Trong bài viết mới đây trên South China Morning Post, tác giả Maria Show* cho rằng, thông tin về khuôn khổ hợp tác 4 bên giữa Mỹ, Pakistan, Uzbekistan và Afghanistan gần đây làm dấy lên câu hỏi phải chăng Bộ tứ mới được lập ra để đối phó với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

 

 

 

Việc sử dụng khái niệm 'Bộ tứ' (Quad) khiến người ta liên tưởng tới nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác Mỹ-Australia-Ấn Độ- Nhật Bản vốn bị Bắc Kinh chỉ trích là liên minh chống Trung Quốc. (Nguồn: EPA)

 

 

 

 

Nắm bắt cơ hội lịch sử.

 

Có rất ít thông tin về khuôn khổ hợp tác 4 bên mới được công bố vào tháng trước giữa Mỹ, Pakistan, Uzbekistan và Afghanistan, ngoại trừ nội dung nói về mục đích tăng cường kết nối tại khu vực.

 

 

Trong một tuyên bố dài vỏn vẹn trong… 1 đoạn, được đưa ra ngày 16/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bốn quốc gia hướng tới mục đích “mở rộng giao thương, xây dựng mối liên kết giữa các nước và tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau" với mục tiêu nắm bắt "cơ hội lịch sử để mở các tuyến thương mại liên vùng vốn đang phát triển mạnh mẽ".

 

 

 

Tuyên bố cũng cho hay, bốn thành viên thuộc nhóm “Bộ tứ Khu vực Ủng hộ Tiến trình Hòa bình và Giải pháp sau đó ở Afghanistan” đều “xem hòa bình và ổn định lâu dài ở Afghanistan là yếu tố quan trọng đối với kết nối khu vực, nhất trí cùng nhau tăng cường hòa bình và kết nối khu vực”, và sẽ cùng nhau thảo luận thêm về sự hợp tác bốn bên trong những tháng tới.

 

 

Việc sử dụng thuật ngữ Bộ tứ (Quad) cho mối quan hệ đối tác mới khiến người ta liên tưởng tới Đối thoại An ninh Tứ giác Mỹ-Australia-Ấn-Nhật, cũng được gọi là nhóm Bộ tứ vốn bị Bắc Kinh chỉ trích là liên minh chống Trung Quốc.

 

 

Tuy nhiên, với những thông tin còn ít ỏi như vậy, các nhà phân tích vẫn còn chia rẽ về việc liệu việc hình thành nhóm mới này có thực sự nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc hay không và mức độ hiệu quả của nó trong việc đạt được các mục tiêu như đã được nêu trong tuyên bố nói trên.

 

 

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Rand Corporation, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết, Quad mới dự kiến ​​sẽ tập trung nhiều hơn vào kinh tế. Tuy nhiên, sẽ khó tập trung vào việc xây dựng kết nối kinh tế mà không có an ninh, bởi vậy sẽ “phải xem tiến trình này diễn ra như thế nào”.

 

 

 

 

Trọng tâm là Afghanistan.

 

Trong khi Mỹ đang hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng này, việc Taliban chiếm giữ các trạm kiểm soát và khu vực gần đây của lực lượng chính phủ Afghanistan khiến người ta lo ngại về khả năng nội chiến và bất ổn sẽ quay trở lại khu vực.

 

 

Kashish Parpiani, một nhà nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát có trụ sở tại New Delhi, nhận định, Bộ tứ mới có thể góp phần đảm bảo cho một nước Afghanistan nằm trọn trong đất liền vẫn có thể tương tác với các nước láng giềng và thế giới bên ngoài bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới và cho phép nước này được tiếp cận khu vực rộng lớn hơn.

 

 

Việc đưa Pakistan và Uzbekistan vào nhóm cũng có ý nghĩa vì hai nước này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định ở Afghanistan. Mỹ đã từng hợp tác quân sự và tình báo với Islamabad và hợp tác với Tashkent về việc tái định cư cho những người tị nạn Afghanistan và những người dân địa phương từng làm việc cho quân đội Mỹ.

 

 

Còn theo Mark N. Katz, giáo sư chính trị tại Đại học George Mason, Mỹ, mục đích thứ hai của nhóm Bộ tứ mới - là giữ cho các tuyến đường tiếp tế luôn luôn được khai thông, để Washington có thể tiếp tục hỗ trợ các lực lượng chính phủ ở Afghanistan.

 

 

Katz nói “Nếu nhận được tiếp tế của Mỹ, các lực lượng Afghanistan có thể vẫn không bảo vệ được chính quyền Kabul. Nhưng nếu không nhận được tiếp tế thì một điều chắc chắn là họ sẽ không làm được điều đó”.

 

 

Katz cũng cho rằng quyết định của Washington đưa cả Pakistan và Uzbekistan vào một quan hệ đối tác mới là để đảm bảo rằng không quốc gia nào có được "độc quyền" về tuyến đường tiếp tế, và bất kỳ lúc nào Mỹ cũng có thể "quyết định chuyển các nguồn cung cho Afghanistan" thông qua một trong hai nước láng giềng này.

 

 

Theo Umida Hashimova, một nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Á, cho rằng, động lực để Uzbekistan gia nhập Bộ tứ mới là để có được sự ủng hộ chính trị của Mỹ - và "bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào mà Washington có thể cung cấp" - cho một kế hoạch tuyến đường sắt xuyên Afghanistan, mà một khi hoàn thành, sẽ tạo ra một tuyến đường mới nối Trung Á với các cảng biển của Pakistan.

 

 

Nhà phân tích này lưu ý rằng, Tashkent đã bắt đầu tài trợ các cuộc thảo luận với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế do nhà nước Mỹ điều hành về dự án kết nối Peshawar ở Pakistan với Mazar-i-Sharif ở miền Bắc Afghanistan - và đến Uzbekistan thông qua một tuyến đường sắt hiện có. Việc xây dựng đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt dài 573 km, giữa Kabul và Mazar-i-Sharif, dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tháng tới.

 

 

 

 

Lực lượng an ninh Afghanistan đứng gác tại một trạm kiểm soát ở Herat, Afghanistan. (Nguồn: EPA)

 

 

 

 

Hai nhóm Bộ tứ là quá nhiều?.

 

Vì tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Mỹ về Bộ tứ mới không đề cập đến Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng, việc lập nhóm này không nhằm mục đích chống lại Bắc Kinh.

 

 

Tuy nhiên, Muhammad Ali Baig, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Islamabad của Pakistan, nhận xét, chỉ riêng cái tên của nhóm là Quad đã khiến nhiều người phải giật mình, nhất là đối với một số nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”.

 

 

Ông này cho rằng, Đối thoại An ninh Bộ tứ (Mỹ-Ấn Độ-Australia-Nhật Bản) đã nhanh chóng biến thành một "NATO châu Á", ám chỉ đến liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương được thành lập để cung cấp an ninh tập thể chống lại Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai. Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã mô tả Bộ tứ đầu tiên này là “NATO Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

 

 

Còn theo Yan Liang, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette ở bang Oregon, Mỹ, Bộ tứ mới rõ ràng là một nỗ lực của Washington nhằm chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

 

Nhà nghiên cứu này nhắc lại sáng kiến ​​Xây dựng lại Thế giới tốt đẹp hơn đã được Mỹ khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 như một đối trọng với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ đô la của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy kết nối và thương mại toàn cầu.

 

Liang nói “Từ quan điểm của Bắc Kinh, đây (Bộ tứ mới) chắc chắn giống như một chiến lược để hình thành một ‘khối đối đầu’ và một vòng vây chống Trung Quốc”.

 

 

Trong khi đó, theo Nishank Motwani, giám đốc nghiên cứu và chính sách của Tổ chức Tư vấn ATR có trụ sở tại Kabul, Trung Quốc khó có thể “mất ngủ” vì Bộ tứ mới này, bởi Bắc Kinh có ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong khu vực lớn hơn nhiều so với Mỹ.

 

 

Số liệu của Tổ chức theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc có trụ sở tại Washington cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2020, các công ty Trung Quốc đã đầu tư gần 50 tỷ USD vào Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

 

 

Đồng quan điểm với Liang, nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman cũng cho rằng, đúng là việc sử dụng thuật ngữ “Quad” mang ý nghĩa tiêu cực đối với Bắc Kinh, nhưng theo ông, “thật khó để tranh luận rằng, cả bốn quốc gia thuộc nhóm Bộ tứ mới đều ở cùng một phía với Mỹ khi nói về Trung Quốc.

 

 

“Pakistan là đối tác lâu năm của Bắc Kinh hàng thập kỷ nay”, ông nói và cho biết thêm, chính phủ Afghanistan trước đây cũng từng hoan nghênh các dự án BRI là giúp tái thiết cơ sở hạ tầng tại đất nước này, vốn bị chiến tranh tàn phá.

 

 

Mặc dù vậy, theo ông Grossman, quan hệ của Bắc Kinh với chính quyền Kabul có thể bị lung lay bởi những động thái gần đây của Trung Quốc với Taliban. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đã gặp đại diện của Taliban ở Trung Quốc vào cuối tháng trước.

 

 

Trong khi đó, Uzbekistan thân cận với Mỹ hơn nhưng vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc và không nhất thiết phải xa lánh Bắc Kinh.

 

 

Tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần đầu tiên được tổ chức ở Bắc Kinh vào năm 2017, Uzbekistan và Trung Quốc đã ký kết 115 thỏa thuận trị giá hơn 23 tỷ USD nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất điện, dầu mỏ đến giao thông, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.

 

 

Ông Grossman cho rằng, nếu Bộ tứ mới thực sự tồn tại, họ sẽ phải “tập trung vào việc xây dựng kết nối kinh tế thay vì xây dựng một khối chống Trung Quốc ”.

 

 

Một quan hệ đối tác không hiệu quả?.

 

Các nhà phân tích cũng nghi ngờ về mức độ hiệu quả của Bộ tứ mới trong việc đạt được các mục tiêu nhóm này nêu ra, do mối quan hệ rắc rối giữa các thành viên của nhóm với Mỹ trong quá khứ.

 

 

Theo Mark N. Katz thuộc Đại học George Mason, tư cách là đối tác của Pakistan với Mỹ “rõ ràng đáng ngờ" do sự ủng hộ dành cho lực lượng Taliban.

 

 

Pakistan từ lâu đã bị cáo buộc hậu thuẫn về quân sự, tài chính và tình báo cho Taliban, vốn đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan theo kiểu tiểu vương quốc Hồi giáo chính thống, nơi cấm đoán quyền của phụ nữ và các hoạt động giải trí, cho đến khi lực lượng này bị Mỹ tấn công vào năm 2001. Dĩ nhiên, Islamabad đã bác bỏ các cáo buộc.

 

Trong khi đó, ông Motwani thuộc nhóm Tư vấn ATR lập luận, với việc rút quân - sau hai thập kỷ chiến tranh và khoảng 47.600 dân thường thiệt mạng, Mỹ đã “bỏ rơi” Afghanistan, “đẩy một ‘chính phủ thân Mỹ nhất trong khu vực’ vào tay một tổ chức khủng bố có phương thức hoạt động chỉ đem lại cái chết, bóng tối và sự hủy diệt đối với dân thường”.

 

 

Cũng theo nhận xét của ông Motwani, việc lôi kéo các nước để lập Bộ tứ mới chẳng qua là biểu hiện cho “sự tuyệt vọng của Washington trong việc cứu vãn một hồ sơ đang thất bại”.

 

 

Giáo sư kinh tế Yan Liang, vốn vẫn coi Bộ tứ mới là phần mở rộng của sáng kiến G7 xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn do Mỹ đứng đầu như đã đề cập ở trên, bày tỏ hoài nghi về nguồn tài trợ cho các liên kết vận chuyển, cũng như các tuyến thương mại ở Afghanistan trong khi bản thân Washington đang gặp khó khăn để thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trong nước vốn đã được cắt giảm một nửa, xuống còn 1 nghìn USD.

 

 

Giáo sư này nói “Kế hoạch cơ sở hạ tầng của G7 cũng không có khả năng phối hợp và hợp tác với gần 2.600 dự án vành đai và con đường - trị giá khoảng 3,7 nghìn tỷ USD - mà Trung Quốc đã triển khai ở các nước đang phát triển".

 

Yan Liang viết trong một bài bình luận gửi tờ East Asia Forum hồi tháng trước rằng: “Điều này có thể dẫn đến những nỗ lực trùng lặp, hình thức, thiếu phối hợp và thậm chí mất trật tự nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu ”.

 

 

Maria Siow có bằng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế, là phóng viên và nhà phân tích lâu năm tại Bắc Kinh, rất quan tâm đến khu vực Đông Á.

(Nguồn: South China Morning Post – SCMP)