Tổng thống Nga, Vladimir Putin (bên phải), và nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, bước vào hội trường trong cuộc gặp tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/Sputnik/AFP qua Getty Images)
Gần đây, người dẫn chương trình truyền hình quốc gia Nga Sergei Mardan, đã công khai nói rằng cần phải “cảnh giác với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),” ngay cả khi Nga phải đối mặt với sự bao vây trừng phạt của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng kẻ thù thực sự của Nga chỉ có ĐCSTQ. Các chuyên gia phân tích chính trị đương thời cho rằng, phát ngôn của ông Mardan không phải ngẫu nhiên, người này không thể tự ý phát ngôn như vậy, mà là theo chỉ thị của Tổng thống Nga Putin.
Ông Mardan cho biết, kẻ thù thực sự của Nga không phải là Ukraine, cũng không phải là các quốc gia Âu-Mỹ, mà là ĐCSTQ, bất kể lúc nào cũng phải đề phòng ĐCSTQ. Ngay cả khi đối mặt với sự phong tỏa và trừng phạt của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây trong cuộc chiến Nga-Ukraine, thì kẻ thù thực sự của Nga chỉ có ĐCSTQ.
Chuyêng gia phân tích chính trị, Trần Phá Không (Chen Pokong), đang sinh sống tại Hoa Kỳ cho rằng, người nổi tiếng trước công chúng của Nga đột ngột trở mặt với ĐCSTQ là một điều rất bất thường. Ngày 08/06, khi trả lời phỏng vấn của ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Trần Phá Không đã cho biết, Đài Truyền hình Quốc gia Nga thực chất là một cơ quan ngôn luận của chính quyền ông Putin. Ông Mardan không thể tự ý phát ngôn như vậy, mà đây là theo chỉ thị của ông Putin.
Ông Trần Phá Không cho rằng, những phát ngôn này phản ánh sự bất mãn với ĐCSTQ, đặc biệt là trong các thỏa thuận năng lượng và giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Trung Quốc. Nga muốn ĐCSTQ mua sản phẩm năng lượng của mình với giá cao để giảm bớt khó khăn kinh tế trong thời chiến. Tuy nhiên, vào lúc này, ĐCSTQ lại trả giá thấp, điều này được coi là chèn ép và lợi dụng tình thế khó khăn của Nga. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy Nga có thể đang cân nhắc việc chuyển hướng. Nếu Nga dự định đàm phán với Ukraine và hòa giải với phương Tây thì Nga sẽ đẩy ĐCSTQ ra làm bia đỡ đạn.
Ông Trần Phá Không cũng cho rằng, phát ngôn của ông Mardan có thể tiết lộ một bí mật lớn, đó là ban đầu ông Putin đang do dự về việc tấn công Ukraine, nhưng dưới sự xúi giục và khiêu khích của ông Tập Cận Bình, ông đã quyết định mạo hiểm, nghĩ rằng có thể dễ dàng chiếm được Ukraine. Tuy nhiên, tình hình thực tế không phải như vậy. Hiện nay, bản thân ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ đang gặp khó khăn, lo ngại sẽ bị Hoa Kỳ và châu Âu trừng phạt gián tiếp, và dường như có ý định rút lui. Trong khi ông Putin và Nga đang tức giận vì sa lầy vào cuộc chiến. Trong bối cảnh này, phát ngôn của ông Mardan vẫn chưa được tính là hoàn toàn lật mặt mà có nghĩa là ông Putin chỉ đang cảnh cáo ông Tập Cận Bình.
Nữ nhà văn gốc Hoa, Thịnh Tuyết (Sheng Xue), hiện cư trú tại Canada, cũng nói với ký giả của ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, phát ngôn của ông Mardan không phải là ngẫu nhiên. “Trên thực tế, kẻ thù thực sự của Nga cũng chỉ có ĐCSTQ.”
Bà Thịnh Tuyết cho biết, ông Putin có tham vọng riêng, ông cần sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình khi xâm lược Ukraine. Nhưng giờ đây ông Putin hẳn là đã nhận ra sự xúi giục và ủng hộ giả tạo của ông Tập Cận Bình thực sự đã khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn không thể thoát ra, và sức mạnh của Nga đã bị suy yếu nghiêm trọng.
“Ông Putin nhận ra rằng ĐCSTQ vừa đưa ra những cam kết giả dối, đồng thời ông Tập Cận Bình muốn sử dụng cuộc chiến này để làm suy yếu Nga, từ đó trở thành anh cả của đại cường quốc cộng sản thực sự của thế giới,” bà Thịnh Tuyết nói. “Hiện giờ ông Putin có lẽ đã nhận ra rằng mình bị lừa, ông ta có lẽ đã hối hận rồi.”
“Nga nhận ra rằng, ĐCSTQ vừa hứa hẹn giả dối, vừa muốn lợi dụng cuộc chiến này để làm suy yếu Nga, từ đó [Trung Quốc] trở thành quốc gia cộng sản hàng đầu thế giới,” bà nói. “Hiện tại ông Putin có lẽ đã nhận ra rằng, ông ấy đã bị lừa, ông ấy nên hối hận rồi.”
Vào tháng 02/2024, truyền thông Anh quốc cho biết, theo tài liệu quân sự bị rò rỉ của Nga, Nga vẫn đang lên kế hoạch cho một cuộc xung đột quân sự với ĐCSTQ. Mặc dù tài liệu này đã có từ lâu, nhưng vẫn có ý nghĩa thực tế.
Nước này đã đưa ra nhiều tình huống khác nhau về việc ĐCSTQ tấn công Nga trong các cuộc tập trận quân sự, và quân đội Nga lập kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với cuộc tấn công của ĐCSTQ.
Bà Thịnh Tuyết cho biết, ông Putin nhận ra rằng mình đã bị ông Tập Cận Bình lừa, những cam kết giả dối của ông Tập đã đẩy ông vào tình thế khó khăn hiện tại, do đó ông cảm thấy tức giận. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ nơi nào đều không thể được thế giới chấp nhận, vì vũ khí hạt nhân là lằn ranh cuối cùng của nhân loại trong thế giới ngày nay.
Trong khi ông Putin rất cần sự ủng hộ từ ĐCSTQ thì ông Tập lại tuyên bố ‘không liên minh’
Ngày 16/05/2024, ông Putin đến Bắc Kinh thực hiện chuyến thăm Trung Quốc trong hai ngày. Ông Putin tuyên bố trước chuyến thăm rằng, mối bang giao Nga-Trung đã đạt đến mức cao “chưa từng có” và vẫn đang tiếp tục được tăng cường. Ông cũng tuyên bố rằng mối bang giao Nga-Trung hiện tại đã vượt qua hình thái ý thức, bất kể tình hình chính trị thay đổi thế nào, sự phát triển đa tầng của liên kết song phương là sự lựa chọn chiến lược tự nguyện. Ông còn mô tả Trung Quốc là “người hàng xóm tốt và người bạn đáng tin cậy.”
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, ông Putin tuyên bố rằng, trong 5 năm qua, tổng giá trị thương mại giữa hai quốc gia đã tăng mạnh; Trung Quốc đã giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 13 năm liên tiếp. Trong tương lai, hai bên sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và hàng không vũ trụ, cùng sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực đổi mới khác.
Tháng 02/2022, sau khi Nga và Trung Quốc xác nhận về liên kết đối tác “không giới hạn” của họ, Nga đã xâm lược Ukraine. Trong hơn hai năm qua, ĐCSTQ đã trở thành đồng minh quan trọng của Nga. ĐCSTQ từ chối lên án và vẫn tiếp tục giao thương với Nga, khiến Hoa Kỳ và EU bất bình. Nga bị các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, dẫn đến nền kinh tế của Nga bị tách rời khỏi phương Tây. Trong tình huống này, ông Putin phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ ngoại giao và tài chính từ ĐCSTQ.
Tuy nhiên, mặc dù ông Putin tuyên bố mạnh mẽ về mối bang giao Nga-Trung, nhưng ông Tập Cận Bình có thể có những lo ngại riêng.
Trong tuyên bố chung được công bố vào ngày 16/05/2024, đã không còn bao gồm “mối bang giao giữa hai nước không có giới hạn, hợp tác không có vùng cấm.”
Tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với ông Putin, ông Tập cho biết, hai bên sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc “không liên minh, không đối kháng, không nhằm vào bên thứ ba.” Ông Tập cũng cho biết, ông và ông Putin đều đồng thuận rằng “phải tích cực tìm kiếm điểm lợi ích chung của hai quốc gia, phát huy lợi thế của mỗi bên, làm sâu sắc thêm lợi ích chung, thực hiện nhằm đạt thành tựu của đôi bên.”
Dự án mà ông Putin mong đợi nhất gặp trở ngại
Chưa đầy 20 ngày sau khi kết thúc cuộc hội đàm giữa “ông Putin và ông Tập,” đã xảy ra nhiều biến động lớn đối với các liên kết thương mại giữa Nga và Trung Quốc, điều này thực sự hiếm thấy. Ngay cả thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Trung Quốc mà ông Putin mong đợi nhất cũng rơi vào bế tắc.
Financial Times của Anh quốc dẫn lời các nguồn tin cho biết, thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia 2” giữa Nga và Trung Quốc đã rơi vào bế tắc do sự bất đồng của hai bên. Nga đã cố gắng đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt, nhưng đã phát sinh bất đồng về khối lượng cung cấp và giá cả. ĐCSTQ yêu cầu mua khí đốt qua đường ống này với giá gần với giá nhiên liệu nội địa của Nga, và chỉ cam kết mua một phần nhỏ trong kế hoạch sản xuất 50 tỷ mét khối khí đốt hàng năm của đường ống này.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tới Trung Quốc vốn được coi là biện pháp giải cứu cho Tập đoàn khí đốt Nga (Gazprom), giúp công ty này chuyển khí đốt từng được bán cho châu Âu sang thị trường Trung Quốc. Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, Tập đoàn khí đốt Nga bắt đầu mất đi thị trường lớn nhất của mình là các khách hàng ở châu Âu. Theo số liệu năm 2023, công ty này đã ghi nhận khoản lỗ 629 tỷ rúp (khoảng 69 tỷ USD), một mức lỗ lớn nhất được ghi nhận trong ít nhất 25 năm qua.
Các nguồn tin còn tiết lộ rằng đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn dầu là một trong ba yêu cầu chính mà ông Putin đưa ra khi gặp ông Tập. Các yêu cầu khác bao gồm tăng cường hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc tại Nga, và yêu cầu ĐCSTQ từ chối tham dự Hội nghị Hòa bình do Ukraine tổ chức trong tháng Sáu.
Tuy nhiên, không chỉ thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt đang gặp khó khăn mà một số ngân hàng Trung Quốc như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc cũng bắt đầu từ chối chấp nhận các khoản thanh toán thương mại từ Nga, bao gồm cả việc thanh toán bằng nhân dân tệ. Nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc Alibaba, cũng tuyên bố từ chối chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp và không giao hàng đến Nga. Ngoài ra, công ty sản xuất hệ thống giám sát Hikvision đã đột ngột rút khỏi thị trường Nga mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Đây thực sự là đòn đả kích lớn đối với ông Putin, người vừa đến thăm Bắc Kinh 20 ngày trước đó. Ad
Gần đây, một doanh nhân Trung Quốc (với yêu cầu ẩn danh) đã tiết lộ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, trong hai, ba năm qua, ông đã mua nhiên liệu và các nguyên vật liệu từ Nga. Nhưng khoảng một tháng trước, ông đột ngột nhận được chỉ thị từ Trung Quốc là không được phép mua hàng tại Nga vì nhiều giao dịch không thể thanh toán qua ngân hàng, và các hoạt động thương mại hiện tại chỉ có thể chuyển sang các quốc gia khác.
Ông Putin cũng từng ám chỉ ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất
Vào tháng 02/2024, trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hơn hai giờ đồng hồ diễn ra ở tại Moscow với sự dẫn dắt của ông Tucker Carlson (một người chủ trì chương trình trước đây làm cho Fox News Hoa Kỳ), ông Putin từng ám chỉ ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Carlson đề cập rằng, nhiều người Mỹ từng mong muốn mối bang giao Mỹ-Nga sẽ bình thường trở lại sau khi Liên Xô tan rã. Thế nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Phương Tây lo ngại về một nước Nga hùng mạnh, mà dường như không có sự lo ngại tương tự về một ĐCSTQ mạnh mẽ. Ông Putin đã trả lời rằng, xét về quy mô dân số và kinh tế, Nga thua xa Trung Quốc, mức độ đe dọa của ĐCSTQ cũng vượt xa Nga.
Ông Putin cho biết, sau năm 1991, Nga từng hy vọng hội nhập vào “các quốc gia văn minh” và yêu cầu gia nhập NATO nhưng lại bị từ chối. Nga có “nền kinh tế thị trường” và “không có chính quyền cộng sản,” giữa Nga và các nước phương Tây đã không còn sự khác biệt rõ ràng về ý thức hệ.
Ông Putin còn nói rằng, Nga và Trung Quốc là láng giềng, và “giống như việc chúng ta không thể lựa chọn hàng xóm và họ hàng vậy.”
Cùng lúc đó, ông Trần Phá Không đã nói với ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thực chất là lợi dụng lẫn nhau, chỉ cần có cơ hội thì cả hai sẽ bỏ rơi nhau để hướng về phương Tây.
(Epochtimes Việt ngữ; Từ Diệc Dương - Ninh Tâm thực hiện - Hoa Hưng lược dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ)