(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

 

Nguồn: Gideon Rachman, “How long can Japan remain a haven from China?,” Financial Times, 29/04/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Con người, tiền bạc, và thương mại đang hướng tới Nhật Bản nhưng cơ hội ngắn hạn có thể trở thành vấn đề dài hạn.

 

 

Trung Đông đang chìm trong biển lửa. Châu Âu đang có chiến tranh. Còn Mỹ thì đang hỗn loạn. May mắn thay, tôi đang ở Nhật Bản, nơi mà mùa hoa anh đào đang kết thúc một cách nhẹ nhàng.

 

Rõ ràng, có một số người xem Nhật Bản là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ khó khăn. Jack Ma, tỷ phú sáng lập Alibaba, đã chuyển đến Nhật sau khi không còn được ủng hộ ở quê nhà Trung Quốc. Ngay sau khi đến Tokyo, tôi cũng vô tình đi ngang qua Roman Abramovich – nhà tài phiệt Nga đang dính nhiều lệnh trừng phạt – trên một con phố nhỏ ở Omotesando, một khu mua sắm thời trang. (Chỉ là thoáng qua thôi, nhưng nét mặt bơ phờ, râu ria rậm rạp ấy rất khó nhầm lẫn.)

 

Không riêng gì các tỷ phú mới có suy nghĩ rằng, xét trên mọi khía cạnh, Nhật Bản dường như là một lựa chọn tốt vào thời điểm hiện tại. Nước này hiện đang trải qua thời kỳ bùng nổ du lịch – khi du khách đổ xô đến đây bởi đồng yên rẻ (gần đây đã chạm mức thấp nhất trong 34 năm), cũng như ẩm thực, văn hóa, và mua sắm.

 

Các nhà đầu tư cũng dần có một cái nhìn mới. Chuyến thăm Nhật Bản của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vào năm ngoái chính là một bằng chứng. Chỉ số Nikkei đã tăng khoảng 30% trong 12 tháng qua – vượt qua mức mà nó đạt được lần cuối vào năm 1989, thời kỳ đỉnh cao của thị trường chứng khoán. Khoảnh khắc mang tính biểu tượng đó đã khơi dậy hy vọng rằng, sau 30 năm trì trệ, nền kinh tế Nhật cuối cùng cũng bắt đầu tiến lên.

 

Bong bóng Nhật Bản đã vỡ cùng thời điểm Trung Quốc mở cửa đón đầu tư nước ngoài. Sự trì trệ kéo dài 30 năm sau đó của Nhật Bản có thể được liên kết với sự bùng nổ kéo dài hàng thập kỷ cùng thời ở Trung Quốc – khi sự thịnh vượng đến mức phi lý của Tokyo trong những năm 1980 đã chuyển đến Hong Kong và Thượng Hải.

 

Nhưng giờ đây, khi quan ngại về tương lai của Trung Quốc và Hong Kong gia tăng, Nhật Bản bắt đầu được chú ý trở lại. Gần đây, các công ty Mỹ như Microsoft, Oracle, Micron, và Blackstone đều tăng cường đầu tư vào Nhật. Các giám đốc điều hành phương Tây hiện đang lo lắng về việc chuyển gia đình đến sống ở Trung Quốc – thậm chí là về việc đi tới nước này – lại không hề dè dặt đối với nước Nhật.

 

Tìm kiếm lực lượng lao động phù hợp vẫn là một vấn đề nan giải vì dân số Nhật Bản đang giảm đi và già hoá – trong khi tỷ lệ nhập cư thấp và không được khuyến khích. Nhưng sức mạnh công nghệ, cơ sở công nghiệp, cơ sở hạ tầng, và nguồn tiết kiệm khổng lồ của nước này vẫn là những tài sản đáng gờm.

 

Năm nay, TSMC, công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan, đã mở nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản, đồng thời công bố kế hoạch mở nhà máy thứ hai. Người Nhật hy vọng sẽ chứng kiến sự hồi sinh của ngành công nghiệp bán dẫn khi họ trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm loại trừ Trung Quốc đại lục.

 

Nỗi lo về tương lai của Trung Quốc cũng đang giúp ích cho ngành dịch vụ của Nhật Bản. Hai trường tư thục nổi tiếng của Anh – Malvern và Rugby – vừa mới mở cơ sở tại Nhật Bản. Nhiều khả năng một lượng lớn học sinh mới nhập học của hai trường này sẽ đến từ Trung Quốc đại lục. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm đến việc mua bất động sản ở Tokyo.

 

Nhưng quan ngại về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc – và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây – không hoàn toàn là điều tích cực đối với Nhật Bản. Trung Quốc cũng là thị trường khổng lồ của các công ty Nhật Bản. Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ đồng nghĩa với việc doanh số bán hàng thấp hơn. Nhiều công ty Nhật Bản xem việc “phân tách” khỏi Trung Quốc là suy nghĩ điên rồ về mặt thương mại và là mối đe dọa đối với tương lai của họ.

 

Trung Quốc đại lục cũng là cơ sở sản xuất chính của các công ty Nhật Bản. Nếu Mỹ và châu Âu quyết định thiết lập các rào cản bảo hộ đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, điều đó sẽ ảnh hưởng đến Nissan của Nhật Bản nhiều như cách nó ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xe hơi lớn của Trung Quốc như BYD.

 

Rõ ràng, có những cơ hội cho Nhật Bản trong ý tưởng “friendshoring” (chuyển sản xuất sang nước thân thiện) được Mỹ thúc đẩy giữa các nền dân chủ cùng chí hướng. Tuy nhiên, người Nhật cũng biết rằng người Mỹ rất khó đoán – nhất là khi kỳ bầu cử đến gần. Chẳng hạn, nỗ lực thâu tóm US Steel của Nippon Steel hiện đang bị chính quyền Biden ngăn cản.

 

Nếu Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc vào năm sau, Mỹ có lẽ sẽ càng trở nên bảo hộ và khó đoán hơn. Viễn cảnh đó hiện là nỗi ám ảnh ở Tokyo. Thậm chí còn xuất hiện một từ tiếng Nhật, moshitora, có thể tạm dịch là “nếu Trump [quay lại thì sao]?” – tora còn được dịch là hổ.

 

Nếu nước Mỹ trông có vẻ khó đoán và bất ổn, thì trong mắt người Nhật, Trung Quốc còn đáng sợ hơn nhiều. Việc xây dựng quân đội không ngừng nghỉ suốt 20 năm qua có nghĩa là Bắc Kinh hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết – và các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy rối xung quanh vùng đảo tranh chấp, mà Nhật Bản gọi là Senkaku.

 

Phản ứng của Tokyo là tăng chi tiêu quốc phòng và xích lại gần Mỹ hơn. Nhưng một số chuyên gia an ninh quốc gia tin rằng mối đe dọa đang ngày càng gia tăng. Một quan chức lập luận rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với một môi trường nguy hiểm hơn bất kỳ quốc gia G7 nào khác – bởi vì láng giềng của họ là Trung Quốc, Nga, và Triều Tiên.

 

Người Nhật hay nói rằng hoa anh đào đẹp bởi nó chỉ tồn tại ngắn ngủi. Tôi cũng cảm thấy như vậy về giai đoạn hiện tại ở Nhật Bản. Chúng ta nên tận hưởng Nhật Bản như một nơi trú ẩn khỏi những rắc rối của thế giới, bởi – buồn thay – việc này không thể kéo dài mãi mãi.

 

(nghiencuuquocte.org)