Tác giả: Bob Davis, cộng tác viên của TIME. Bob Davis là cựu biên tập viên cấp cao của Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall)

Biên dịch - BBT Danviet

 

 

 

Hình nhiều người đi ngang qua màn hình hiển thị diễn biến thị trường chứng khoán Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 7 tháng Tư năm 2025. Cổ phiếu Á châu sụp đổ sau khi Trung Quốc áp quan thuế nặng nề lên hàng hóa Hoa Kỳ, làm gia tăng cuộc chiến thương mại mà nhiều người lo ngại có thể gây ra suy thoái kinh tế. Wang Zhao—AFP/Getty Images  

 

 

Liệu Trung Quốc có những vũ khí thượng thừa nào có thể giúp họ vượt qua Hoa Kỳ trong chiến tranh thương mại không?

 

Trung Quốc có vẻ có một loại vũ khí như vậy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc nhở giới trẻ rằng họ nên học cách chịu đựng gian khổ - “ăn cay nuốt đắng”, như người Trung Quốc nói ("chi ku" 吃苦) - không giống như người Mỹ béo phì và lười biếng. Chính phủ độc tài Trung Quốc không chấp nhận bất đồng chính kiến, ​​nên, việc ra quyết định sẽ dễ dàng hơn, và các quyết định sẽ được duy trì lâu hơn ở nước Mỹ đa chiều. Và, Trung Quốc có hàng chục cách để khiến cuộc sống của các công ty Hoa Kỳ - những công ty  có thể tin tưởng sẽ vận động Washington lùi bước - trở nên khốn khổ.

 

Nhưng những ý tưởng đó phản ánh quan điểm lỗi thời về Trung Quốc, và sự hiểu lầm cơ bản về hệ thống kinh tế và chính trị của nước này.

 

Ăn cay nuốt đắng ư? Chắc chắn rồi, đó là trong quá khứ, khi Trung Quốc còn nghèo hơn bây giờ nhiều. Nhưng giờ đây, họ có sự chán nản của tầng lớp trung lưu - như của Hoa Kỳ, và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản phần lớn dựa trên một giao kèo ngụ ý rằng Đảng Cộng sản sẽ cải thiện mức sống, chứ không phải làm giảm mức sống. (Ồ, và hơn một nửa dân số Trung Quốc hiện đang béo phì, khó có thể là dấu hiệu của chủ nghĩa khổ hạnh.)

 

Còn về việc một chế độ độc tài có thể đưa ra quyết định chỉ trong tích tắc thì sao? Không hẳn vậy. Bắc Kinh có một bộ máy quan liêu phức tạp, luôn cân nhắc kỹ lưỡng - và xem xét lại đi xem xét lại - các phương cách trước khi đưa chúng lên cấp cao hơn để ra quyết định. Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo tối cao nhưng lại tìm kiếm sự đồng thuận từ các quan chức chóp bu của đảng Cộng sản mà ông đã đưa lên nắm quyền.

 

Nếu có bất cứ điều gì, khi nói đến việc ra quyết định trong chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ gần với chế độ quyết sách-bởi-một-người hơn nhiều so với Trung Quốc. Một lý do khiến Donald Trump có thể thích quan thuế là ông có thể áp dụng chúng, tăng chúng, hạ chúng hoặc tạm dừng chúng theo ý thích. Quốc hội Hoa Kỳ đã ủy quyền quan thuế theo hiến pháp cho nhánh hành pháp, và các tòa án thường hoãn lại các vấn đề được coi là bảo vệ an ninh quốc gia.

 

Tất nhiên, Trung Quốc có nhiều cách để khiến Hoa Kỳ đầu hàng, nhưng, tất cả đều có những nhược điểm đáng kể. Trung Quốc có thể ra sức tăng mức quan thuế tương đương với Hoa Kỳ, như họ đã làm một lần nữa vào ngày 11/04, tăng thuế lên ít nhất 125%, trong khi gọi "con số cao bất thường" là "trò đùa trong lịch sử kinh tế thế giới". Thật vậy. Hiện tại, mức quan thuế cao đến mức sẽ phá vỡ các đơn đặt hàng và dừng hoạt động thương mại—mặc dù đừng cá rằng ông Trump sẽ nhìn nhận theo cách đó.

 

Như ông Trump đã nói với các trợ lý của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông rằng, "Trung Quốc sẽ hết đạn trước".

 

Hoặc Bắc Kinh có thể gây sức ép với các công ty Hoa Kỳ, điều mà họ đang bắt đầu thực hiện, bằng các cuộc điều tra chống độc quyền, hạn chế đối với phim ảnh Hollywood, và đưa một số nhà xuất cảng của Hoa Kỳ vào danh sách đen. Nhưng nếu gây sức ép quá mức như vậy, khoản đầu tư từ nước ngoài mà Trung Quốc phụ thuộc vào để tạo việc làm và công nghệ, vốn đã lao dốc kể từ đại dịch Covid 19, sẽ bốc hơi.

 

Kế tiếp đó là sự kiểm soát được ca ngợi của Trung Quốc đối với các khoáng sản, thứ được gọi là đất hiếm, được sử dụng để sản xuất đồ điện tử. Nhưng các công ty Hoa Kỳ thường không mua khoáng sản trực tiếp từ Trung Quốc. Thay vào đó, các sản phẩm được đóng gói thành hàng hóa để bán cho người mua ở Hoa Kỳ. Nếu Bắc Kinh gây sức ép quá mức, họ sẽ khuyến khích các quốc gia khác cạnh tranh với Trung Quốc bằng các khoản khoản trợ cấp cho hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm, như cách làm của Trung Quốc.

 

Sau cùng, có các vũ khí tài chính. Trong cuộc chiến thương mại gần đây nhất, Trung Quốc đã phá giá đồng tiền của mình một chút để giảm chi phí xuất cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ, vốn bị áp thuế từ 7,5% đến 25%. Nhưng đồng nhân dân tệ (đồng Nguyên [Yuan]) của Trung Quốc sẽ cần phải chịu một tác động lớn ngay cả khi chỉ bù đắp một phần cho mức quan thuế ba chữ số, và điều đó sẽ khiến hàng nhập cảng trở nên vô cùng đắt đỏ ở Trung Quốc, và khuyến khích dòng vốn chảy ra ồ ạt khi người dân Trung Quốc bình thường tìm cách chuyển đổi đồng nhân dân tệ của họ sang đô-la hoặc euro.

 

Ngược lại, nếu Trung Quốc cố gắng bán tháo hơn 760 tỷ đô-la trái phiếu Kho bạc Chánh phủ Hoa Kỳ, điều này sẽ đẩy lãi suất ở Hoa Kỳ lên cao, điều đó cũng sẽ làm tăng giá trị của đồng nhân dân tệ, khiến hàng xuất cảng của Trung Quốc thậm chí còn đắt hơn. Một lần nữa, điều đó trái ngược với những gì Trung Quốc muốn.

 

Tất cả những điều này không có nghĩa là Trung Quốc bị mắc kẹt và phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Câu sáo rỗng trong giới kinh tế là một cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho tất cả mọi người, và điều đó đúng. Trung Quốc có thể tấn công Hoa Kỳ theo một trong nhiều cách mà tôi đã liệt kê, mặc dù, điều đó có thể gây tổn hại nhiều hơn cho Bắc Kinh. Hoặc họ có thể ngồi yên và chờ tổng thống Hoa Kỳ làm sụp đổ nền kinh tế.

 

Quan thuế 125% đối với đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ, nơi sản xuất mọi, thứ từ bóng đèn Giáng sinh đến chiếc điện thoại iPhone, cho đến các linh kiện công nghiệp, sẽ làm giá cả tăng cao ở Hoa Kỳ đến mức có thể khiến đất nước rơi vào suy trầm (recession). Và, như quan thuế luôn làm, chúng sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của  những người nghèo hơn là những người giàu có đủ khả năng chi trả mức giá cao hơn. Đảng Dân chủ - và thậm chí có thể là các hãng bán lẻ - sẽ khuyến khích người tiêu dùng coi quan thuế là thuế bán hàng (sales tax: một loại thuế gián thu, người tiêu dùng cuối cùng – không nhằm mục đích thương mại -  là người chịu thuế) của Trump.

 

Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ gây áp lực buộc Hoa Kỳ phải giải quyết, bất kể Trung Quốc làm gì.

 

Và còn một bước ngoặt nữa. Vì Hoa Kỳ hiện đang áp dụng mức thuế ít nhất 125% đối với mọi thứ từ Trung Quốc, và chỉ áp dụng mức thuế 10% đối với hàng hóa từ mọi nơi khác, nên các hãng sản xuất Trung Quốc có động lực rất lớn để trốn thuế bằng cách vận chuyển hàng hóa qua một quốc gia thứ ba. Điều đó sẽ làm giảm mạnh số tiền quan thuế mà Trump và những người khác của Đảng Cộng hòa đang trông chờ để giúp tài trợ cho chương trình nghị sự của họ.

 

Cả hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có động lực rất lớn để đạt được một thỏa thuận, ít nhất, có thể làm giảm leo thang chiến tranh thương mại. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng "đối thoại và tham vấn". Trump cho biết ông muốn thảo luận về một thỏa thuận với Tập. Để có được phản ứng tích cực, Trump đang chuyển sang sử dụng chiến thuật nịnh hót của mình, gọi người đồng cấp Trung Quốc là "một người đàn ông đáng tự hào", cùng với những lời khen ngợi khác.

 

Những câu nói đó có vẻ như là sự thừa nhận lẫn nhau rằng một cuộc chiến tranh thương mại tiêu hao là kẻ thua cuộc cho cả hai nước.

 

 

(Biên dịch – BBT Danviet)