QUỐC TẾ - Hồ sơ Pandora cho thấy các công ty ủy thác và chuyên gia tư vấn lợi dụng "lỗ hổng" trong luật pháp Thụy Sĩ để giúp giới siêu giàu và thậm chí tội phạm tài chính che giấu tài sản.

 

 

Trong 6 thập niên, tập đoàn Fidinam, một trong những công ty ủy thác lớn nhất của Thụy Sĩ, đã cam kết bảo vệ tài sản của khách hàng khỏi tầm tay của các nhà thu thuế và người dòm ngó khác.

 

 

Fidinam viết trên trang web của họ “Hãy nghĩ chuyện lớn. Còn lại, để chúng tôi lo những thứ khác”.

 

 

Và vụ rò rỉ tài liệu bí mật với tên gọi Hồ sơ Pandora đã đưa ra ánh sáng cách các doanh nghiệp như Fidinam khai thác lỗ hổng trong hệ thống quản lý của Thụy Sĩ để giúp người giàu có, giới quyền lực che giấu tài sản, Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết.

 

 

 

Còn nhiều lỗ hổng.

 

Một trong số những khách hàng “dám nghĩ lớn” của Fidinam là Massimo Bochicchio, nhà tài chính đã hứa hẹn với các nhà đầu tư của mình về những khoản lợi nhuận kếch xù.

 

 

Bochicchio cho biết những gì họ phải làm là chuyển tiền vào tài khoản của Kidman Asset Management, công ty mà ông tuyên bố có liên kết với ngân hàng HSBC của Anh.

 

 

Nhưng Kidman là chỉ một công ty vỏ bọc ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và không phải là một phần trong mạng lưới toàn cầu của ngân hàng HSBC. Hồ sơ Pandora đã cung cấp những chi tiết mới về mối liên hệ của Fidinam với vụ bê bối này.

 

 

Trong hơn một thập kỷ, công ty đã cung cấp các dịch vụ kinh doanh chính cho Kidman, thậm chí nắm giữ giấy ủy quyền đối với tài khoản ngân hàng Kidman.

 

 

Các tài liệu bị rò rỉ cũng cung cấp thông tin về hơn 90 chuyên gia tư vấn Thụy Sĩ, hoạt động trong các công ty pháp lý, công chứng hay tư vấn, có tham gia vào dịch vụ tài chính ngoại biên.

 

 

Tại Thụy Sĩ, ngân hàng được yêu cầu thực hiện thẩm định đối với khách hàng nước ngoài để báo cáo các hoạt động tài chính đáng ngờ cho cơ quan chức năng.

 

 

Nhưng các nhà tư vấn không phải tuân theo yêu cầu này, trừ khi họ quản lý tiền của khách hàng. Năm 2020, họ chỉ đệ trình một phần rất nhỏ, khoảng 2%, trong số hơn 5.300 báo cáo hoạt động đáng ngờ diễn ra ở Thụy Sĩ.

 

 

Một số nhà lập pháp Thụy Sĩ đã nỗ lực siết chặt quy định với các chuyên gia tư vấn nhưng thất bại. Những người phản đối lập luận rằng luật hiện hành đã đủ để chống nạn rửa tiền.

 

Hồ sơ Pandora cung cấp thông tin về hơn 90 nhà tư vấn Thụy Sĩ có tham gia vào các dịch vụ tài chính ngoại biên. Ảnh: ICIJ.

 

 

 

 

Stefan Lenz, cựu điều tra viên cấp cao của văn phòng tổng chưởng lý Thụy Sĩ, cho biết chuyên gia tư vấn Thụy Sĩ thường đóng vai trò quan trọng trong các vụ phạm tội tài chính.

 

 

Các cuộc điều tra trước đây đã chỉ ra rằng “các công ty ủy thác Thụy Sĩ và các luật sư đã thiết kế cấu trúc công ty ngoại biên phức tạp để rửa tiền và hầu như không có cách nào truy tố họ”, Lenz nói. “Sự giám sát hiện tại đối với những đối tượng này còn quá nhiều lỗ hổng”.

 

 

 

Không chỉ đơn giản là công ty tư vấn.

 

Thống kê từ năm 2005-2016 cho thấy ít nhất 26 công ty Thụy Sĩ xuất hiện trong Hồ sơ Pandora đã cung cấp dịch vụ cho đối tượng bị điều tra về tội rửa tiền và vi phạm tài chính, nhân quyền.

 

 

Trong một số trường hợp, các công ty Thụy Sĩ đóng vai trò là người giới thiệu, kết nối khách hàng với các nhà cung cấp dịch vụ mua bán, đầu tư ở nước ngoài.

 

 

Tuy nhiên, Fidinam đôi khi còn đóng vai trò nhiều hơn là “người giới thiệu".

 

 

Fidinam là một trong những công ty ủy thác lâu đời nhất của Thụy Sĩ, cung cấp các dịch vụ tư vấn thuế, bất động sản và kinh doanh tại ba lục địa.

 

 

Các tài liệu rò rỉ cho thấy Fidinam đã tìm đến các thiên đường thuế bí mật như Panama để giúp khách hàng trốn thuế.

 

 

Jaime Aleman cho biết “Khách hàng chỉ đơn giản đến Thụy Sĩ, mở tài khoản ngân hàng mà đối tượng thụ hưởng là một tập đoàn Panama. Vì vậy, các hoạt động hoàn toàn bí mật và không phải đóng thuế ở Thụy Sĩ hay Panama”.

 

Ông cho biết thêm. “Các nhà chức trách ở quốc gia khác không hề biết sự tồn tại của những khoản tiền này. Do đó, họ không thể thu thuế đối với nó”.

 

 

Từ đầu những năm 2000, Fidinam đã làm việc với Alcogal, công ty luật Panama, để thành lập hơn 7.000 công ty vỏ bọc cho khách hàng nước ngoài của mình.

 

 

Fidinam liên tục cam kết rằng họ sẽ thực hiện “mọi biện pháp một cách thận trọng, hợp lý để đảm bảo các hoạt động rửa tiền không diễn ra”.

 

 

Tuy nhiên, các nhà chức trách đã điều tra ra ít nhất 30 khách hàng có liên quan đến cáo buộc phạm tội tài chính.

 

 

 

Các tài liệu rò rỉ cho thấy Fidinam đã tìm đến các thiên đường thuế bí mật như Panama để giúp khách hàng trốn thuế. Ảnh: Guardian.

 

 

 

 

Vào năm 2017, các cơ quan quản lý Panama phát hiện ra Fidinam và Alcogal đã giúp Paulo Roberto Costa, cựu Giám đốc điều hành công ty dầu khí Brazil Petrobras, thành lập hai công ty vỏ bọc để nhận hối lộ hơn 5 triệu USD.

 

 

Không những vậy, một trong những khách hàng lâu năm của Fidinam, Delfo Zorzi, thậm chí còn bị điều tra trong suốt nhiều năm vì cáo buộc liên quan đến hai vụ tấn công khủng bố. Một vụ đánh bom ngân hàng Milan xảy ra năm 1969 khiến 16 người thiệt mạng và một vụ đánh bom năm 1974, cũng ở Italy, khiến 8 người chết.

 

 

 

Bến cảng "hải tặc".

 

Từ những năm 1930, Thụy Sĩ đã được xem là trung tâm tài chính bí mật của thế giới.

 

Mark Pieth, giáo sư luật hình sự tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ, ví von “Thụy Sĩ là bến cảng của 'cướp biển'. Bạn sẽ tìm thấy mọi thứ bạn cần nếu muốn giấu tiền”.

 

 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến bí mật của Thụy Sĩ trở thành tâm điểm chú ý. Các nhà chức trách Mỹ phát hiện ra UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã giúp khoảng 52.000 người Mỹ giấu hàng tỷ USD tài sản chưa bị đánh thuế. Dưới áp lực của Mỹ và các quốc gia khác, Thụy Sĩ bắt đầu cải tổ lĩnh vực ngân hàng, yêu cầu ngân hàng xác minh danh tính của chủ sở hữu công ty và cảnh báo các giao dịch đáng ngờ.

 

 

Vào năm 2016, Hồ sơ Panama đã chỉ ra vai trò của các nhà tư vấn Thụy Sĩ trong việc thành lập công ty ngoại biên. Đáp lại, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính - cơ quan giám sát chống tham nhũng quốc tế - khuyến nghị luật sư, công chứng viên và kế toán tuân theo quy tắc xác minh tương tự ngân hàng. Đề xuất này là một phần nỗ lực nhằm cải thiện các quy định chống rửa tiền của Thụy Sĩ.

 

 

 

Quốc kỳ Thụy Sĩ bay trên nóc tòa nhà quốc hội ở thành phố Bern. Ảnh: Reuters.

 

 

 

 

Nhưng dự luật nhằm thắt chặt các quy tắc đó gây tranh cãi. Vào tháng 9/2018, một nhóm luật sư, nhà tư vấn và nhà vận động hành lang người Thụy Sĩ gửi thư cho Bộ Tài chính và cho rằng đề xuất là không cần thiết, làm suy yếu đặc quyền giữa luật sư và khách hàng.

 

 

Trong khi đó, những người ủng hộ dự luật khẳng định cải cách sẽ nâng cao danh tiếng của Thụy Sĩ. Các nhà lập pháp đã dành hơn hai năm để tranh luận về luật.

 

 

Vào tháng Ba, Quốc hội Thụy Sĩ đồng ý thắt chặt thêm các phần trong luật chống rửa tiền, nhưng bác bỏ yêu cầu thẩm định bổ sung đối với cố vấn.

 

 

Theo Jason Sharman, giáo sư Đại học Cambridge, người nghiên cứu về thiên đường thuế và tội phạm tài chính, điều này khiến cơ hội trấn áp hoạt động rửa tiền bị bỏ lỡ.

 

 

Florence Brenzikofer, một thành viên của Quốc hội Thụy Sĩ, cho biết “Những người duy nhất được hưởng lợi từ các kẽ hở pháp lý của chúng ta là các băng đảng mafia, nhà độc tài và những tên tội phạm muốn tiếp tục sử dụng địa điểm kinh doanh ở Thụy Sĩ cho các hoạt động phạm tội của họ”.