Các bác sĩ mang theo hộp đựng nội tạng để thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép, tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 16/08/2012. (Ảnh chụp màn hình/Sohu.com)

 

 

 

Trong phán quyết mang tính dấu mốc, tòa án tại Nhật Bản đã kết tội một giám đốc thuộc một tổ chức phi lợi nhuận vì đã hỗ trợ hai công dân Nhật Bản khác cấy ghép nội tạng ở nước ngoài bất hợp pháp.

 

Ngày 28/11, tòa án cấp quận ở Tokyo đã kết án ông Hiromichi Kikuchi, 63 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh nhân mắc Bệnh khó chữa (một tổ chức phi lợi nhuận). Ông Kikuchi nhận án tù 8 tháng và bị phạt 1 triệu yên (khoảng 6.800 USD) vì đã sắp xếp các ca cấy ghép tạng ở nước ngoài cho hai công dân Nhật Bản mà không có sự chấp thuận từ chính phủ. Hiệp hội của ông, vốn đã làm việc với các bệnh nhân cấy ghép tạng trong hơn 15 năm, đang bị giám sát chặt chẽ.

 

 

Đây là vụ án đầu tiên thuộc loại này ở Nhật Bản, làm gia tăng mối lo ngại về hoạt động cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Các phương tiện truyền thông đã đưa tin rộng rãi về vụ việc.

 

Việc kết tội ông Kikuchi cho thấy nỗ lực của Nhật Bản trong việc trấn áp nạn buôn bán tạng người và cưỡng bức thu hoạch tạng người. Các ca cấy ghép dẫn đến việc ông Kikuchi bị bắt được tiến hành ở Belarus vào năm 2022. Tuy nhiên, vụ án đã thu hút sự chú ý đến thực tế nghiệt ngã của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, vì ông Kikuchi thừa nhận rằng phần lớn các ca cấy ghép mà ông sắp xếp kể từ năm 2007 đều liên quan đến nội tạng từ Trung Quốc

 

Vụ việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận công khai sôi nổi ở Nhật Bản, nơi mà nạn thu hoạch nội tạng vốn là một chủ đề gây tranh cãi gay gắt vì người Nhật Bản đặc biệt quan ngại về vấn đề đạo đức trong nguồn tạng phục vụ cấy ghép.

 

 

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Trong những năm qua, nhiều cuộc điều tra và báo cáo, với số lượng lớn bằng chứng quan trọng, đã đưa ra ánh sáng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại các bệnh viện lớn ở Trung Quốc.

 

Vào ngày 25/6/2022, The Epoch Times tiếng Nhật đã đăng bài phỏng vấn độc quyền với ông Ushio Sugawara - cựu thành viên của tổ chức tội phạm "Yakuza" lớn nhất Nhật Bản là Yamaguchi-gumi. Ông Sugawara rời thế giới ngầm vào năm 2015, sau đó trở thành nhà bình luận kinh tế.

 

Nhớ lại một sự việc xảy ra năm 2007, ông kể rằng, ông đã góp sức vào ca ghép gan của anh trai một người bạn. Ca ghép này được sắp xếp thông qua một bên trung gian và tiêu tốn khoảng 220.000 USD. Ca ghép gan diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh.

 

 

Ông Ushio Sugawara trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 20/6/2022. (Ảnh chụp màn hình The Epoch Times)

 

 

Sau khi đến Trung Quốc, ông Sugawara đã đi thăm anh trai của bạn mình tại bệnh viện đó một ngày trước khi cuộc phẫu thuật được tiến hành theo lịch trình.

 

Tại đó, ông gặp người hiến tạng: một học viên Pháp Luân Công 21 tuổi, bị coi là "kẻ khủng bố" và bị kết án tử hình, bất tỉnh, đang được truyền thuốc, với tay và chân bị băng bó. Nhân viên bệnh viện giải thích rằng việc cắt gân/dây chằng ở tay và chân của người hiến là để ngăn người này chạy trốn và để đảm bảo được chất lượng nội tạng.

 

Việc cấy ghép cuối cùng đã thất bại, dẫn đến cái chết của cả người nhận và người hiến.

 

Sau bài phỏng vấn về hoạt động cưỡng bức thu hoạch tạng của The Epoch Times tiếng Nhật, một số hãng truyền thông nổi tiếng của Nhật Bản, bao gồm Yomiuri Shimbun - tờ báo lớn nhất Nhật Bản - đã mở các cuộc điều tra các bên trung gian tại Nhật Bản trong hoạt động cấy ghép nội tạng ở nước ngoài và đã tìm thấy bằng chứng chống lại Hiệp hội Bệnh nhân mắc Bệnh khó chữa và ông Kikuchi.

 

Theo trang web của Hiệp hội Bệnh nhân mắc Bệnh khó chữa, tổ chức phi lợi nhuận này từ năm 2003 đã kết nối bệnh nhân Nhật Bản với các bệnh viện ở nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc, nhằm mục đích cấy ghép nội tạng.

 

Thời gian này trùng với thời điểm các bệnh viện Trung Quốc bắt đầu tích cực tiếp thị hoạt động cấy ghép nội tạng cho người nước ngoài.

 

Luật sư nhân quyền người Canada David Matas và cố Quốc vụ khanh Canada David Kilgour từ lâu đã điều tra hoạt động cấy ghép nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Báo cáo năm 2006 của họ, sau này được mở rộng thành cuốn sách có nhan đề “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest), đã làm dấy lên nghi ngờ rằng ĐCSTQ đang thu hoạch nội tạng trái phép và đặc biệt nhắm tới các học viên Pháp Luân Công.

 

Năm 2016, ông Matas, cùng với ông Kilgour và ông Ethan Gutmann (nhà báo điều tra, làm việc tại London), đã xuất bản báo cáo “Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát: Bản cập nhật” (Bloody Harvest/The Slaughter: An Update). Báo cáo dài 680 trang này ước tính rằng Trung Quốc đang tiến hành từ 60.000 đến 100.000 ca phẫu thuật cấy ghép mỗi năm.

 

 

Mổ cướp tạng vì lợi nhuận

 

Vào ngày 10/10/2023, tòa án cấp quận ở Tokyo đã tiến hành phiên tòa đầu tiên về vụ án của ông Kikuchi. Bị cáo bị buộc tội môi giới các hoạt động cấy ghép nội tạng cho 2 bệnh nhân mà không có sự cho phép của chính phủ, vi phạm luật ghép tạng của Nhật Bản.

 

Chủ tọa phiên tòa Baba Yoshiro cho biết ông Kikuchi đã tuyển mộ bệnh nhân đi cấy ghép tạng ở nước ngoài và thúc đẩy các ca phẫu thuật cấy ghép tạng sao cho chúng diễn ra nhanh chóng trong vòng vài tháng. Luật cấy ghép nội tạng của Nhật Bản nghiêm cấm việc bán nội tạng người và thu lợi nhuận thông qua trung gian.

 

Ông Kikuchi khai rằng trong hai thập kỷ qua, tổ chức của ông đã tạo điều kiện cho khoảng 170 ca cấy ghép, với 90% bệnh nhân được cấy ghép tại các bệnh viện Trung Quốc. Ông nhấn mạnh vào tính hiệu quả về mặt chi phí của các ca này, nói rằng giá ở Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với ở Hoa Kỳ. Sau đại dịch COVID-19 và những hạn chế đi lại sau đó, ông Kikuchi chuyển hướng các hoạt động sang Đông Âu và Trung Á.

 

Ông Kikuchi cũng liệt kê các chi phí: 20 triệu yên (khoảng 136.000 USD) cho một quả thận, 30 triệu yên (khoảng 204.000 USD) cho một lá gan, 30–40 triệu yên (204.000–272.000 USD) cho một quả tim và 40–50 triệu yên ($272,000–$340,000) cho phổi. Những con số này bao gồm chi phí phẫu thuật, đi lại và phí trung gian.

 

Vào ngày 28/11, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng: Ông Kikuchi bị kết án 8 tháng tù và bị phạt 1 triệu yên (khoảng 6.778 USD).

 

Quyết định này đã được thảo luận rộng rãi trên mạng. Một số cư dân mạng Nhật Bản bày tỏ sự phẫn nộ. Một người viết: “Hành động vô nhân đạo của nhóm này, cưỡng bức lấy nội tạng từ những người trẻ tuổi ở Trung Quốc, là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

 

Một bài viết khác chỉ trích sự khoan hồng của bản án: "Kikuchi thực chất là đồng phạm giết người; hình phạt này là chưa thỏa đáng".

 

Ban đầu, ông Kikuchi khẳng định mình vô tội, cho rằng hành động của mình đã "cứu sống hàng trăm người". Tuy nhiên, ông Hiroaki Maruyama - đại diện của Mạng lưới Ngăn chặn nạn Diệt chủng Y tế (SMG) - đã kịch liệt không đồng tình với quan điểm của ông Kikuchi.

 

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Maruyama nói rằng “việc các bệnh viện Trung Quốc mổ cướp nội tạng từ người sống để kiếm lợi nhuận” trái ngược với các nguyên tắc đạo đức ngành y. Ông Kikuchi, bằng cách tham gia các hoạt động này, không chỉ tiếp tay cho họ mà còn khiến nhiều bệnh nhân Nhật Bản không biết sự thật cùng tham gia, ông Maruyama nói.

 

Ông Maruyama nhấn mạnh rằng việc bắt giữ và kết tội ông Kikuchi, cùng với việc các phương tiện truyền thông đưa tin xung quanh vụ việc, đã đưa ra ánh sáng một mạng lưới trung gian bất hợp pháp có liên quan đến thị trường chợ đen nội tạng toàn cầu, đặc biệt là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng quy mô lớn của ĐCSTQ.

 

Theo ông Maruyama, những vụ việc bị vạch trần này chỉ là phần bề mặt của một thực tế đen tối hơn nhiều. Ông kêu gọi xây dựng luật ngăn chặn công dân Nhật Bản tìm cách cấy ghép nội tạng ở các quốc gia như Trung Quốc, nơi nổi tiếng với các hành vi vi phạm nhân quyền.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net; Xuân Hoa biên dịch)