Bộ trưởng tài chính các nước G7 cùng các quan chức khác chụp ảnh ở London ngày 5-6 - Ảnh: REUTERS

 

 

 

 

 

 

Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu, hay còn gọi là G7, đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào ngày thứ Bảy (5/6/2021), để theo đuổi mức thuế toàn cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp đa quốc gia như Google, Facebook, Apple và Amazon.

 

 

 

Hãng CNBC đưa tin, Bộ trưởng tài chính các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý và Nhật nhóm họp ở London vừa nhất trí chống lại tình trạng né thuế bằng các biện pháp bắt các công ty trả thuế ở những nước họ hoạt động kinh doanh.

 

 

 

Các chính phủ từ lâu đã chật vật với thách thức đánh thuế các công ty toàn cầu hoạt động trên nhiều quốc gia. Thách thức này ngày một lớn với sự bùng nổ của các công ty công nghệ khổng lồ như Amazon và Facebook. Hiện tại, các công ty có thể mở các chi nhánh địa phương ở các nước có mức thuế khá thấp và công bố lợi nhuận ở đó. Điều đó có nghĩa họ chỉ trả mức thuế địa phương, ngay cả khi lợi nhuận được thu từ các thị trường khác. Cách làm này là hợp pháp và phổ biến.

 

 

 

Tin cho hay tuần này, chi nhánh tại Ireland của Microsoft không trả một đồng thuế nào từ lợi nhuận $315 tỷ năm ngoái vì chi nhánh này đăng ký ở Bermuda cho mục đích tránh thuế.

 

 

Thỏa thuận mới nhằm ngưng tình trạng này xảy ra theo 2 cách:

 

Thứ nhất, các nước G7 muốn có một mức thuế toàn cầu tối thiểu để tránh xảy ra "cuộc đua xuống đáy", theo đó các nước đua nhau cắt giảm thuế để cạnh tranh.

 

 

Thứ hai, quy định mới sẽ buộc các công ty trả thuế ở những nước mà họ bán sản phẩm và dịch vụ, thay vì ở nơi mà họ công bố lợi nhuận. Chỉ những công ty lớn có tỷ suất lợi nhuận ít nhất 10% mới bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Tổng cộng 20% của bất kỳ khoản lợi nhuận nào trên mức 10% sẽ được phân bổ lại. Khoản tiền đó sẽ phải chịu thuế công ty ở các quốc gia mà các công ty có bán hàng.

 

 

Họ cũng đồng ý thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về thuế doanh nghiệp - được đặt ở mức tối thiểu 15%. Các quốc gia có thể tăng con số đó cao hơn với mức thuế “được áp dụng trên cơ sở từng quốc gia”.

 

 

Các bên tham dự hy vọng rằng thỏa thuận này có thể sẽ giúp các chính phủ thu hàng tỷ USD thuế để trả bớt các khoản nợ mà các nước vay trong khủng hoảng Covid-19. “Tôi xin vui mừng thông báo, ngày hôm nay, sau nhiều năm ròng đàm phán, các bộ trưởng bộ tài chính nhóm G7 đã đạt thoả thuận lịch sử về cải cách hệ thống thuế toàn cầu, để hệ thống này phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số. Và quan trọng hơn cả, thoả thuận này đảm bảo sự công bằng, để các công ty nộp thuế nộp đúng, nộp đủ thuế ở nơi cần nộp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak công bố ngày 5/6.

 

 

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết thỏa thuận này là "tin xấu đối với các thiên đường thuế trên toàn thế giới", đồng thời cho biết thêm: "Các công ty sẽ không còn có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách đặt lợi nhuận của họ ở các quốc gia có mức thuế thấp nhất".

 

 

Thỏa thuận này sẽ làm tăng thêm áp lực, buộc các quốc gia khác phải làm theo, trong đó có các nước tham dự cuộc họp thượng đỉnh G20 trong tháng sau.

 

 

Chi tiết của thỏa thuận sẽ được bàn thảo chi tiết tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương vào tháng 7 tới.

 

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã là người muốn mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 21% áp dụng toàn cầu nhằm chấm dứt một “cuộc đua xuống đáy” về thuế giữa các quốc gia nhằm thu hút các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, sau quá trình đàm phán khó khăn, mức thuế mà các nước trong G7 thống nhất là 15%.

 

 

Trước đó, Vương quốc Anh – một thành viên G7 – đã phản đối đề xuất này. Đồng thời, vấn đề thuế tối thiểu cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia thành viên của khối này áp dụng thuế suất thuế doanh nghiệp khác nhau và có thể thu hút các công ty lớn bằng sự chênh lệch thuế. Chẳng hạn, thuế suất ở Ireland là 12,5%, trong khi thuế ở Pháp có thể lên đến 31%.

 

 

Phát biểu hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland, Paschal Donohoe, nói rằng các nước nhỏ hơn nên được phép có mức thuế thấp hơn, với lý do các nước như vậy không có lợi thế về quy mô như các nền kinh tế lớn hơn.

(Theo ntdvn.com)