Các quốc gia châu Âu bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa, nhiều nước ngăn tụ tập đông người ở những nơi công cộng để tránh nCoV lây lan.
New York trước thềm năm mới 2021
Quả cầu pha lê sẽ được thả rơi trước những con phố vắng vẻ tại Quảng trường Thời đại, thay vì hàng trăm nghìn người như mọi năm, do các lệnh hạn chế ngăn nCoV lây lan.
Trước đó, giới chức New York thông báo Quảng trường Thời đại sẽ không mở cửa cho công chúng trong đêm giao thừa. Các buổi biểu diễn vẫn được tổ chức và được phát trực tiếp trên truyền hình hoặc mạng Internet.
Con phố vắng vẻ dẫn vào Quảng trường Thời đại, New York. Ảnh: Reuters.
Khách mời đeo khẩu trang tới dự sự kiện năm mới tại khu Manhattan, New York. Ảnh: Reuters.
Xem chương trình chào đón năm mới 2021 diễn ra trên Quảng Trường Time Square, thành phố New York tại: https://www.youtube.com/watch?v=ePC7iHgd-Cc ---
Serbia đón năm mới 2021
Dân thủ đô Belgrade, Serbia, đổ ra đường nhảy múa và hát mừng năm mới bất chấp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia này. Phần lớn người tham gia các hoạt động trên phố không đeo khẩu trang.
Dân chúng nhảy múa trên đường phố thủ đô Belgrade, Serbia. Ảnh: Reuters.
Anh đón giao thừa khi rời khỏi EU
Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 48 năm làm thành viên của khối, sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit hết hiệu lực vào 23h giờ địa phương (6h giờ Hà Nội). Anh gia nhập tổ chức tiền thân của EU ngày 1/1/1973.
Trước thềm năm mới 2021, người biểu tình phản đối lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 tập hợp tại khu vực bờ nam của London, phần lớn không đeo khẩu trang, trong bối cảnh chủng nCoV siêu lây lan đang hoành hành tại quốc gia này.
Pháo hoa trên Cầu Tháp bắc qua sông Thames ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.
Nhiều người tụ tập bất chấp lệnh phong tỏa reo hò trong lễ giao thừa tại thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.
Giao thừa vắng lặng tại thủ đô Pháp
Khu vực trung tâm thủ đô Paris vắng lặng khác hẳn mọi năm trong đêm giao thừa, do thời điểm này nằm trong khung giờ giới nghiêm từ 20h tới 6h sáng hôm sau. Pháp ban lệnh giới nghiêm để ngăn đợt bùng phát Covid-19 thứ ba, yêu cầu các nhà hàng, quán cafe, rạp chiếu phim và nhà hát đóng cửa.
Xe cảnh sát đỗ trước Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris. Ảnh: AFP.
Cảnh sát Paris đi tuần trên đại lộ Champs Elysees để giám sát lệnh giới nghiêm. Ảnh: AFP.
Kim Jong-un gửi thư chúc mừng năm mới
"Chúc mừng năm mới. Tôi gửi lời chúc chân thành tới mọi người khi chúng ta đón chào năm mới. Tôi xin chân thành chúc mọi gia đình trên cả nước hạnh phúc hơn và chúc sức khỏe những người thân yêu", lãnh đạo Kim Jong-un viết trong thư chúc mừng năm mới 2021, Triều Tiên gọi là năm Chủ thể 110.
Kim Jong-un viết "Trong năm mới, tôi sẽ làm việc chăm chỉ để sớm đưa lý tưởng và mong muốn của nhân dân thành hiện thực. Tôi cảm ơn nhân dân đã luôn tin tưởng và ủng hộ Đảng ta, cả trong những lúc khó khăn. Một lần nữa, tôi cam kết sẽ luôn trung thành với những người vĩ đại".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
Đức bắn pháo hoa mừng năm mới
Thủ đô Berlin tổ chức trình diễn ánh sáng, bắn pháo hoa và nhạc hội Willkommen 2021 (Chào mừng 2021) trước Brandenburg Tor, trong lúc lệnh hạn chế để ngăn Covid-19 vẫn có hiệu lực. Giới chức trước đó ngăn các tuyến đường dẫn tới địa điểm tổ chức sự kiện để ngăn dân chúng tụ tập.
Pháo hoa và nhạc hội mừng năm mới 2021 tại Brandenburg Tor, Berlin. Ảnh: Reuters.
Hy Lạp bước sang năm 2021
Pháo hoa trên đền Parthenon trên đồi Acropolis tại thủ đô Athens, Hy Lạp. Ảnh: Reuters.
Nga đón năm mới 2021: Putin nói "Thời kỳ khó khăn qua đi, luôn như vậy"
"Vào dịp kỷ niệm năm mới một năm trước, chúng ta cùng mọi người trên thế giới đều mơ về những thay đổi tốt đẹp hơn. Lúc đó không ai tưởng tượng được rằng khó khăn nào đang chờ đợi chúng ta. Dường như năm qua mang gánh nặng của vài năm", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài phát biểu nhân năm mới 2021.
Putin nhận định 2020 mang gánh nặng của nhiều năm khi mọi người "đều gặp khó khăn", đối mặt với "thách thức tài chính", "căng thẳng cảm xúc" và với một số là "mất mát cay đắng của những người thân thiết".
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới 2021. Ảnh: TASS.
"Thời kỳ khó khăn qua đi, luôn như vậy. Điều quan trọng nhất vẫn ở lại, khiến chúng ta trở nên cao quý và mạnh mẽ: Tình yêu thương, sự hiểu biết lẫn nhau, sự tin tưởng và hỗ trợ. Vì thế tôi muốn ước rằng những khó khăn của năm qua sẽ sớm chìm vào quên lãng và những gì chúng ta đạt được, những phẩm chất tốt đẹp nhất mà mỗi người tìm được sẽ ở lại mãi mãi", Putin nói.
"Tôi chân thành chúc các bạn cùng những người thân yêu và gần gũi sức khỏe dồi dào, niềm tin, hy vọng và tình yêu. Hãy hạnh phúc trong năm 2021 sắp đến! Chúc mừng năm mới, các bạn thân mến!".
Pháo hoa trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, Nga, ngày 1/1. Ảnh: Reuters.
Pháo hoa rực sáng tháp cao nhất thế giới
Burj Khalifa, tháp cao nhất thế giới tại thủ đô Dubai, lung linh trong màn trình diễn pháo hoa và ánh sáng khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bước sang năm mới 2021.
Số 2021 hiển thị trên tòa tháp Burj Khalifa. Ảnh: Reuters.
Pháo hoa trên tháp Burj Khalifa, Dubai, UAE.Nguồn: Reuters.
Màn pháo hoa mãn nhãn ở Bangkok
Pháo hoa bừng sáng trên mặt sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan chào đón năm mới 2021. Ảnh: Reuters.
Màn bắn pháo hoa mừng năm mới ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.
ĐÀI LOAN ĐÓN NĂM MỚI 2021
Đài Loan, một trong những nơi được đánh giá ứng phó tốt nhất với Covid-19, vẫn tổ chức bắn pháo hoa mừng năm mới tại tòa tháp Đài Bắc 101. Đây từng được coi là tòa nhà cao nhất thế giới.
Pháo hoa vụt sáng mừng năm mới từ tòa nhà 101 tầng ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: Reuters.
Người dân Đài Bắc đón năm mới. Ảnh: Reuters.
Indonesia: Quảng trường Jakarta không bóng người trong đêm giao thừa
Tại Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, một quảng trường tại trung tâm thủ đô Jakarta không một bóng người, dù thời khắc bước sang năm mới đang đến gần.
Chính quyền Jakarta trước đó đã áp dụng các biện pháp ngăn các sự kiện đón năm mới cũng như cấm tụ tập đông người. Có tới 94 con đường và cơ sở công cộng trên toàn thành phố bị đóng cửa hoặc hạn chế ra vào trong đêm giao thừa.
Quảng trường vắng bóng người ở thủ đô Jakarta, Indonesia trong đêm giao thừa. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát đứng gác ngăn người dân tụ tập đêm giao thừa ở Jakarta. Ảnh: Reuters.
Người Singapore xem lễ hội ánh sáng thay màn bắn pháo hoa
Do màn trình diễn pháo hoa mừng năm mới bị hủy vì đại dịch, người dân Singapore đã tập trung tại Vịnh Marina để xem lễ hội ánh sáng.
Lễ hội ánh sáng mừng năm mới 2021 ở Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: Reuters.
Người dân Singapore xem lễ hội ánh sáng mừng năm mới 2021 tại Vịnh Marina. Ảnh: Reuters.
Người Nhật đi lễ chùa năm mới
Thông thường, người Nhật thường đi lễ chùa từ 31/12 đến 3/1 để cầu mong điều tốt lành cho năm mới. Năm nay, nhiều người Nhật vẫn đi lễ chùa, song do đại dịch Covid-19, các ngôi chùa, đền cũng thực hiện quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Tại đền Senso-ji ở Tokyo, người dân đeo khẩu trang, chen chúc đến lễ trong đêm giao thừa. Trong khi đó, tại một ngôi đền ở Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto, hai chiếc lều khử trùng được dựng trước cổng để người dân đến lễ đều được khử trùng.
Người dân đeo khẩu trang, chen chân đi lễ đền Senso-ji ở Tokyo. Ảnh: Reuters.
Người dân đeo khẩu trang, chắp tay bái lễ đền Senso-ji ở Tokyo. Ảnh: Reuters.
Hai lều kiểm dịch trước ngôi đền ở tỉnh Kumamoto. Ảnh: Reuters.
Nam Hàn: - Seoul hủy lễ đánh chuông đón năm mới
Chính quyền thủ đô Seoul lần đầu tiên hủy lễ đánh chuông vào đêm giao thừa thường niên tại khu Jongno. Đây là lần đầu tiên buổi lễ này bị hủy kể từ năm 1953. Những buổi lễ như vậy thường thu hút khoảng 100,000 người và được phát trực tiếp trên truyền hình.
Chính phủ Hàn Quốc cũng cấm các cuộc tụ tập trên 5 người và đóng cửa các khu trượt tuyết cùng các điểm du lịch lớn trên toàn quốc từ đêm Giáng sinh cho đến ngày 3/1 trong nỗ lực kiểm soát làn sóng Covid-19.
Lễ đánh chuông ở Seoul năm 2019. Ảnh: Kim Ki Hyun.
Nơi đầu tiên đón năm mới 2020
Các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương là những nơi bước sang năm mới 2021 đầu tiên trên thế giới vào 0h ngày 1/1 (17h ngày 31/12 giờ Hà Nội), do nằm ở múi giờ GMT+14.
Tuy nhiên, người dân Samoa và Kiribati năm nay không hân hoan chào đón năm mới như thường lệ, khi cả hai quốc đảo đều bị cắt đứt khỏi phần còn lại của thế giới do đại dịch Covid-19 và đối mặt với hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Thủ đô Apia của Samoa đang chật vật hồi phục sau những trận bão lũ, cũng như mất doanh thu vì quốc đảo đóng cửa với du khách trong phần lớn năm 2020 để ngăn Covid-19.
"Một số doanh nghiệp ở đây có thể phải đóng cửa vĩnh viễn", tờ Samoa Observer cho biết trong bài xã luận nhân dịp năm mới.
Cũng như Samoa, Kiribati phải đóng cửa với du khách do Covid-19 và quốc đảo này sẽ không tổ chức bắn pháo hoa mừng năm mới 2021. Khoảng 3.000 hòn đảo làm nên Kiribati sẽ đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng trong năm 2021 do nước biển dâng, khi nhiều đảo chỉ còn trên mực nước biển khoảng 3 mét.
Vị trí quốc đảo Samoa ở Nam Thái Bình Dương. Đồ họa: Google Maps.
Hàng triệu người trên khắp thế giới đón một đêm giao thừa chưa từng có, với lệnh phong tỏa, hạn chế và giới nghiêm được áp dụng ở hàng chục quốc gia nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Giao thừa năm nay đánh dấu một năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên đề cập bệnh viêm phổi bí ẩn ở Trung Quốc. Dịch bệnh này sau đó được xác định là Covid-19, hoành hành khắp thế giới suốt năm 2020, đã giết chết hơn 1,79 triệu người và tàn phá kinh tế toàn cầu theo những cách chưa từng có.
Tuy nhiên, quốc tế đã nỗ lực để phát triển vaccine trong thời gian kỷ lục. Sau vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna, ứng viên được phát triển bởi Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca đã trở thành ứng viên vaccine thứ ba được phương Tây phê duyệt.