Ảnh: Reuters
Theo Reuters, một dự luật lưỡng đảng của Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga để thúc đẩy đàm phán hòa bình với Ukraine đang nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội trong tuần qua. Tuy nhiên, dự luật vẫn thiếu sự thúc đẩy từ tổng thống để có thể chánh thức được thông qua.
Những người ủng hộ Ukraine ở Washington và Kyiv đã hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ dự luật này trong nhiều tháng qua. Giờ đây, họ đang hồi hộp chờ đợi "tuyên bố lớn" mà ông Trump đã hứa về Nga vào ngày 14/7.
Tổng thống Trump, người từng cam kết chấm dứt cuộc xung đột Ukraine-Nga trong chiến dịch tranh cử của mình, chưa tiết lộ chi tiết về tuyên bố sắp tới.
Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, ông ngày càng công khai bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ông Putin miễn cưỡng, không muốn chấp nhận ngừng bắn và số lượng dân thường thiệt mạng tăng lên do các cuộc tấn công của Nga.
Vào hôm 8/7, ông Trump đã phê duyệt việc gửi vũ khí phòng thủ của Mỹ cho Ukraine. Hai ngày sau, ông tiến gần hơn bao giờ hết đến việc ủng hộ dự luật trừng phạt dù chưa ký duyệt văn bản cuối cùng, theo một nguồn tin thân cận.
Lãnh đạo đa số Cộng hòa tại Thượng viện John Thune cho biết Thượng viện có thể bỏ phiếu về dự luật trong tháng này. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Mike Johnson cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Ngoại trưởng Marco Rubio đã tiết lộ riêng với các viên chức ngoại giao Âu châu rằng dự luật sẽ sớm được thông qua.
Ông Graham viết trên X vào ngày 8/7: "Thượng viện sẽ sớm hành động với một dự luật trừng phạt cứng rắn – không chỉ nhắm đến Nga, mà còn đến các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước mua các sản phẩm năng lượng của Nga - thứ tài trợ cho bộ máy chiến tranh của Putin."
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có từ bỏ việc thúc đẩy ngoại giao với Nga hay không. Một số người ủng hộ dự luật cũng thừa nhận rằng quyền phủ quyết rộng rãi mà Tòa Bạch Cung đang yêu cầu có thể khiến dự luật này mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất.
Phát biểu tại Kuala Lumpur vào hôm 11/7 sau cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết một "ý tưởng mới" đã được thảo luận và ông sẽ trình lên Tổng thống Trump để tham vấn thêm. Ông từ chối tiết lộ chi tiết.
Ông Rubio nói, "Khái niệm mới này – cách thức mới này không tự động dẫn đến hòa bình, nhưng có thể mở ra một con đường."
Ông cũng nhắc lại sự thất vọng của Tổng thống Trump về việc Moscow không sẵn lòng linh hoạt hơn và cho hay phía Mỹ đã thông báo với Nga vài tuần trước rằng một dự luật trừng phạt hoàn toàn có thể được thông qua.
Các công việc đang tiến hành
Ngoại trưởng Nga (phải) và Mỹ trò chuyện tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm 11/7. Ảnh: Reuters
Dự luật, do Thượng nghị sĩ Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal giới thiệu, sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng lên nhiều cá nhân, cơ quan chánh phủ và tổ chức tài chánh của Nga.
Dự luật cũng sẽ trừng phạt các quốc gia khác giao dịch với Moscow, áp thuế 500% đối với các nước mua dầu, khí đốt, uranium và các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn lên Moscow để buộc Kremlin đồng ý ngừng bắn, hướng tới chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 40 tháng.
Theo hai viên chức Mỹ, việc xây dựng dự luật đã được đẩy nhanh trong tuần qua.
Tuy nhiên, một người hiểu rõ ông Trump cho hay văn bản vẫn cần được hoàn thiện vì phiên bản hiện tại không mang lại đủ sự linh hoạt cho vị tổng thống để thực hiện chương trình nghị sự đối ngoại của mình một cách độc lập với Quốc hội.
Tòa Bạch Cung đang phối hợp chặt chẽ với Quốc hội và các nhà bảo trợ dự luật để bảo đảm rằng nó sẽ "củng cố các mục tiêu chánh sách đối ngoại của Tổng thống".
Một nguồn tin nắm rõ quy trình soạn thảo cho biết, đội ngũ nhân viên Quốc hội đã tích cực giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong những ngày gần đây, chẳng hạn như làm thế nào để tránh cho các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến hoạt động của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.
Một người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Graham nói rằng dự luật có thể sẽ không được đưa ra bỏ phiếu trước ngày 21/7 do các ưu tiên lập pháp khác.
Hạ viện, nơi cũng cần bỏ phiếu về dự luật, sẽ nghỉ hè vào tháng Tám trong hai tuần nữa, nghĩa là thời gian còn lại rất eo hẹp.
Điều này đặc biệt đúng nếu yêu cầu của ông Trump về việc cắt giảm 9,4 tỷ USD chi tiêu cho viện trợ nước ngoài và phát thanh công cộng được gửi lại Hạ viện nếu có bất kỳ thay đổi nào. Đề xuất này trước đó đã được Hạ viện thông qua và hiện đang nằm ở Thượng viện.
Một số người ủng hộ dự luật thừa nhận rằng nó mang tính biểu tượng nhiều hơn, bởi Tổng thống Trump có quyền phủ quyết rộng rãi các lệnh trừng phạt và dù sao cũng có thể ban hành lệnh trừng phạt từ nhánh hành pháp nếu ông muốn.
"Tổng thống vốn đã có tất cả các quyền hạn này rồi," một nhân viên Thượng viện nói.
Tái cung cấp vũ khí cho Ukraine
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa thông báo Mỹ đã nối lại việc cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine, sau khi Washington tạm dừng một số lô hàng võ khí quan trọng vào tuần trước.
Trước đó, vào hôm 10/7, Tổng thống Donald Trump nói với NBC News rằng ông đã đạt thỏa thuận với NATO để Mỹ gửi các hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine thông qua liên minh này, sau khi Nga gia tăng các cuộc tấn công trên không.
Tổng thống Zelensky từng bày tỏ lo ngại về tác động của việc tạm dừng viện trợ đối với năng lực phòng thủ của Ukraine, đặc biệt khi các hệ thống Patriot và đạn pháo chuẩn xác nằm trong số những vũ khí được cho là đã bị đình chỉ.
Trong những tuần gần đây, Nga đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine, gây ra số thương vong dân sự kỷ lục.
Liên Hợp Quốc cho hay, tháng Sáu vừa qua chứng kiến số dân thường thiệt mạng cao nhất trong ba năm qua tại Ukraine, với 232 người chết và hơn 1.300 người bị thương.
Trước tình hình các cuộc tấn công gia tăng, ông Zelensky đã yêu cầu 10 hệ thống Patriot. Đây là các tổ hợp phát hiện và đánh chặn hỏa tiễn đang bay tới, được coi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới.
Thỏa thuận mới nhất do Tổng thống Trump công bố sẽ cho phép NATO mua các hệ thống Patriot từ Mỹ và sau đó phân phối chúng cho Ukraine.
Ông Trump cho biết liên minh sẽ "hoàn trả toàn bộ chi phí". NATO được tài trợ thông qua đóng góp của các thành viên, bao gồm cả Mỹ.
Ông Trump từng nói vào hôm 8/7 rằng Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí cho Kyiv vì "họ đang bị tấn công rất nặng nề hiện nay".
Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tuần trước, ông cho biết mình "không hài lòng" vì chưa có tiến triển nào trong việc chấm dứt chiến tranh.
Ông Trump vốn thúc đẩy việc giảm bớt sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi trở lại Tòa Bạch Cung hồi tháng Một.
Theo Viện nghiên cứu Kiel của Đức, Mỹ là nguồn viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2024, với tổng số tiền là 69 tỷ đô la trong khoảng thời gian đó.
(Theo BBC)