Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung - Úc vô thời hạn.

 

 

 

Đài ABC (Úc) hôm ngày 6/5 đưa tin đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đóng băng cơ chế ngoại giao chính thức với Canberra kể từ khi quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi.

 

 

 

Các nhà phân tích cho rằng động thái trên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) có khả năng để trả đũa tuyên bố gần đây của chính phủ liên bang Úc, rằng họ đã huỷ bỏ 2 thỏa thuận "Vành đai và Con đường"  giữa Trung Quốc với bang Victoria.

 

 

 

NDRC cáo buộc Úc nhắm mục tiêu không công bằng vào Trung Quốc: "Gần đây, một số quan chức chính phủ Úc tung ra một loạt biện pháp nhằm phá vỡ các hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Úc vì tư duy chiến tranh lạnh và ý thức hệ phân biệt đối xử".

 

 

 

 

 

Quan hệ Trung - Úc đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Ảnh: Reuters

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuy nhiên, quyết định của NDRC có thể ít có tác động thực tế đối với Úc. Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung - Úc gần đây nhất được tổ chức vào năm 2017. Bộ trưởng Thương mại Úc khi ấy là Steve Ciobo đã tới Bắc Kinh để đàm phán.

 

 

Nhưng mối quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi kể từ thời điểm đó, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn vào năm ngoái sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, khiến Bắc Kinh đáp trả về thương mại.

 

 

Tất cả liên lạc cấp bộ trưởng với Úc hiện đã bị chính phủ Trung Quốc đình chỉ.

 

 

 

Nhà phân tích Jeffrey Wilson, Trung tâm Perth USAsia, cho rằng quyết định đình chỉ đối thoại của Bắc Kinh là "hành động mang tính biểu tượng và không có tác dụng thực tế".

 

 

 

Ông nói: "Đối thoại Kinh tế chiến lược đã bị hoãn gần 4 năm, chưa kể tương tác chính thức bị Trung Quốc đình chỉ hoàn toàn kể từ tháng 4-2020. Đó là hành động mang tính biểu tượng, phản ánh nhu cầu ăn miếng trả miếng đối với Úc".

 

"Cụ thể, Bắc Kinh trả đũa việc hủy bỏ 2 thoả thuận ​​Vành đai và Con đường của bang Victoria cùng thông báo xem xét lại hợp đồng thuê cảng Darwin".

 

 

 

Ông Wilson nhận định Trung Quốc đã "hết đạn" để nhắm vào Úc: "Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả nhà xuất khẩu lớn của Úc, trong khi đầu tư song phương sụp đổ và các cuộc thảo luận liên chính phủ không tồn tại".

 

 

GS kinh tế Heling Shi, Trường ĐH Monash (Úc), cũng hạ thấp tác động kinh tế của quyết định từ NDRC. "Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn cần quặng sắt của Úc. Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào quặng sắt của Úc. Vì vậy, các hoạt động kinh tế sẽ không dừng lại" - ông Shi nói với đài ABC.

 

 

Quặng sắt mà ông Shi nói đến được nhiều nhà phân tích xem là "át chủ bài" của Úc trong cuộc căng thẳng với Trung Quốc.

 

 

Úc là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, khai thác hơn 910,000,000 tấn trong năm tài chính 2019-2020, theo số liệu từ Canberra. Con số này cao gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh Brazil. Theo tổ chức theo dõi thương mại Observatory of Economic Complexity, gần 2/3 lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2019 đến từ Úc, nhiều hơn cả của Brazil, Nam Phi và Ấn Độ cộng lại.

 

 

 

Các chuyên gia cho đài CNN hay không giống như rượu vang và than, Trung Quốc sẽ rất khó tìm được nguồn quặng sắt mới. Hơn nữa, quặng sắt Úc có 2 ưu điểm lớn khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc không thể bỏ qua, đó là chất lượng cao và nguồn cung ổn định. Điều đó có nghĩa là nguồn thu thương mại lớn nhất của Úc có thể được đảm bảo.

 

 

 

 

 

 

Cũng theo GS Heling Shi, cụm từ "đình chỉ vô thời hạn" rất "linh hoạt": "Cái gọi là 'đình chỉ vô thời hạn' là một cụm từ linh hoạt. Theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc, nó phụ thuộc vào cách chính phủ Úc hành động. Nếu chính phủ Úc thay đổi chính sách hiện tại đối với Trung Quốc thì đối thoại có thể được khôi phục ngay lập tức".