Tổng thống Mỹ Donald Trump và thái tử Ả Rập Saudi Mohammed ben Salmane, tại Hoàng cung ở Ryad, ngày 13/05/2025. AP - Alex Brandon
TRUNG ĐÔNG - Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn ba cường quốc dầu khí vùng Vịnh (Ả Rập Saudi, Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) làm nơi công du chính thức đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, gần bốn tháng từ khi nhậm chức. Ấn tượng nổi bật của chuyến đi Vùng Vịnh của Donald Trump là hàng trăm tỷ đô-la, thậm chí hơn 1.000 tỉ đô-la, hợp đồng và hứa hẹn đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên viên quan sát cũng ghi nhận một số diễn biến, cho thấy tổng thống Trump coi các cường quốc vùng Vịnh như điểm tựa cho một chiến lược toàn cầu đang thành hình, như sẵn sàng biến thù thành bạn, khẳng định đoạn tuyệt với « chánh sách can thiệp » truyền thống… Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh là để có thể hiểu được thực sự các chuyển biến trong chánh sách của Trump cần đặt chúng trong chánh sách lâu đời của nước Mỹ với Vùng Vịnh, khu vực từng được coi là một bàn đạp để Mỹ khẳng định vị thế siêu cường.
Ngay khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump tuyên chiến gần như với cả thế giới với chánh sách đơn phương tăng quan thuế, sẵn sàng coi các quốc gia vốn là đồng minh, bạn hữu, như đối thủ, kể cả các đồng minh mật thiết trong khối NATO. Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2 cũng tiếp tục đi xa hơn trong các hành xử bất thường, như đe dọa sáp nhập lãnh thổ của một số nước đồng minh (như Canada, Đan Mạch). Tuy nhiên, Donald Trump đã dành cho các cường quốc dầu khí Vùng Vịnh, trước hết là Ả Rập Xê Út, một ưu đãi đặc biệt ngay từ đầu. Lãnh đạo nước ngoài mà Trump điện đàm đầu tiên sau khi nhậm chức là MBS, tên viết tắt của Mohammed ben Salmane, thái tử Ả Rập Xê Út, người điều hành trên thực tế cường quốc dầu mỏ số một thế giới.
Biến thù thành bạn: Một chiến lược mới về Trung Đông đang thành hình
Le Monde nói đến một « học thuyết mới », hay một « chiến lược Trung Đông mới » của nước Mỹ đang thành hình. Bài « Affaires et paix : la doctrine Trump à l’épreuve des réalités au Moyen-Orient » (tạm dịch là « Các thương vụ và hòa bình : Học thuyết của Trump cọ sát với thực tế Trung Đông ») của Le Monde, đăng tải sau vòng công du bốn ngày (13 – 16/05/2025) của tổng thống Mỹ, dẫn lời cựu đại sứ Mỹ ở Syria dưới thời Obama (2011-2014), Robert Ford, ghi nhận điểm mới : ông Trump tỏ rõ thái độ từ bỏ ý thức hệ « tân bảo thủ » (neocon), vốn được coi là trào lưu tư tưởng chủ lưu của đảng Cộng Hòa, để tập trung hoàn toàn vào việc cổ vũ cho thương mại.
Hai thay đổi được giới quan sát nói chung đặc biệt quan tâm là việc tổng thống Trump xa rời chủ thuyết « can thiệp » mạnh vào công việc nội bộ nhiều quốc gia tại khu vực, và giữ khoảng cách với Israel, vốn được coi là đồng minh chủ chốt của Washington tại Trung Đông.
Chìa tay với cựu thủ lĩnh thánh chiến Syria: Thay đổi 180 độ
Sự kiện nổi bật là cuộc hội kiến bất ngờ ngày 14/05, giữa Trump với tân lãnh đạo Syria, quốc gia láng giềng kình địch với Israel, một cựu chỉ huy của tổ chức thánh chiến Al-Qaida, và có liên hệ với tổ chức Nhà nước Islamic trước đây. Ngay sau đó, Washington tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn « các trừng phạt » với Syria. Theo Le Monde, đây là một quyết định bất ngờ, bởi trước đó, hồi cuối tháng 4, Mỹ vẫn được là có chủ trương dỡ bỏ dần dần cấm vận, tùy theo hành xử của tân chánh quyền Syria. Theo Le Monde, một cộng sự thân cận lâu năm của Trump, ông Sebastian Gorka, phụ trách chống khủng bố trong Hội đồng An ninh Quốc gia, đã tỏ ra không mấy tin tưởng ở ông chủ mới của Syria, từng là người sáng lập Mặt trận Al-Norsa, chi nhánh Syria của Al-Qaida, lực lượng đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố Tòa tháp đôi New York năm 2001. Ả Rập Saudi được coi là đã có tiếng nói quyết định trong việc Trump thay đổi thái độ với Syria (bài « MBS, người có ảnh hưởng lớn đến Trump », Radio France, 10/05/2025).
Cùng với thay đổi lớn trong chánh sách về Syria, chánh quyền Trump trong những tuần qua đã có các đàm phán riêng rẽ với các lực lượng thân Iran, như Houthi ở Yemen, hay Hamas ở Gaza, cũng như trực tiếp mở đàm phán về nguyên tử với Iran, từng là đối thủ không đội trời chung của Ả Rập Saudi, và hiện là kẻ thù của Israel. Thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Houthi đầu tháng 5/2025, ngừng tấn công nhau, gạt qua một bên các oanh kích của Houthi chống Tel aviv, khiến Israel phẫn nộ.
Diễn văn Ryad: Lên án « chánh sách can thiệp » truyền thống của Mỹ…
Diễn biến đáng chú ý thứ hai trong chuyến công du ngắn vùng Vịnh là bài diễn văn tại Ryad, Ả Rập Saudi, trong đó, Trump không chỉ lên án chánh quyền tiền nhiệm Joe Biden, mà còn chỉ trích « chánh sách can thiệp » truyền thống của Mỹ, bao gồm phe Cộng Hòa, tại khu vực. Trang mạng Pháp Le Grand Continent, chuyên về địa-chánh trị (đại thế chánh trị), trích bài diễn văn của Donald Trump, cổ vũ cho một tương lai hoàn toàn khác tại nơi vẫn được coi là một lò lửa chiến tranh của thế giới:
« Dưới mắt của chúng ta, một thế hệ các lãnh đạo mới, mệt mỏi vì các chia rẽ lâu đời, đang vượt qua các xung đột của quá khứ và kiến tạo một tương lai mới nơi Trung Đông được coi là xứ sở của thương mại, chứ không phải là xứ sở hỗn loạn, nơi xuất cảng công nghệ chứ không phải là nơi xuất cảng khủng bố, nơi tất cả mọi người thuộc các dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau cùng nhau xây dựng các thành phố chứ không phải là oanh kích nhau ».
… tố cáo các thất bại của Mỹ, ca ngợi các nỗ lực tại chỗ
Trong bài giới thiệu về diễn văn này, Le Grand Continent chú ý đến việc tổng thống thứ 47 của nước Mỹ chỉ trích trực diện chánh sách « can thiệp » của những người tiền nhiệm, chỉ dẫn đến « chiến tranh và hủy diệt », khi nhấn mạnh là thay đổi lớn nói trên không đến từ « chánh sách can thiệp của Tây phương, cũng những người ngự trên những phi cơ sang trọng đến đây để dạy cho quý vị các bài học về cách sống và cách quản trị các hoạt động kinh doanh của riêng quý vị… », không đến từ « những con người thuộc giới tân bảo thủ (neocon) », « cũng như những người đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đô-la nhưng đã không thành công trong việc phát triển Kabul, Bagdad, và nhiều thành phố khác », mà ngược lại, « một khu vực Trung Đông hiện đại » đang thành hình « đã là kết quả của các nỗ lực của chính các cư dân trong vùng ».
Các nỗ lực ngoại giao hòa giải của Trump dường như bước đầu mang lại một số thay đổi đáng chú ý. Ngày 19/05 vừa qua, theo báo chí Mỹ, ngoại trưởng Iran bắn tín hiệu ủng hộ việc lập ra một tổ hợp làm giàu uranium vì mục tiêu dân sự, với sự tham gia của các nước Ả Rập và đầu tư của Mỹ.
Sự tiếp nối: Khẳng định vai trò « bảo trợ an ninh » của Mỹ trong bối cảnh mới
Bài diễn văn Ryad của Trump nhấn mạnh đến sự đoạn tuyệt với chánh sách « can thiệp » truyền thống, nhưng nhiều chuyên gia cũng nhận thấy trong chiến lược mới về Trung Đông đang thành hình, một sự tiếp nối. Với Le Grand Continent, diễn văn được coi là « phát biểu đầu tiên về chánh sách đối ngoại được biên soạn bài bản » của Donald Trump nhắc gợi đến bài diễn văn nổi tiếng « A New Beginning » (Sự khởi đầu mới), của tổng thống Barack Obama tại Đại học Cairo, Ai Cập, hồi 2009, hướng đến thay đổi triệt để quan hệ giữa Mỹ và khu vực sau « thời kỳ Bush » (2001 - 2009). Diễn văn Cairo - mở ra con đường hướng đến thỏa thuận nguyên tử giữa Iran với lục cường năm 2015, mà Trump đã từ bỏ trong nhiệm kỳ đầu – là một dấu ấn căn bản khiến Obama được giải Nobel Hòa bình.
Tuy nhiên, sự tiếp nối cũng liên quan đến vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ. Trong bài « Donald Trump chào hàng tại các nước vùng Vịnh: chuyện áp phe riêng tư hay chiến lược sáng suốt? », trên RTBF (Bỉ), dẫn lời của chuyên gia Hasni Abidi, Trung tâm nghiên cứu về thế giới Ả Rập và vùng Địa Trung Hải (Đại học Genève). Theo tác giả cuốn « Moyen-Orient selon Trump » (Trung Đông theo cách nhìn của Trump) (xuất bản năm 2025), đối với các nền quân chủ vùng Vịnh, « chỉ duy nhất nước Mỹ có thể mang lại bảo đảm an ninh », cụ thể như trước mắt là với Ả Rập Saudi trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn như « Cúp bóng đá thế giới, Triển lãm toàn cầu, hay dịp thái tử MBS chánh thức kế nhiệm cha ». Các hợp đồng lớn mua vũ khí Mỹ, trong đó có loạt hợp đồng tổng trị giá 142 tỉ đô-la với Ả Rập Saudi vừa ký kết, tiếp tục « giữ vị trí hàng đầu » trong quan hệ giữa Mỹ với các cường quốc dầu khí vùng Vịnh. Các nước vùng Vịnh mua đến 22% tổng lượng vũ khí xuất cảng trên thế giới (từ 2019 – 2023), đa số là vũ khí Mỹ (số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockhom).
Việc giữ khoảng cách với Israel không có nghĩa là nước Mỹ thời Trump hạ thấp quan hệ với Tel Aviv. Chuyên gia Hasni Abidi cũng nhấn mạnh là cho đến nay, tổng thống Mỹ « vẫn chống lại giải pháp hai Nhà nước » (tức công nhận nhà nước Palestine, điều mà Israel không chấp nhận), ngược lại với quan điểm của đại đa số các nước vùng Vịnh và khu vực Trung Đông nói chung, và « đã tiếp tục cung cấp cho Israel một lượng lớn vũ khí, bao gồm cả các vũ khí bị chánh quyền tiền nhiệm ngăn chặn ».
Vùng Vịnh, một bàn đạp để Mỹ thành siêu cường: Địa bàn đối đầu mới với Trung Quốc
Tiêu biểu cho tiếng nói phản biện, muốn đi sâu hơn trong việc giải mã chánh sách của Trump là chuyên gia Adam Hanieh, giáo sư kinh tế chánh trị học, Đại học Exter, Anh Quốc. Theo tác giả cuốn sách mới ra mắt về chủ nghĩa tư bản, quyền lực và thị trường thế giới (*), thì đằng sau các thay đổi được quảng cáo rầm rộ, chánh sách của Trump hiện tại với các nước vùng Vịnh trên thực tế là sự tiếp nối một lịch sử lâu đời (bài viết trên trang The Conversation, ra mắt sau chuyến công du của Donald Trump).
Các cường quốc dầu mỏ vùng Vịnh từng đóng một vai trò rất lớn trong sự trỗi dậy của nước Mỹ như siêu cường số một thế giới trong thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XXI, vùng Vịnh đang trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc – hiện đã vượt Mỹ trở thành nhà đầu tư số một tại Ả Rập Saudi, việc ông Trump chọn khu vực này là điểm công du ra nước ngoài đầu tiên cũng cần được đặc biệt lưu tâm ở phương diện này.
--
Ghi chú: Adam Hanieh là tác giả cuốn « Crude Capitalism: Oil, Corporate Power, and the Making of the World Market » (xuất bản năm 2024).
(Theo RFI)