Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 31/1/2023 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Takashi Aoyama/Getty Images)

 

Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang tiến tới thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

 

Tờ Nikkei Asia hôm 3/5 đưa tin, văn phòng NATO tại Tokyo sẽ giúp liên minh quân sự tiến hành tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Nam Hàn, Úc và New Zealand. Đồng thời, văn phòng này cũng đóng vai trò như một điểm liên lạc với các quốc gia khác trong khu vực.

 

Chiến lược được khuyến nghị là xây dựng văn phòng một người ở Tokyo vào năm sau. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về việc liệu văn phòng sẽ được cung cấp bởi Nhật Bản hay do NATO tài trợ vẫn tiếp tục.

 

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Taksøe-Jensen, bối cảnh địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ kể từ Khái niệm Chiến lược năm 2010 của nước này.

 

“Vào thời điểm đó, Nga được coi là một đối tác tiềm năng và không có đề cập đến Trung Quốc. Năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid, các nhà lãnh đạo đồng minh đã quyết định rằng Nga không còn là đối tác mà là kẻ thù và cũng có sự thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ và có thể tác động đến an ninh xuyên châu Âu", ông nói với tờ Nikkei Asia.

 

“Đây là lý do tại sao điều quan trọng đối với NATO là duy trì quan hệ với các đối tác của chúng tôi trong khu vực này”.

 

Ông Takse-Jensen tuyên bố rằng văn phòng mới sẽ không chỉ đại diện cho mối quan hệ đối tác mang tính biểu tượng giữa NATO và Nhật Bản, mà còn tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa trên mạng, đồng thời trao đổi các tài liệu về việc chống thông tin sai lệch.

 

Khái niệm này ban đầu được thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới Tokyo vào ngày 31/1 và dự kiến sẽ sớm được thông qua.

 

Lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo AP4 được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO năm 2022 tại Madrid và họ dự kiến sẽ tham dự cuộc họp năm nay tại Litva. Điều này cho thấy rằng AP4 có thể trở thành một “chuẩn mực mới”.

 

(Từ trái sang phải) Thủ tướng Úc, Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cựu Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, và Tổng thống Nam Hàn,Yoon Suk-yeol, chụp ảnh nhóm trước thềm Cuộc họp của các Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở trung tâm đại hội Ifema ở Madrid, ngày 29/6/2022. (Ảnh: Pierre-Philippe Marcou/AFP/Getty Images)

 

 

Quan hệ đối tác NATO - Nhật Bản

NATO và Nhật Bản đã tăng cường cam kết với tư cách là những đối tác chia sẻ các giá trị chung. Liên minh này từng cảnh báo trong một tuyên bố chung về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga rằng mối quan hệ này có thể gây bất ổn cho khu vực, bao gồm cả các cuộc tập trận xung quanh lãnh hải Nhật Bản.

 

Trong chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Tokyo hồi tháng 1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo rằng Nhật Bản dự định thường xuyên tham dự các cuộc họp cấp cao của hội đồng và các cuộc họp của người đứng đầu bộ quốc phòng để thúc đẩy liên lạc chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và liên minh.

 

Tuyên bố có đoạn cho hay “Liên quan đến việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và mở rộng các hoạt động quân sự, chúng tôi mạnh mẽ khuyến khích Trung Quốc cải thiện tính minh bạch và hợp tác mang tính xây dựng với các nỗ lực quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

 

Tương tự, bộ đôi này nhấn mạnh tầm quan trọng của "hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan" và kêu gọi chính quyền ĐCSTQ kiềm chế các hành động khiêu khích chống lại Đài Loan.

 

Tuyên bố nêu “Lập trường cơ bản của chúng tôi về Đài Loan vẫn không thay đổi và chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan như một thành phần không thể thiếu của an ninh và thịnh vượng quốc tế”.

 

Trung Quốc được xác định rõ ràng là một mối đe dọa

NATO bắt đầu tích cực hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do những tác động của cuộc xung đột Ukraine.

 

Khái niệm Chiến lược năm 2022 của NATO lần đầu tiên nhấn mạnh rằng ĐCSTQ là một thách thức mang tính hệ thống đối với liên minh này. Khái niệm Chiến lược là tài liệu quan trọng thứ hai của NATO. Tài liệu này đưa ra đánh giá của NATO về môi trường an ninh hiện tại và phương hướng phát triển chính trị và quân sự của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

 

Tài liệu cho biết “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường sự hiện diện trên thế giới và thể hiện sức mạnh của mình trong khi vẫn mập mờ về chiến lược, về ý định và về đà tăng cường bộ máy quân sự của mình”.

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net - Huyền Anh biên dịch)