Nguồn: Elisabeth Braw, “China Is Practicing How to Sever Taiwan’s Internet,” Foreign Policy, 21/02/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Việc cắt đứt liên lạc của Quần đảo Mã Tổ có thể là một cuộc tập dượt để chuẩn bị cho cuộc xâm lược sau này.
Trong lúc người Mỹ còn mải nhìn lên bầu trời sau sự cố khinh khí cầu do thám, Trung Quốc đã nhanh chóng hành động trên biển. Hồi đầu tháng 2, các tàu Trung Quốc đã “vô hiệu hóa” hai tuyến cáp quang biển vốn cung cấp kết nối Internet cho Quần đảo Mã Tổ của Đài Loan, một quần đảo nhỏ chỉ cách bờ biển Trung Quốc 10 hải lý. Giờ đây, cư dân trên quần đảo đành phải sử dụng Internet với kết nối chậm đi đáng kể và chờ đến khi cáp quang được sửa chữa. Hoạt động này trông như một hành vi quấy rối có chủ đích của Bắc Kinh – hoặc một cuộc tập dượt trước khi cắt đứt kết nối của toàn bộ Đài Loan.
Ngày 2/2, một tàu đánh cá Trung Quốc trong lúc đến gần Quần đảo Mã Tổ đã làm đứt một trong hai dây cáp nối quần đảo với Đài Loan. Sáu ngày hôm sau, một tàu vận tải của Trung Quốc tiếp tục làm đứt tuyến cáp thứ hai. Phát biểu ngay sau khi tuyến cáp thứ hai bị cắt, Ông Bá Tông (Wong Po-tsung), phó chủ tịch Ủy ban Truyền thông Quốc gia Đài Loan, nói với các phóng viên rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các sự cố trên là cố ý. Việc cáp quang biển bị hư hỏng không phải là hiếm – nhưng việc mất hai tuyến cáp liên tiếp hoặc là sự cố cực kỳ đáng tiếc, hoặc không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Dù là vì lý do gì, cư dân Quần đảo Mã Tổ hiện chỉ có thể truy cập Internet theo cách rất thô sơ: Nhà cung cấp viễn thông thương mại của quần đảo, Chunghwa Telecom (CHT), đã thiết lập các trạm Wi-Fi miễn phí tại các cửa hàng CHT trên đảo, đồng thời sử dụng hệ thống vi sóng dự phòng dành cho điện thoại và thông tin liên lạc nhà nước.
Khoảng 12.700 cư dân của Quần đảo Mã Tổ sẽ phải sống mà không có Internet trong nhiều tuần nữa; một tàu sửa chữa cáp sẽ đến sớm nhất vào ngày 20/4 và việc sửa chữa sẽ cần thêm thời gian. Người dân ở đây đã có kinh nghiệm sống chung với cáp quang biển bị hư hỏng. CHT báo cáo rằng các tuyến cáp đã bị hư hỏng năm lần vào năm 2021, và thêm bốn lần vào năm ngoái, dù không có lần nào nghiêm trọng như lần này. Trong những khoảng thời gian kết nối Internet bị chậm đi như vậy, “sẽ mất hơn 10 phút để gửi một tin nhắn văn bản và thậm chí lâu hơn để gửi một bức ảnh,” Lý Vấn (Lii Wen), người đứng đầu Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền ở Quần đảo Mã Tổ, tiết lộ với tờ Thời báo Đài Bắc, và nói thêm rằng “hệ thống đặt phòng khách sạn và dịch vụ hậu cần không thể hoạt động bình thường, chưa kể đến việc xem các nội dung và phim ảnh trên mạng xã hội.”
Với việc cả hai dây cáp bị đứt, thì dù Internet chỉ chậm tương đối, cuộc sống thường nhật vẫn sẽ bị gián đoạn. Bắc Kinh đang theo dõi xem cư dân quần đảo giải quyết khó khăn này như thế nào – và họ xoay sở ra sao để duy trì liên lạc với Đài Loan. Quân đội Trung Quốc cũng luôn theo dõi sát sao khu vực mà họ cho là “nổi loạn.” Các hòn đảo ngoài khơi Đài Loan luôn là gót chân Achilles của người Trung Quốc. Năm 1958, Trung Quốc nã pháo vào Quần đảo Mã Tổ và đảo Kim Môn lân cận. Mùa hè năm ngoái, Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tiến hành các cuộc tập trận lớn gần quần đảo, với mục đích chính thức là đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi. Tuy nhiên, quy mô lớn và sự phối hợp hiệu quả đã cho thấy những cuộc tập trận này phải được lên kế hoạch từ lâu.
Thật vậy, điều đáng chú ý là tần suất các tàu Trung Quốc làm hư hại cáp ngầm dưới biển kết nối với các đảo Đài Loan trong những năm gần đây. Việc này cần được quan tâm, vì chẳng có bí ẩn nào về vị trí của 380 tuyến cáp ngầm dưới biển của Đài Loan. Ngược lại, người ta còn công bố bản đồ chi tiết vị trí của chúng, để đảm bảo rằng các tàu đánh cá không vô tình làm chúng hư hỏng trong khi kéo lưới. Nhìn chung, cách làm này khá hiệu quả: Ủy ban Bảo vệ Cáp Quốc tế báo cáo rằng mỗi năm có từ 100 đến 200 trường hợp cáp quang bị hư hỏng và chỉ 50-100 trong số các sự cố đó liên quan đến tàu đánh cá; các vụ việc còn lại là do xây dựng công trình và các hoạt động khác. Nói cách khác, các sự cố liên quan đến tuyến cáp nối với Quần đảo Mã Tổ đang xảy ra nhiều bất thường.
Hơn nữa, cho đến nay, các vụ đứt cáp chủ yếu có liên quan đến các tàu cát Trung Quốc đậu ngoài khơi các đảo của Đài Loan. Các dây cáp dưới biển có đường kính 17-21 mm (gần bằng kích thước của vòi tưới cây trong vườn), phải là người cực kỳ xui xẻo mới có thể vô tình làm hỏng chúng thường xuyên như các tàu Trung Quốc đang làm – chứ đừng nói đến việc có thể liên tiếp làm đứt hai tuyến cáp chỉ trong vài ngày.
Tàu hút cát Trung Quốc đậu ở vùng biển Đài Loan và lấy cát của Đài Loan là ví dụ điển hình của chiến lược vùng xám: Đó không phải là một cuộc tấn công quân sự, nhưng cũng không phải là không có gì. Thật vậy, mỗi khi chúng xuất hiện, các tàu tuần dương Đài Loan phải đến tận nơi và yêu cầu chúng rời đi (dù phía Đài Loan không thể chắc chắn những vị khách không mời sẽ chịu rút lui nhanh chóng). Mỗi lần như vậy, các tàu cát đều gây hại cho động vật biển hoang dã lẫn đáy biển. Và bởi vì chúng thường làm hư hỏng các dây cáp dưới biển trong quá trình này, nên chúng cũng gây hại cho khả năng hoạt động và liên lạc của Quần đảo Mã Tổ với Đài Loan và toàn thế giới.
Vì các tuyến cáp ngầm này đều có vị trí được công bố công khai, nên mức độ thường xuyên và tổn hại lớn mà tàu Trung Quốc gây ra cho Quần đảo Mã Tổ không giống như thiệt hại do tai nạn – mà giống như hành vi quấy rối Đài Loan. Sau sự cố gần đây nhất, DPP đã cáo buộc Trung Quốc cố tình làm hỏng các tuyến cáp do tần suất chúng bị đứt. Các sự cố này thậm chí có thể là một cuộc tập trận chuẩn bị cho việc cắt đứt liên lạc của toàn bộ Đài Loan. Hiện có 15 tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối hòn đảo với hệ thống viễn thông toàn cầu.
CHT hiện có kế hoạch đảm bảo chí ít là một phần khả năng kết nối Internet của Quần đảo Mã Tổ, bằng cách lắp đặt một tuyến cáp khác và lần này nó sẽ được chôn sâu dưới đáy biển. Tuy nhiên, tuyến cáp sẽ chỉ được đưa vào sử dụng vào năm 2025. Trong thời gian chờ đợi, CHT đang gánh chịu chi phí cho hệ thống Internet dự phòng và họ cũng miễn phí Internet cho cư dân trên đảo. Khi tàu sửa chữa đến, việc sửa chữa hai tuyến cáp sẽ tiêu tốn từ 660.000 USD đến 1,3 triệu USD.
Gây ra tổn thất ở mức độ này cũng là một phần của chiến lược vùng xám. Nếu một công ty bị tổn thất do xâm lược địa chính trị, công ty bảo hiểm của họ có thể không bồi thường: Cuộc tấn công mạng NotPetya của Nga đã dẫn đến các vụ kiện lớn giữa các công ty đa quốc gia và công ty bảo hiểm của họ. Dù cuộc thảo luận giữa CHT với công ty bảo hiểm của mình đương nhiên được giữ bí mật, nhưng cả hai sẽ phải thống nhất về việc liệu đứt cáp là thiệt hại do tai nạn, hay hành động gây thiệt hại do chính phủ nước khác khởi xướng nhằm làm suy yếu Đài Loan. Dù câu trả lời có thế nào, CHT hoặc công ty bảo hiểm của họ sẽ phải trả tiền cho những thiệt hại lặp đi lặp lại vượt xa mức thông thường đối với cáp biển. Điều gì xảy ra nếu CHT ngừng cung cấp kết nối đến Quần đảo Mã Tổ với lý do việc sửa chữa cáp liên tục khiến tình hình trở nên quá khó khăn và đắt đỏ? Như tôi đã trình bày trong nhiều bài viết, nguy cơ đối đầu địa chính trị đang khiến nhiều hoạt động kinh doanh toàn cầu không thể được bảo hiểm.
Ngoài ra, còn một vấn đề khác mà CHT, Đài Loan, và thực sự là mọi quốc gia phải đối mặt: tình trạng thiếu tàu cáp. Lý do CHT phải đợi đến cuối tháng 4 hoặc muộn hơn mới bắt đầu sửa chữa cáp bị đứt là vì chỉ có sẵn khoảng 60 tàu cáp. Cũng may là những con tàu với vẻ ngoài cũ kỹ này vẫn còn tồn tại, bởi nếu không có chúng thì Internet sẽ không hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là có quá ít tàu cáp, mà chúng còn cũ. Theo báo cáo của Dan Swinhoe cho Tạp chí DCD, không có tàu cáp mới nào được đưa vào sử dụng từ năm 2004 đến năm 2010, và chỉ có năm tàu mới trong giai đoạn 2011-2020. “Chỉ có 8 trong số 60 tàu cáp là hoạt động dưới 18 năm, hầu hết đã hoạt động từ 20 đến 30 năm. Có 19 tàu hoạt động trên 30 năm và một tàu thậm chí đã hoạt động tận 50 năm,” Swinhoe lưu ý. Giống như các tuyến cáp biển trên thế giới, các tàu cáp thuộc sở hữu tư nhân, và cho đến nay, thị trường dường như không quan tâm đến việc cải thiện chất lượng tàu. Đây có thể là cơ hội để các chính phủ – đặc biệt là các cường quốc hải quân thống trị thế giới như Mỹ – vào cuộc. Ngoài ra, các nhà khai thác cáp, không chỉ bao gồm các công ty viễn thông mà còn cả những gã khổng lồ công nghệ như Google, có lẽ nên trang bị đội tàu cáp của riêng họ.
Trong tương lai, nhiều cáp ngầm hơn sẽ được chôn sâu dưới đáy biển để đảm bảo chúng ít bị hư hại hơn – nhưng điều đó cũng phụ thuộc vào 60 tàu cáp hiện có. Nếu các tàu đánh cá và tàu chở hàng của Trung Quốc cố tình làm hư hỏng hoặc cắt đứt 15 dây cáp biển nối Đài Loan với phần còn lại của thế giới, thì họ sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai gần. Thật vậy, với sự phụ thuộc của thế giới vào các tuyến cáp này, và số lượng ít ỏi các con tàu có thể bảo dưỡng chúng, tương lai gần mang đến những “viễn cảnh hấp dẫn” cho bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng tạo ra thêm một vài “tai nạn” trên biển.
Phá hoại cáp biển có thể trở thành phương tiện thực hiện “phong tỏa” của thời đại chúng ta – và khác với việc phong tỏa của các thế hệ trước, phong tỏa thời nay có thể được tiến hành bí mật. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà khai thác viễn thông khác đang nghiên cứu chiến lược hoạt động dự phòng của CHT, bởi vì họ cũng có thể bị buộc phải triển khai các biện pháp như vậy, ở Đài Loan và nhiều nơi khác. Hãy hy vọng có nhiều quốc gia học tập phản ứng của Đài Loan. Ứng phó với một cuộc phong tỏa tàn khốc nhưng vô hình có thể trở thành một trong những thách thức ngoại giao gai góc nhất mà các chính phủ phương Tây phải đối mặt.
Elisabeth Braw là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nơi bà tập trung vào việc đối phó với những thách thức an ninh quốc gia đang nổi lên, chẳng hạn như các mối đe dọa hỗn hợp và vùng xám. Bà cũng là thành viên của Ủy ban Phòng bị Quốc gia của Anh.