Chính phủ Mỹ nói rằng, họ cần một sự hiện diện “đáng tin cậy trên Thái Bình Dương để ngăn chặn hành động của Trung Quốc”. Và Úc có thể được đề nghị đóng góp cho sự hiện diện này.

 

 

Ông Ely Ratner, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm Thứ trưởng Quốc phòng, nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 16/6 rằng Mỹ cần “một thế trận tiền phương sẵn sàng chiến đấu” để “răn đe, và nếu cần sẽ chống lại hành động tạo ra sự đã rồi”.

 

 

Ông Ratner nhắc đến nỗi lo Bắc Kinh cuối cùng sẽ dùng vũ lực đưa Đài Loan về dưới quyền kiểm soát.

 

 

Báo chí Mỹ đưa tin Ngũ Giác Đài đang cân nhắc tạo nên một “lực lượng thường trực” ở Tây Thái Bình Dương .

 

 

AP đưa tin ông Ratner nói rằng lực lượng đó sẽ cần “các khái niệm hoạt động mới, các lực lượng hiện đại và sẵn sàng chiến đấu, các đồng minh đủ năng lực và đối tác thành thạo trong vai trò chiến đấu của họ”.

 

 

Thủ tướng Úc Scott Morrison có vẻ ủng hộ ý tưởng này.

 

Trong phát biểu ở Paris nhân dịp tham dự thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa qua, ông Morrison kêu gọi cần có một nỗ lực quốc tế để bảo đảm một Ấn Độ - Thái Bình Dương “mở, bao trùm, an toàn và chống chịu tốt” và thúc đẩy một trật tự thế giới “ủng hộ tự do”.

 

 

Nếu được Thượng viện Mỹ thông qua, ông Ratner sẽ phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông nói rằng ưu tiên của ông sẽ là “đánh giá lại một cách cẩn thận cán cân quân sự hiện nay ở khu vực eo biển Đài Loan để bảo đảm sự hợp tác quốc phòng của chúng ta với Đài Loan cân xứng với mối đe dọa hiện có”.

 

 

Hồi tháng 3, một đội đặc trách được thành lập để soạn thảo các chính sách của Lầu Năm Góc về Trung Quốc , trong đó ông Ratner là người chủ trì. Nhóm này gần đây đã nộp báo cáo lên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

 

 

Theo báo chí Mỹ, nội dung quan trọng nhất trong những khuyến nghị mà nhóm này trình lên là thành lập một “lực lượng thường trực” ở Tây Thái Bình Dương.

 

 

Chi tiết của kế hoạch chưa được công bố. Nhưng việc đề xuất nhắc đến cấu trúc lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời Chiến tranh Lạnh có thể gợi ý về mô hình lực lượng mới.

 

 

Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương (STANAVFORLANT) được thành lập để duy trì hiện diện hải quân thường trực tại các vị trí chiến lược.

 

 

Một nhóm gồm 6-8 tàu chiến duy trì hiện diện bằng cách luân phiên và phối hợp với các đối tác theo định kỳ khoảng 6 tháng.

 

 

Lực lượng này sẵn sàng phản ứng tức thì nếu khủng hoảng xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng cũng thực hiện các chuyến thăm cảng định kỳ để duy trì và phát triển quan hệ ở khu vực.

 

 

Thành lập một lực lượng như vậy ở Tây Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi phân bổ lại tàu chiến, trang thiết bị, quân lính và ngân sách. Điều đó cũng có nghĩa là tạo ra một lực lượng quân sự quốc tế chuyên tập trung vào nhiệm vụ đối phó với Trung Quốc.

 

 

Nhà phân tích chiến lược Jerry Handrix nói với tạp chí Politico rằng một lực lượng thường trực hiệu quả ở Tây Thái Bình Dương có thể sẽ bao gồm những đối tác như Úc và Nhật Bản. Anh và Pháp, hai quốc gia gần đây thể hiện nhiều quan tâm hơn đến khu vực, cũng có thể đóng góp.