Quốc Tế - Nhờ luật bí mật tài chính, tiểu bang South Dakota, Hoa Kỳ, đang trở thành "điểm đến" mới cho giới siêu giàu nước ngoài và thậm chí cả tội phạm tài chính để cất giấu tài sản.
Chính phủ Mỹ từ lâu đã lên án các "thiên đường thuế" ở nước ngoài, nơi quy tắc tự do và tính bảo mật hấp dẫn nhiều nhà tài phiệt, ông trùm kinh doanh và các chính trị gia tìm đến cất giấu tài sản.
Tuy nhiên, ngay tại Mỹ, ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính cũng đang giúp những người giàu nhất thế giới che giấu của cải và đôi khi không phải trả hoặc trả mức thuế ít ỏi.
Washington Post đưa tin, với những lời hứa hẹn về mức độ bảo mật sánh ngang hoặc thậm chí vượt qua cả thiên đường thuế nước ngoài, các bang Mỹ đang tạo dựng “chỗ đứng mới”, trở thành “đối thủ” của Thụy Sĩ và Panama.
Hàng loạt người nước ngoài giàu có đã chuyển tiền đến những quỹ tín thác ở South Dakota. Các quỹ này được hưởng một số biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ nhất thế giới, giúp khách hàng của họ tránh được thuế quan, chủ nợ và cả các nhà điều tra tội phạm cùng công chúng.
Với 11,9 triệu tài liệu, Hồ sơ Pandora đã tiết lộ về dòng tiền đổ vào quỹ tín thác ở Mỹ. Hồ sơ cho thấy cách các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp nước ngoài hoặc thành viên gia đình họ chuyển tiền cùng tài sản khác từ các thiên đường thuế lâu đời đến Mỹ.
Ở South Dakota, tài sản trong quỹ tín thác đã tăng gấp 4 lần trong thập niên qua, lên 360 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có được là nhờ bang không ngừng đẩy mạnh thu hút tiền bằng cách giúp che chắn tài sản của chủ nhân những quỹ tín thác khỏi các chính phủ nước ngoài, các cơ quan thuế và thậm chí cả vợ/chồng cũ.
Nhờ chính sách bí mật, các bang của Mỹ đang trở thành điểm đến ưa thích mới cho giới siêu giàu để cất giấu tài sản. Ảnh: Guardian.
Theo Bret Afdahl, Giám đốc Bộ phận Ngân hàng South Dakota, các công ty ủy thác được yêu cầu xác nhận danh tính của tất cả khách hàng và tài sản nước ngoài sẽ được giám sát. Nhà nước kiểm tra các công ty ủy thác ít nhất hai năm một lần và có thể phạt các công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc giám sát còn hạn chế và quy định đầy mơ hồ.
Cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora đã cho thấy cách thức các ngân hàng và công ty luật hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ ủy thác ở nước ngoài để thiết kế cấu trúc công ty phức tạp. Các nhà cung cấp không phải lúc nào cũng biết về khách hàng của mình dù có nghĩa vụ pháp lý là không làm ăn với những người dính dáng giao dịch đáng ngờ.
“Chúng ta (Mỹ) đang trở nên giống như Thụy Sĩ và Panama”, cựu Thượng nghị sĩ bang South Dakota Craig Kennedy nói. “Chúng ta không biết đối tượng được hưởng là ai, đang quản lý tài sản gì. Mọi người sử dụng luật ngân hàng và ủy thác cho các mục đích không phù hợp”.
Lợi thế pháp lý.
Cuộc điều tra cũng phơi bày cách thức các nhà cung cấp quỹ tín thác Mỹ lợi dụng luật của một số tiểu bang để tăng cường bí mật và giúp khách hàng nước ngoài che giấu tài sản nhằm tránh thuế ở quê nhà của họ.
Theo Washington Post, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành này “có công" của một nhóm người trong các công ty ủy thác. Những người này đã kiên trì từ năm này qua năm khác để đề xuất bộ luật mới, giúp họ hấp dẫn khách hàng.
Năm 1995, khi đang đánh bắt cá hồi trên bán đảo Kenai của Alaska, luật sư Jonathan Blattmachr ở New York đã phác thảo một ý tưởng có thể đưa Mỹ cạnh tranh với các thiên đường thuế trên thế giới: bảo vệ tài sản khỏi cơ quan thuế.
South Dakota trước đó đã dẫn đầu phong trào trong những năm 1980 khi tạo ra quỹ ủy thác có thể được truyền qua nhiều thế hệ mà không cần đóng thuế.
Blattmachr tiếp tục đề xuất một thay đổi sâu rộng thứ hai trong luật. Ông muốn che chở khối tài sản khỏi tầm với của các chủ nợ và chính phủ nước ngoài - một thực tế đã được áp dụng ở các trung tâm tài chính ngoại biên như Quần đảo Cook. Trong những năm gần đây, Quần đảo Cook nổi tiếng là thiên đường của con nợ, thông qua việc ban hành luật cho phép con nợ bảo vệ tài sản của họ khỏi yêu sách của các chủ nợ.
Với ít sự phản đối, các nhà lập pháp tiểu bang đã biến các đề xuất này thành đạo luật áp dụng trong cuộc sống kể từ cuối những năm 1990.
Quỹ tín thác Trident Trust xuất hiện trong Hồ sơ Pandora có văn phòng tại Sioux Falls, South Dakota, Mỹ. Ảnh: Washington Post.
Đạo luật mang tính đột phá cũng thúc đẩy nhiều bang khác "tự do hóa" các quy định liên quan đến quỹ tín thác. Nhiều bang khác tại Mỹ cũng tham gia cuộc cạnh tranh thu hút người giàu bao gồm Alaska, Delaware, Nevada và New Hampshire.
Hơn 200 quỹ tín thác Mỹ xuất hiện trong Hồ sơ Pandora, chiếm ít nhất một tỷ USD. Trong khi South Dakota là địa điểm phổ biến nhất, với 81 quỹ, thì Florida, Delaware, Texas và Nevada cũng có đến hàng chục quỹ.
“Đảo giấu vàng”.
Cuộc điều tra đã xác định 206 quỹ tín thác có trụ sở tại Mỹ liên quan đến các cá nhân ở 41 quốc gia. Gần 30 quỹ tín thác nắm giữ tài sản liên quan đến những đối tượng hoặc công ty bị cáo buộc gian lận, hối lộ hoặc vi phạm nhân quyền.
Trident Trust là một trong 14 công ty dịch vụ tài chính rò rỉ tài liệu có tên trong Hồ sơ Pandora. Được thành lập cách đây 7 năm, Trident Trust hứa sẽ bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng bằng cách dựa vào luật pháp của tiểu bang. Công ty gọi nó là “Lợi thế South Dakota”.
Guillermo Lasso, Tổng thống Ecuador, đã thiết lập quỹ tín thác ở Trident vào năm 2017 sau khi có báo cáo ông sử dụng công ty nước ngoài để giấu tài sản của mình trong một ngân hàng.
Người ta cho rằng ông đã chuyển tài sản ba tháng sau khi Quốc hội Ecuador thông qua luật cấm các quan chức nhà nước giữ tiền trong các thiên đường thuế như Panama. Tuy nhiên, với dòng chảy tài chính vào Mỹ, ông Lasso không bị buộc tội với bất kỳ tội danh nào.
Một trong những khách hàng khác của Trident là José “Pepe” Douer Ambar, ông trùm dệt may Colombia, người từng bị chính quyền Mỹ phạt 20 triệu USD sau quá trình điều tra một mạng lưới rửa tiền.
Theo hồ sơ, José Douer Ambar thành lập một quỹ tín thác vào với tài sản 100 triệu UDDS tại văn phòng của Trident.
Tuy nhiên, gần 10 năm trước, vào năm 2004, giới chức Mỹ, Anh và Canada đã tuyên bố phá vỡ được một đường dây rửa tiền khổng lồ của Colombia, trong đó Douer có dính líu.
Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso. Ảnh: Globallookpress.
Năm 2016, Trident tiếp nhận một khách hàng khác là Federico Kong Vielman, thành viên của một trong những gia tộc nổi tiếng ở Guatemala. Quỹ tín thác của Kong Vielman trị giá 13,5 triệu USD.
Nhưng hai năm trước khi quỹ tín thác được thành lập, các quan chức lao động Mỹ đã đệ đơn lên chính phủ Guatemala, cáo buộc công ty dầu cọ của gia đình Kong Vielman trả lương thấp cho nhân viên và yêu cầu họ tiếp xúc với các hóa chất độc hại mà không cung cấp thiết bị bảo hộ.
Việc Mỹ đang trở thành nơi cất giấu hàng tỷ USD tài sản cho các cá nhân hay công ty bị cáo buộc gian lận tài chính và có hành vi sai trái sẽ là một đòn giáng mạnh vào cam kết "minh bạch hệ thống tài chính toàn cầu" của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết “Các quỹ tín thác được thành lập ở South Dakota và nhiều bang khác của Mỹ vẫn được che giấu trong bí mật, mặc dù Đạo luật minh bạch doanh nghiệp liên bang được ban hành trong năm nay".