(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy (nghiencuuquocte.org)

 

 

Liên minh Âu châu công bố vòng trừng phạt thứ 13 đối với Nga. Theo chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các biện pháp này nhắm vào các thực thể được cho là đang hỗ trợ “cỗ máy chiến tranh” của Nga. EU cũng nhắm vào các doanh nghiệp ở Ấn Độ và Trung Quốc có liên quan đến cuộc chiến của Nga. Gói trừng phạt được thống nhất sau khi Hungary tuyên bố ủng hộ. Trong khi đó, Anh áp đặt lệnh trừng phạt đối với 6 quan chức Nga tại trại giam nơi Alexei Navalny qua đời.

 

 

 

Somalia đồng ý cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lãnh hải của mình. Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã hoạt động trên lãnh hải Somali để chống cướp biển. Nhưng thủ tướng Somalia, Hamza Abdi Barre, hứa rằng thỏa thuận mới sẽ chấm dứt “các mối đe dọa từ bên ngoài.” Căng thẳng với nước láng giềng Ethiopia đã gia tăng kể từ khi nước này ký thỏa thuận với khu vực Somaliland ly khai của Somalia.

 

 

Chính quyền Biden cho biết sẽ đầu tư hơn 20 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất cần cẩu trong nước. Gói tài trợ này là một phần của một loạt các biện pháp — cùng với các tiêu chuẩn an ninh mạng được cải thiện — nhằm tăng cường bảo vệ các cảng. Giới chức cảnh báo rằng cần cẩu Trung Quốc, chiếm gần 80% số lượng cần cẩu vận chuyển trên bờ tại các cảng của Mỹ, có thể bị tấn công mạng.

 

 

 

Bộ trưởng tài chính Nam Phi, Enoch Godongwana, đề xuất ngân sách trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5. Ông dự định huy động thêm 15 tỷ rand (793 triệu USD), phần lớn thông qua “lực cản tài khóa” (giữ nguyên khung thuế khi lạm phát làm tăng lương và giá cả). Chính phủ cũng sẽ tăng thuế đối với rượu, thuốc lá và các hàng hóa khác. Nền kinh tế Nam Phi đang đối mặt tình trạng thất nghiệp, lạm phát và nợ công cao.

 

 

 

Công ty khai khoáng Rio Tinto phê duyệt việc phát triển dự án khai thác mỏ trị giá 20 tỷ USD ở Guinea, Tây Phi. Kế hoạch rộng lớn này bao gồm hai mỏ, một cảng và một tuyến đường sắt, dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu quặng sắt vào năm tới. Nó mang lại một tia hy vọng cho ngành khai thác mỏ toàn cầu, vốn vừa có một thập niên ảm đạm.

 

 

 

 

Theo các blogger quân sự Nga, một cuộc không kích của Ukraine đã giết chết hơn 65 binh sĩ Nga trên lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía đông Ukraine. Căn cứ quân sự này được cho là bị tấn công bởi tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Đoạn video cho thấy hàng chục người chết và bị thương. Cuộc tấn công diễn ra sau khi Nga chiếm được Avdiivka, một thị trấn gần đó, vào hôm thứ Bảy.

 

 

 

Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự đoán ERS-2, một vệ tinh được phóng vào năm 1995, sẽ quay trở lại bầu khí quyển và rơi xuống Trái đất vào thứ Tư. Nó hầu như sẽ cháy hết khi rơi xuống. Cùng với ERS-1, người anh em lớn hơn của nó, ERS-2, là một trong những vệ tinh tinh vi nhất được phóng vào những năm 1990. Chúng giúp thu thập dữ liệu về lũ lụt, nhiệt độ, vùng băng và tầng ozone.

 

 

 

Con số trong ngày: 97%, là tỷ lệ nikel ở Mỹ nằm trên các khu bảo tồn của người Mỹ bản địa hoặc trong phạm vi 35 dặm (56 km) xung quanh.

 

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

 

 Quan hệ chông gai giữa Nhật và Nam Hàn.

 

Thứ Năm này Nhật Bản sẽ đánh dấu Ngày Takeshima, một dịp kỷ niệm hàng năm về yêu sách của nước này đối với quần đảo Takeshima nằm giữa Nhật và Nam Hàn. Nam Hàn kiểm soát những đảo này và gọi chúng là Dokdo. Takeshima- Dokdo cho tới nay vẫn là một vấn đề nhức nhối giữa hai bên, bất chấp mối quan hệ song phương ngày càng nồng ấm.

 

Dưới thời thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nước đã tìm cách hàn gắn những rào cản về quá khứ cay đắng của họ và tập trung vào những thách thức an ninh chung, chẳng hạn như Trung Quốc và Triều Tiên. Mỹ hoan nghênh mối quan hệ được cải thiện giữa hai nước và coi sự hợp tác đó là mấu chốt cho ổn định trong khu vực.

 

Bản thân Ngày Takeshima là một sự kiện nhỏ được phát động từ năm 2005 bởi Shimane, một quận của Nhật Bản nằm gần quần đảo tranh chấp. Chính phủ quốc gia thường cử một quan chức cấp trung đến tham dự. Nhưng lễ kỷ niệm đóng vai trò như một lời nhắc nhở về nhiều mối bất bình lịch sử chưa được giải quyết có thể làm chệch hướng những thiện chí của hôm nay.

 

 

 

Khi nào thì ECB mới giảm lãi suất?

Dữ liệu lạm phát ở cả Mỹ và châu Âu đều thất thường. Lạm phát tháng 1 ở Mỹ giảm ít hơn dự kiến, trong khi tại khu vực đồng euro, sau mức thấp 2,4% của tháng 11, lạm phát tiêu đề trong tháng 12 và tháng 1 lần lượt tăng lên mức 2,9% và 2,8%. Việc công bố dữ liệu lạm phát chi tiết của khu vực đồng euro cho tháng 1 vào thứ Năm, bao gồm các số liệu được điều chỉnh theo mùa, sẽ cho thấy mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) là xa vời đến đâu. Biên bản cuộc họp của ECB hôm 25 tháng 1, cũng được công bố vào thứ Năm, sẽ cho thấy ngân hàng này nhìn nhận các bước tiếp theo của họ như thế nào.

 

Nền kinh tế Âu châu, không như Mỹ, yếu đến mức lạm phát cuối cùng sẽ giảm, dù điều đó cần có thời gian. Theo biên bản các cuộc họp trước đó, các thành viên hội đồng thống đốc của ECB nhấn mạnh các yếu tố sẽ giúp giảm lạm phát: bộ đệm tiền mặt của các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể cạn kiệt và lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Có lẽ đợt công bố lạm phát sau sẽ là cột mốc để thuyết phục họ cắt giảm lãi suất.

 

 

 

 

Colombia khuyết tổng chưởng lý

Tòa án tối cao Colombia sẽ họp lần thứ ba vào thứ Năm trong nỗ lực bầu ra tổng chưởng lý tiếp theo của đất nước. Họ có danh sách ứng viên do tổng thống đề xuất — tất cả đều là phụ nữ — từ nhiều tháng trước và lẽ ra đã đưa ra lựa chọn trước ngày 7 tháng 12. Mười ngày trước, sự do dự của toà đã biến thành khủng hoảng khi nhiệm kỳ của tổng chưởng lý hiện tại, Francisco Barbosa, kết thúc.

 

Sự bế tắc đã gây biểu tình ở các thành phố lớn trong cả nước. Tổng thống Gustavo Petro khẳng định có một “mafia” không muốn mất quyền kiểm soát văn phòng công tố vào tay người được ông đề cử. Mặt khác, tất cả đều biết rằng bộ trưởng tư pháp mới sẽ giám sát các cuộc điều tra nhắm vào con trai, anh trai và cựu chánh văn phòng của ông Petro. Một ngày sau khi hết thời hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ đã ghi nhận những rủi ro đối với hệ thống tư pháp của Colombia và kêu gọi tòa án tuân thủ nghĩa vụ hiến pháp, đồng thời lưu ý rằng cả ba ứng viên đều phù hợp với vai trò này.

 

 

 

Tàu vũ trụ không người lái của Mỹ sắp đáp xuống Mặt Trăng

Thứ Năm có thể chứng kiến ​​cuộc đổ bộ Mặt trăng đầu tiên được thực hiện bởi một công ty tư nhân. Hôm 15 tháng 2, hỏa tiễn SpaceX Falcon 9 đã đưa Odysseus vào quỹ đạo. Tàu đổ bộ do công ty Intuitive Machines của Mỹ chế tạo sẽ đáp xuống gần cực nam của Mặt Trăng — một khu vực rất được các nhà khoa học quan tâm và chưa từng được tàu vũ trụ ghé thăm trước đây, một phần vì địa hình đầy thách thức của nó.

 

Intuitive Machines không phải là công ty tư nhân đầu tiên thử hạ cánh lên Mặt Trăng. Những công ty khác đã thử và đều thất bại. Hồi tháng 4 năm 2023, HAKUTO-R do công ty ispace của Nhật Bản phóng lên đã bị rơi. Vào tháng 1, Peregrine, do Astrobiotic của Mỹ sản xuất, đã không thể tới được Mặt trăng vì rò rỉ chất đẩy.

 

Odysseus mang theo các thiết bị khoa học của NASA và được cơ quan này tài trợ một phần. Kế hoạch này được thiết kế để khuyến khích các công ty phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng. Mục tiêu là giúp họ có đủ năng lực để quay sang hỗ trợ cho những nỗ lực của NASA, bao gồm việc đưa con người trở lại Mặt Trăng trước năm 2030.