Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đi bộ tới Phòng Bầu dục tại Tòa Bạch Ốc ở Washington vào ngày 1/5/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP/Getty Images)

 

Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ và Philippines sẽ chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

 

Mỹ và Philippines khẳng định rằng những thỏa thuận phòng thủ cũng sẽ có hiệu lực đối với các cuộc tấn công trong khu vực của hai nước; có nghĩa là nếu Trung Quốc tổ chức tấn công Philippines, thì Hoa Kỳ sẽ có phản ứng quân sự và ngược lại.

 

Các thỏa thuận song phương cũng mở rộng việc phòng thủ ra cả các lĩnh vực mới như tấn công mạng và xung đột vùng xám.

 

Thỏa thuận tái khẳng định rằng nếu tàu công vụ, máy bay hoặc lực lượng vũ trang của Mỹ hoặc Philippines bị tấn công trong khu vực Biển Thái Bình Dương, (bao gồm cả Biển Đông), thì các biện pháp phòng thủ song phương sẽ được áp dụng, theo Điều IV và V của “Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951” giữa Hoa Kỳ và Philippines.

"Hiện nay có rất nhiều mối đe dọa dưới các hình thức như chiến tranh bất đối xứng, chiến tranh lai, chiến tranh bất quy tắc, và chiến thuật vùng xám. Nhận thấy rằng những mối đe dọa này có thể phát sinh ở nhiều khu vực, bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ, và không gian mạng; các thỏa thuận đã vạch ra một hướng đi để xây dựng khả năng tương tác trong cả lĩnh vực phòng thủ truyền thống và phòng thủ phi truyền thống”.

 

Giới chức hai nước cũng thảo luận về các biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn với các đối tác khác trong khu vực như Australia và Nhật Bản, nhằm cùng nhau “củng cố các nguyên tắc chung, bao gồm thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ”.

 

Trung Quốc vẫn tiếp tục ‘hung hăng'

Vào ngày 1/5/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có cuộc gặp mặt tại Tòa Bạch Ốc. Ở đây, lãnh đạo hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự, và đưa ra các điều khoản phòng thủ mới.

 

“Hiệp ước Phòng thủ Song phương" cũng vạch ra một chương trình hiện đại hóa quân sự chung kéo dài 5 năm cho hai quốc gia. Theo đó, ông Biden và ông Marcos đã đồng ý rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Philippines 3 máy bay C-130, và sẽ xem xét khả năng cung cấp tàu tuần tra hàng hải cho Philippines.

 

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines diễn ra trong trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần có các động thái vi phạm quyền và chủ quyền của Philippines, như đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của quốc gia này. Thậm chí, phía Trung Quốc còn sử dụng tia laser cấp độ quân sự và làm mù tạm thời một cảnh sát biển thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Philippines.

 

Trong cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh hôm 30/4/2023, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden đã phát biểu: “Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đang liên tục có những hành động khiêu khích và xâm phạm vào những vùng biển quan trọng của Philippines”.

 

Quan chức trên cũng cho biết thêm, trước đây ông Marcos đã tỏ thái độ ngần ngại và không muốn bị cuốn vào cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc. Song trước sự hiếu chiến của Trung Quốc, ông Marcos buộc phải hợp tác với các quốc gia khác để củng cố an ninh và khả năng phòng vệ cho Philippines.

 

Sự hiếu chiến đó không chỉ dừng lại ở việc đánh bắt cá trái phép nữa, mà đã trực tiếp uy hiếp đến mạng sống của những người dân Philippines.

 

Vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) đã có một bài phát biểu tại Philippines. Ông Hoàng khẳng định rằng ĐCSTQ sẽ không từ bỏ việc tấn công Đài Loan bằng vũ lực, và điều đó sẽ gây nguy hiểm cho khoảng 150.000 người Philippines đang sinh sống tại Đài Loan.

 

Ông Hoàng yêu cầu “nếu chính phủ Philippines còn quan tâm đến 150.000 cư dân Philippines kể trên", thì phải dừng ngay việc hợp tác quân sự với Mỹ.

Ông Hoàng đã nhấn mạnh rằng những điều khoản mở rộng trong “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao” (EDCA) giữa Mỹ và Philippines được công bố vào đầu năm nay đã cho phép Mỹ tiếp cận với thêm 4 căn cứ quân sự Philippines, mở rộng tầm hoạt động quân sự của Mỹ tại nước này.

 

Trong khi đó, phía Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng việc mở rộng này sẽ giúp lực lượng của Mỹ và Philippines hỗ trợ các thảm họa nhân đạo trong khu vực một cách kịp thời hơn, đồng thời tăng cường khả năng đối phó với “những thách thức chung” khác của hai nước.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng việc tiếp cận căn cứ có thể cho phép Hoa Kỳ bảo vệ đặc khu Đài Loan.

 

Ông Marcos khẳng định rằng Philippines không biến thành cứ điểm quân sự của bất kỳ quốc gia nào. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói rằng việc Mỹ được tiếp cận vào 4 căn cứ EDCA chỉ là một khía cạnh trong kế hoạch hợp tác lớn hơn giữa hai nước.

 

“Liên minh Mỹ - Philippines và mối quan hệ song phương này sẽ không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận với 4 căn cứ quân sự. Mỹ và Philippines cũng không thiết lập liên minh vì một quốc gia thứ ba nào cả", ông Kirby cho biết trong cuộc họp báo ngày 1/5.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net - Ngọc Hạ biên dịch)