Bức ảnh này được chụp vào ngày 14 tháng 5 năm 2014 từ một tàu tuần duyên của Việt Nam cho thấy một tàu tuần duyên của Trung Quốc (R) đang đi gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông (HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)
TRUNG QUỐC - Theo một báo cáo mới từ các Viện Nghiên cứu năng lượng (IER), Trung Quốc sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và đang chuyển sang chiếm lĩnh thị trường pin xe điện (EV) của thế giới, nhưng người khổng lồ Châu Á này cũng đã bắt tay vào chiến lược bành trướng xâm nhập thăm dò và sản xuất dầu khí trên Biển Đông, phần Trung Quốc tự nhận là họ có chủ quyền.
Theo báo cáo được công bố hôm 26/10, “Chiến lược tập trung vào giảm thiểu xả thải carbon của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các nhà phân tích Mỹ, thậm chí một số người còn kêu gọi Mỹ phải giảm xả thải tương xứng với nỗ lực của Trung Quốc.”
Báo cáo nêu, “Mặc dù Trung Quốc thực sự đã đầu tư rất nhiều vào cái mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi là khoáng chất chuyển đổi năng lượng (ETM), sản xuất nhiều tấm pin mặt trời hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đang nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất pin, nhưng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc là rất đa dạng.”
“Mặc dù đã tăng cường sản xuất ETM, pin mặt trời, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ sao lãng trong nhiệm vụ đảm bảo nguồn tài nguyên hóa thạch, vốn đảm bảo cung cấp 70% năng lượng điện cho quốc gia này. Nhu cầu dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao của Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách tăng cường khai thác tài nguyên hoá thạch và dầu khí.”
Do việc tăng cường sản xuất năng lượng, Trung Quốc “hiện thường xuyên xâm phạm vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông khác như Việt Nam, Philippines và Malaysia. Bất chấp các phán quyết quốc tế chống lại hành vi của họ trong khu vực. Các hoạt động theo đuổi bành trướng của Trung Quốc chỉ tăng cường trong những năm gần đây, gây nguy hiểm cho lợi ích chung toàn cầu về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Báo cáo IER được nghiên cứu và viết bởi ông Jordan McGillis, phó giám đốc phụ trách chính sách của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.
Theo ông McGillis, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây và trong khi Bắc Kinh thường được ca ngợi trên các phương tiện truyền thông phương Tây vì những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì thực tế là Bắc Kinh rất thèm khát các nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá.
“Ngày nay, Trung Quốc tiêu thụ dầu thô nhiều hơn 50% so với chỉ 10 năm trước. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tăng trưởng tiêu thụ dầu của Trung Quốc chiếm 2/3 lượng tiêu thụ dầu toàn cầu mới trong năm 2019.”
Nhu cầu nhiên liệu hoá thạch của Trung Quốc lớn đến nỗi ngay cả khi nền kinh tế thế giới chậm lại do COVID-19 gây ra, Bắc Kinh đã đốt nhiều dầu thô hơn vào năm 2020, khoảng 5 tỷ thùng dầu, nhiều nhất từ trước đến nay trong một năm.
Kết hợp với nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng cao, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc làm giảm việc sử dụng năng lượng tái tạo của nước này.
“Việc sử dụng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc thậm chí còn tăng nhanh hơn so với việc sử dụng dầu mỏ, nhân lên gấp 10 lần kể từ năm 2001. Trong khi tốc độ tăng trưởng của dầu mỏ ở Trung Quốc được theo dõi với mức tăng sử dụng năng lượng tổng thể của đất nước, duy trì ở mức tăng 20% mỗi năm trong suốt 20 năm qua. Theo ông McGillis, trong cùng một khoảng thời gian, khí đốt tự nhiên đã tăng từ 2% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc lên 8%.
Ông viết “Để so sánh, vào năm 2018, năm hoàn chỉnh cuối cùng trong trình duyệt dữ liệu của IEA, năng lượng từ gió và mặt trời chỉ chiếm ít hơn 3% trong tổng nhu cầu sử dụng năng lượng của Trung Quốc.” Do đó, Trung Quốc hiện là nhà nhập cảng dầu thô lớn nhất thế giới. Lượng dầu nhập khẩu này cung cấp tới ¾ cầu sử dụng năng lượng hàng năm ở Trung Quốc.”
Biển Đông là một khu vực màu mỡ để khai thác dầu khí và việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm Biển Đông để khai thác dầu chính là một phần quan trọng trong chương trình chính trị tổng thể của ĐCSTQ.
Ông McGillis trích lời bà Erica Downs, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, về sự thúc đẩy của ông Tập với chính sách ‘đánh cướp’ mỏ dầu khí trên Biển Đông:
“Ông Tập đã chỉ thị cho [các công ty dầu khí quốc gia] của Trung Quốc tăng cường thăm dò và sản xuất dầu và khí tự nhiên trong nước để tăng cường an ninh năng lượng quốc gia vào tháng 6/2018. Chỉ thị của ông Tập nhất quán với việc ông ấy đề cao khả năng tự lực để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.”
“Nguyên nhân thúc đẩy sự tự cường của ông Tập là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm xuất cảng vào tháng 04/2018 đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, đe dọa sự tồn vong của tập đoàn này. Mặc dù Bộ Thương mại đã dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 07/2018, nhưng vụ việc đã nhấn mạnh cho Bắc Kinh những rủi ro khi phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông McGillis lưu ý, hàng nghìn giếng dầu và khí đốt mới đã được khoan để đáp lại chỉ thị của ông Tập, trong đó có hàng trăm giếng ở “các khu vực ngoài khơi đang tranh chấp ở Biển Đông”, cũng là một điểm giao thông hải quân và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Khu vực Biển Đông được EIA ước tính chứa ít nhất 10 tỷ thùng dầu có thể thu hồi và 200 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên, nhưng ông McGillis cho biết Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên ở vùng biển này còn lớn hơn nhiều ước tính của EIA.
Dựa vào tuyên bố chủ quyền đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế về “Đường chín đoạn” với phần lớn Biển Đông, Bắc Kinh thường xuyên vi phạm các Vùng Đặc quyền Kinh tế được các cơ quan chức năng quốc tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia công nhận.
Ông McGillis viết: “Mỗi quốc gia nói trên thường xuyên nhận thấy các ngành đánh cá và năng lượng của mình bị quấy rối bởi các thực thể Trung Quốc, cả chính thức và không chính thức, đồng thời phát hiện các thực thể Trung Quốc đang theo đuổi các hoạt động đánh bắt và thăm dò năng lượng phi pháp của họ”.
(ntdvn.com - Theo The Epoch Times)