Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (bên trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp tại dinh thự chính thức của thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 05/8/2022. (Ảnh: Japan Pool/Jiji Press/AFP/Getty Images)
Hôm thứ Sáu (05/8), trong chặng cuối của hành trình công du châu Á, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết Hoa Kỳ sẽ “không cho phép” Trung Quốc cô lập Đài Loan và chuyến đi của bà không nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) hôm thứ Sáu (05/8) đã tổ chức buổi họp báo tại Nhật Bản – chặng cuối trong hành trình công du châu Á của mình. Bà đã ca ngợi Đài Loan, nhấn mạnh tình đoàn kết của Hoa Kỳ và cho biết chuyến đi của bà không nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.
Trước đó, bà cùng Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đã đến Singapore, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc.
Bà Pelosi nói “Họ có thể cố gắng ngăn Đài Loan đến thăm hoặc tham gia vào các nơi khác, nhưng họ sẽ không cô lập Đài Loan bằng cách ngăn cản chúng tôi đến đó… Chúng tôi sẽ không cho phép họ cô lập Đài Loan".
Bà Pelosi nhấn mạnh rằng chuyến thăm châu Á "không nhằm thay đổi hiện trạng" trong khu vực.
Bà nói: “Đó là về Đạo luật Quan hệ Đài Loan, chính sách Mỹ-Trung, tất cả các luật lệ và thỏa thuận đã thiết lập mối quan hệ giữa hai quốc gia - vì nền hòa bình ở eo biển Đài Loan và hiện trạng chiếm ưu thế”. "Đây không phải là về chúng tôi, đây là về Trung Quốc".
Bà Pelosi cũng gọi hòn đảo tự trị là “một trong những quốc gia tự do nhất trên thế giới” và “một nền dân chủ vĩ đại với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ”.
Khi được hỏi bà ấy cảm thấy chuyến đi của mình tới châu Á sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bà Pelosi nói rằng điều quan trọng là phải duy trì liên lạc giữa hai quốc gia, "nếu chúng ta không lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại, chúng ta sẽ mất tất cả thẩm quyền đạo đức để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới".
Các vấn đề về Nhân quyền
Nhà lập pháp lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng nước này vẫn là một quốc gia của "mâu thuẫn", đồng thời bà chỉ ra các vấn đề nhân quyền như báo cáo về các vụ diệt chủng hàng loạt.
ĐCSTQ đã bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và trong số các nhóm thiểu số khác như các học viên Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
“Một lần nữa, chuyến thăm của chúng tôi không nhằm xác định mối quan hệ Mỹ-Trung. Đó là một thách thức lớn hơn và lâu dài hơn và một thách thức mà chúng tôi phải làm việc cùng nhau trong một số lĩnh vực nhất định", bà Pelosi nói.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của bà Pelosi và các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế khác đang thiết lập quan hệ với các quan chức Đài Loan.
Bình luận của Pelosi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan. Hôm thứ Năm (04/8), quân đội nước này đã bắn một loạt tên lửa đạn đạo Dongfeng vào vùng biển gần Đài Loan, trong đó có năm tên lửa được cho là đã hạ cánh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Các vụ phóng tên lửa, được cho là để trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị, đã được Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo và khiến Bộ Quốc phòng Đài Loan kích hoạt hệ thống phòng thủ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, hôm thứ Sáu (05/8) gọi vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là một “vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự an toàn của công dân Nhật Bản”. Ông nói với các phóng viên rằng các hành động gần đây của Bắc Kinh cũng “có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, quốc tế đã lên án hành vi hung hăng của quân đội Trung Quốc trong khu vực sau chuyến thăm của Pelosi.
(Theo ntdvn.net)