cực trong trật tự kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn việc Trung Quốc và Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP”.

 

 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Nam Hàn, ông Kwon Chil-seung, nói với Financial Times rằng những mối lo của Chính phủ nước này về gia nhập CPTPP đã được giải toả, mở đường cho việc nộp đơn xin gia nhập.

 

Ông Kwon nói “Bộ SME và Bộ Nông nghiệp có quan điểm tương đối thận trọng, nhưng quyết định xin gia nhập CPTPP đã được nội bộ Chính phủ đưa ra”.

 

CPTPP, tiền thân là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết vào năm 2018.

 

 

TPP là một thoả thuận tự do thương mại được Mỹ khởi xướng từ thời Tổng thống Barack Obama nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn cả về kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017. Sau đó, hiệp định đổi tên vào CPTPP và ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ.

 

 

Nam Hàn từ lâu muốn gia nhập CPTPP nhưng chần chừ, một phần vì không muốn làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, các bộ trưởng của Nam Hàn cũng e ngại phản ứng bất lợi từ phía cử tri trước khi nước này tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 3/2022. Cử tri Nam Hàn trong các lĩnh vực nông nghiệp, nghề cá và SME đã bày tỏ phản đối CPTPP vì lo ngại sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nước ngoài.

 

 

Về phần mình, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9, chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Úc công bố mối quan hệ đối tác quân sự mới nhằm đối trọng với sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc trong khu vực. Chưa đầy một tuần sau, Đài Loan cũng nộp đơn xin vào CPTPP.

 

“Quy trình có vẻ đã bị trì hoãn vì Chính phủ không muốn vấp phải những rủi ro từ việc mở cửa thị trường rộng hơn, nhất là vào thời điểm chỉ còn 3 tháng nữa là đến bầu cử”, chuyên gia thương mại Cheong Inkyo thuộc Đại học Inha nhận định. “Nhưng tính cấp bách của vấn đề đã gia tăng khi Trung Quốc và một số nước khác đã nộp đơn”.

 

Một nhà ngoại giao cấp cao thuộc một nước thành viên CPTPP nói thêm: “Đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan đã khiến tình thế thay đổi”.

 

Theo một báo cáo vào năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington, Nam Hàn có thể hưởng lợi mỗi năm 86 tỷ USD từ địa vị thành viên CPTPP.

 

 


Giáo sư Chol Byung-il, thuộc Đại học Ewha ở Seoul, nhận định “Nam Hàn không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn sự chuyển hướng thương mại sang các quốc gia khác và đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu”.

 

Một trở ngại đối việc Nam Hàn xin gia nhập CPTPP có thể nằm ở mối quan hệ có phần căng thẳng giữa nước này với Nhật Bản. Hai nước đanh tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lệnh kiểm soát xuất khẩu mà Tokyo đặt ra đối với linh kiện bán dẫn của Nam Hàn hồi năm 2019. Lệnh kiểm soát này là một sự trả đũa của Nhật nhằm vào Seoul liên quan đến vấn đề quân đội Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai.

 

 

Một quan chức Nhật Bản nói với Financial Times “Có nhiều cảm giác trái ngược ở Nhật Bản về việc Nam Hàn nộp đơn xin gia nhập CPTPP”.

 

 

Quyết tâm gia nhập CPTPP của Nam Hàn phù hợp với một xu hướng chung hiện nay là dịch chuyển về phái các thoả thuận tự do thương mại đa phương. Trước đây, Nam Hàn không đi theo xu hướng này.

 

 

Nam Hàn hiện cũng đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – một thoả thuận tự do mậu dịch khu vực khác do Trung Quốc khởi xướng và có sự tham gia của 15 nước châu Á.